Đồng chủ trì hội nghị có ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo các ngành, địa phương phải chủ động ứng phó theo từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Nhằm đảm bảo yêu cầu chủ động về PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, đến nay có 101/101 xã, phường, thị trấn của tỉnh được củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích PCTT với tổng lực lượng trên 9.500 người được trang bị gần 49.000 dụng cụ, trang thiết bị.
Riêng năm 2022, tỉnh đã mua sắm, phân bổ bổ sung thêm trên 9.200 dụng cụ, thiết bị từ ngân sách và nguồn hàng dự trữ quốc gia; thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án liên quan đến PCTT với tổng kinh phí hơn 636 tỷ đồng. Đến nay đã có 1.679 hộ vùng bị sạt lở đất, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai đã được tái định cư, cất nhà ổn định,...
Song song đó, công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai cũng được triển khai tốt. Trong năm, tỉnh đã xuất hơn 624 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và Quỹ PCTT tỉnh,... giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2022 tỉnh đã triển khai các biện pháp khẩn cấp khắc phục sạt lở tại 5 vị trí trên tuyến đê biển Tây với chiều dài 2.692 m, tổng kinh phí ước khoảng 36,9 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại biểu nêu những khó khăn, hạn chế trong công tác PCTT như: Nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật sự nhịp nhàng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh còn ít về số lượng, thiếu các trang thiết bị chuyên dùng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; một bộ phận người dân, cán bộ vẫn còn chủ quan…
Điển hình như với huyện Trần Văn Thời, huyện có địa bàn rộng lại phức tạp với hầu hết các loại hình thiên tai nên công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai của huyện nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là về nhân lực, các thành viên trong Ban Chỉ đạo PCTT chủ yếu là kiêm nhiệm. Ngoài ra, phương tiện cũng còn rất hạn chế, dự báo việc huy động phương tiện sẽ gặp khó khăn nếu có xảy ra tình huống thiên tai đột xuất.
Trong năm 2022, tỉnh thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án liên quan đến phòng, chống thiên tai với tổng kinh phí hơn 636 tỷ đồng.
Do vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là kinh phí và cơ sở hạ tầng, trong khi thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, đặc biệt là tình hình triều cường, nước dâng, sạt lở đất, mưa dông,… nên đã gây nhiều thiệt hại cả về tài sản và tính mạng của người dân.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, cho biết, trong năm 2022 xuất hiện 7 cơn bão trên biển Đông và 2 cơn áp thấp nhiệt đới; có 105 ngày xảy ra gió mạnh trên biển; 44 ngày xảy ra mưa trái mùa; 98 ngày xảy ra mưa kèm dông, lốc, sét; 12 đợt triều cường với mực nước ở nhiều trạm đo vượt qua mực nước lịch sử; tình hình sạt lở đất ven sông, ven biển tiếp tục diễn biến phức tạp,…; tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai khoảng 38 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, thiên tai đã làm thiệt hại 12 căn nhà, sạt lở ven sông với chiều dài hơn 50 m, vỡ gần 2.000 m bờ bao vuông tôm; ước thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng.
Cửa Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng hiện nay.
Theo nhận định xu thế thời tiết, qua tháng 6 có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông với số lượng xấp xỉ trung bình nhiều năm, tức từ 12-15 cơn, với khoảng 4-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Mùa mưa năm nay có khả năng bắt đầu trong nửa tháng 4, tức sớm hơn trung bình nhiều năm và khả năng kết thúc cũng sớm hơn vào khoảng cuối tháng 10.
Trước nhận định tình hình thời tiết, thiên tai của năm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, các ngành phải theo dõi chặt chẽ thông tin, bản tin dự báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chức năng; theo đó, chủ động từ sớm, từ xa, chuẩn bị, sẵn sàng theo từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung thu đúng, thu đủ Quỹ PCTT trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo sản xuất thích ứng với các tình huống thời tiết từ sớm, từ xa.
“Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Thực hiện phương châm “Chủ động phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của toàn xã hội”, các cấp, các ngành cùng nhau nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, phương hướng đã được đề ra, phấn đấu “vì một xã hội an toàn trước thiên tai”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh./.
Theo Báo Cà Mau