Qua đánh giá của báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Ban An toàn giao thông tỉnh, cho thấy các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đã được quan tâm, vào cuộc và đạt được một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn diễn biến phức tạp, so với cùng kỳ năm 2022, mới chỉ giảm được 02 tiêu chí (về số vụ, số người bị thương), số người chết không tăng, giảm, nhưng số người chết sau thời gian nhập viện điều trị còn khá nhiều. Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa thực sự chuyển biến, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện xe mô tô, xe máy chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; tình trạng họp chợ trái phép trên đường bộ, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng còn khá nhiều, vi phạm tạo vật chướng ngại trên luồng, hành lang bảo vệ luồng chưa giải quyết dứt điểm; một số nơi còn để tình trạng vi phạm về tải trọng xe; công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở cấp xã, phường chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là nhiều nơi còn tồn tại bến khách ngang sông hoạt động không phép.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm kiềm chế tai nạn giao thông đến mức thấp nhất, tôi yêu cầu các thành viên Ban ATGT tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tập trung thực hiện theo nội dung Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới” và Kế hoạch số 106/KH-UBND tỉnh ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải quán triệt quan điểm đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TT ATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết. Yêu cầu cán bộ, đảng viên không được can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; lực lượng chức năng thực hiện xử lý các hành vi vi phạm về TT ATGT theo đúng quy định của pháp luật. Xem xét trách nhiệm của tập thể, các nhân khi để xảy ra vi phạm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn mình phụ trách.
Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; đẩy mạnh tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, trên nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, Youtube, fanpage...); tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận tổ quốc các cấp nhằm tuyên truyền sâu rộng đến từng xã, phường, khóm, ấp, đến từng hộ gia đình, đặc biệt là vùng xâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... đưa nội dung an toàn giao thông vào sinh hoạt tại chi, tổ, hội đoàn thể cơ sở, trường học, cơ quan, doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh; Quản lý chặt chẽ các cơ sở đào tạo từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tổ chức thi cấp chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận tốt nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các lớp học Luật Giao thông đường bộ, các kỳ thi cấp chứng chỉ sơ cấp nghề lái xe tại các cơ sở đào tạo. Các kỳ sát hạch lái xe ô tô, mô tô được tổ chức phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của Bộ Giao thông vận tải và phòng, chống tiêu cực trong hoạt động đào tạo, sát hạch.
Kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần quan trọng bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và tình trạng ô nhiễm môi trường, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh tiếp tục động viên cán bộ, viên nhân viên đăng kiểm khắc phục khó khăn, ổn định lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; bố trí làm tăng ca, làm thêm giờ kể cả trong ngày nghỉ nhằm góp phần giải tỏa ùn tắc trong đăng kiểm, phục vụ tốt nhất nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp, từng bước ổn định công tác đăng kiểm.
Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tập trung duy tu, sửa chữa, nâng cấp quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn về giao thông; thực hiện tốt công tác ứng phó trong mùa mưa bão, tăng cường công tác phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập úng trên các tuyến đường; sửa chữa kịp thời công trình nền, mặt đường khi có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp; chủ động rà soát phát quang đảm bảo tầm nhìn giao thông tại các khu vực đường cong, cua khuất tầm nhìn.
Tập trung rà soát tại các vị trí giao cắt, các điểm khuất tầm nhìn trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường nội thị tại địa phương, đảm bảo việc tổ chức giao thông phải khoa học, hợp lý an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông; bổ sung, điều chỉnh biển báo giao thông, xử lý đảm bảo tầm nhìn cho phù hợp với tình hình thực tế giao thông; các địa phương tiếp tục bổ sung lắp đặt gồ, gờ giảm tốc từ đường nhánh đấu nối ra đường chính đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn. Chỉ đạo các chủ đầu tư đang triển khai dự án trên hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa đang khai thác phải thực hiện nghiêm công tác đảm bảo ATGT; xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư nếu để công trình thi công vi phạm về TT ATGT.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tập trung lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm TT ATGT, trật tự đô thị tại địa phương, gắn trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn nếu để vi phạm như: Họp chợ trái phép trên đường bộ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng quán, kinh doanh buôn bán trái phép, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa giải tỏa dứt điểm vật chướng ngại trên các tuyến sông, không quản lý đuợc địa bàn sau giải tỏa. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các đơn vị, địa phương để phát sinh bến khách ngang sông không phép, bến đã có quy hoạch nhưng đến nay chưa cấp phép hoạt động theo quy định.
Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần xác định rõ địa bàn trọng điểm, các khung giờ thường vi phạm để tập trung bố trí lực lượng, phương tiện; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, phương tiện quá tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng; phương tiện thủy nội địa không đảm bảo các điều kiện an toàn kĩ thuật, không trang bị đầy đủ hệ thống phao cứu sinh, cứu đắm, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện thủy nội địa; trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Tổ chức đoàn đi kiểm tra các đơn vị, địa phương về trách nhiệm quản lý, xử lý: Họp chợ trái phép trên đường bộ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng quán, kinh doanh buôn bán trái phép, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải tỏa vật chướng ngại trên các tuyến sông, công tác quản lý địa bàn sau giải tỏa. Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành đường bộ, Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe; kiểm tra công tác đảm bảo ATGT đối với công trình thi công trên đường bộ, đường thủy nội địa đang khai thác, qua công tác kiểm tra, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ quản lý địa bàn, chủ đầu tư công trình,...Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác đảm bảo TT ATGT; gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tai nạn giao thông thuộc lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, quản lý. Cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị./.
Mộng Tuyết