Bởi vậy, việc trả lại tên gọi theo đúng tính chất, cấp độ đường sẽ tạo sự thống nhất trong tổ chức giao thông, quản lý và khai thác để đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiệu quả hơn.

Khi một tuyến đường được gọi là là Đại lộ, điều đó không hàm ý rằng đây là cao tốc hay đường dành riêng cho ô tô. Cũng là đại lộ, Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, Đại lộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM, đại lộ Lê Lợi ở TP Thanh Hóa,v.v. đều là những tuyến đường đô thị, có phần đường riêng cho xe máy.

Chỉ riêng Đại lộ Thăng Long, dù gọi là đại lộ nhưng thiết kế và vận hành giống cao tốc. Trên hệ thống cao tốc, nó được định danh là cao tốc số 03, dù không nhiều người biết cái tên này, trừ các lái xe ô tô và phần lớn thông qua định vị.

Là bởi, tên của cao tốc 03 không hiện diện ở các báo hiệu đường bộ để cảnh báo người đi mô tô, xe máy. Nó cũng không có vẻ biệt lập hẳn như những tuyến cao tốc khác, mà nhà cửa, công trình đang ngày càng bám sát hơn, như không hề có hành lang.

Việc tiếp cận từ đường gom vào phần đường dành riêng cho ô tô cũng khá dễ dàng, nên xe máy từ đường gom rất dễ lọt vào làn cao tốc

Việc tiếp cận từ đường gom vào phần đường dành riêng cho ô tô cũng khá dễ dàng, nên xe máy từ đường gom rất dễ lọt vào làn cao tốc. Một khi đã lọt vào cao tốc, họ cũng không thấy có các thiết chế giám sát, cảnh báo như cao tốc hoàn chỉnh, để giật mình mà phải tìm lối trở ra.

Câu chuyện tương tự đang diễn ra với một số tuyến đường khác của Hà Nội. Có những tuyến như đường Vành đai 3 trên cao, dù định danh cao tốc nhưng đông đúc và dễ ra vào như cầu cạn; Vành đai 2 trên cao, đường Nhật Tân – Nội Bài tính chất như cao tốc nhưng lại là đường nội thị.

Không chỉ làm nảy sinh sự nhầm lẫn hoặc coi thường nguy cơ từ phía người tham gia giao thông, mà tình trạng tên gọi không đồng nhất với tính chất của cấp độ đường đang làm khó cả lực lượng chức năng trong khâu ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Xử lý xe máy đi lên đường vành đai 2, đường Nhật Tân – Nội Bài với mức phạt 400 – 600 nghìn đồng cho hành vi đi vào đường cấm, rõ ràng không đủ sức răn đe, và không tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm.

Cái tên không chỉ để gọi. Cái tên mang theo những thông tin cơ bản của một con đường, để người sử dụng, người quản lý có ứng xử phù hợp theo quy định pháp luật và theo yêu cầu thực tiễn. Cao tốc, quốc lộ, dù có số hiệu nhưng người ta vẫn phải gọi “tên họ” trước, rồi mới đến tên riêng.

Thậm chí, người tham gia giao thông cần cái tên họ của nó hơn cả những cái tên cụ thể. Ví dụ, Quốc lộ 5 cũ, có những đoạn qua nội thành Hà Nội đã được đặt tên, nhưng người ta vẫn gọi là Quốc lộ, để gắn với hình dung về vị trí của nó trong giao thông vận tải, về mức độ phức tạp khi có nhiều xe tải xe khách đi qua.

Nếu là đường đạt chuẩn cao tốc như Quy chuẩn quốc gia, thì cần trả lại tên cho đường, bắt đầu từ biển hiệu cho đến các thông báo chính thức của lực lượng chức năng và giới truyền thông

Từ câu chuyện của một số tuyến đường mà tên một đằng, tính chất một nẻo, gây ra nhiều khó khăn bất cập trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Hà Nội và các đô thị nên có một cuộc rà soát để hiệu chỉnh. Không nên bị bó buộc bởi tên gọi, mà nên bắt đầu minh bạch hóa từ tính chất, thuộc tính của nó.

Nếu là đường đạt chuẩn cao tốc như Quy chuẩn quốc gia, thì cần trả lại tên cho đường, bắt đầu từ biển hiệu cho đến các thông báo chính thức của lực lượng chức năng và giới truyền thông. Còn nếu tên đang là cao tốc mà tính chất không còn là cao tốc, thì nên gọi tên và tổ chức giao thông đúng với tính chất hiện tại.

Ngoài ra, với các tuyến định dạng ban đầu là đường nội thị nhưng tốc độ tương đối cao, tương đương cao tốc phân kỳ, thì các phương án tách dòng để không cho ô tô xe máy đi chung phải dùng biện pháp hiệu quả hơn, tăng mức độ cảnh báo để người đi xe máy, xe thô sơ biết được nguy cơ. Cần thiết, nghiên cứu bổ sung các quy định về xử phạt đi vào các đường cấm có tốc độ cao.

Công cuộc trả lại tên cho đường có thể phải sửa nhiều quy định. Nhưng quy định là do con người ban hành, và TTATGT là lý do rất đáng để điều chỉnh quy định. Rào cản lớn nhất, có chăng là ở tâm lý con người, khi cho rằng, trong công cuộc hiện đại hóa hạ tầng, chỉ có nâng cấp, chứ “hạ cấp” đường là điều tối kỵ.

Theo VOV Giao thông