Thực tế, chế tài xử phạt các lỗi vi phạm giao thông chỉ dừng lại ở răn đe đối với một bộ phận người vi phạm. Nhiều người tham gia giao thông vẫn cố tình tìm cách đối phó, cũng như biện minh cho việc vi phạm luật của mình bằng cách này hay nhiều cách khác.
Ðơn cử như trường hợp của anh T.V.P, ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Mặc dù thời gian gần đây việc xử phạt các vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông rất nghiêm và được các lực lượng quản lý chuyên ngành ra quân thường xuyên, thế nhưng dường như anh P không quan tâm. Cho đến khi bị phát hiện, xử phạt, anh P mới vỡ lẽ ra đây là chuyện rất nghiêm trọng, bởi mức phạt trong thời điểm kiểm tra đối với anh P tương đương với quá trình lao động cật lực cả tháng ròng bằng nghề phụ hồ.
Với giọng ngà ngà say, anh P trần tình: “Có tiệc tại nơi làm, nhà xa, không đủ tiền để thuê xe đưa về, nhưng nghĩ vẫn còn khá tỉnh táo, nên vẫn chạy xe về, đâu có nghĩ sẽ bị kiểm tra, xử phạt như thế này đâu”.
Làm thế nào để người dân, nhất là lao động phổ thông thực sự hiểu, tự giác ý thức trong chấp hành luật lệ giao thông, công tác tuyên truyền ngay từ cơ sở chính là khâu quyết định để đưa chủ trương đến gần với người dân. Cho dù có kiểm tra, xử phạt mạnh đến mức độ nào, nếu việc tuyên truyền không tới, không đúng, không đủ cũng bằng thừa. Hay nói cách khác, tuyên truyền chính là một trong những biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Trường Tiểu học Hùng Vương (Phường 5, TP Cà Mau) là một trong những điểm trường trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền ATGT bằng hình ảnh trực quan cho phụ huynh, học sinh ngay trước cổng.
Theo Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Bằng, ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về đảm bảo trật tự ATGT với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo trật tự ATGT”. Trong đó, chú trọng nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh (phóng sự, thông điệp, pa-nô, băng rôn, tờ rơi, tài liệu…), nâng cao chất lượng thông tin trên trang Thông tin điện tử của Ban ATGT tỉnh, thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin, tài liệu cho các đơn vị, địa phương phục vụ tuyên truyền về ATGT; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền ATGT, nhất là trên sóng phát thanh, truyền hình, phát thanh lưu động; trọng tâm là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Ðồng thời, phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau xây dựng các tình huống hài, kịch… về ATGT để người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất. Bên cạnh đó, chủ động chú trọng tuyên truyền, vận động người dân đội nón bảo hiểm cho trẻ em và đội nón bảo hiểm đạt chuẩn có độ an toàn cao.
Ðể ngăn ngừa đến mức thấp nhất tai nạn giao thông, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, quan trọng nhất vẫn là sự tự giác chấp hành luật của mỗi người, mỗi nhà. Vì thế, tuyên truyền vẫn là khâu trọng tâm, đột phá nhằm thay đổi dần ý thức của người dân mỗi khi tham gia giao thông, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới./.
Theo Báo Cà Mau