Hành động truy đuổi "ô tô điên" cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của công dân

Đọc qua bài viết Vụ ‘nữ quái xế’ tháo chạy: Đừng dại đuổi theo ô tô ‘điên’ trên Diễn đàn xe của Báo Thanh Niên, cá nhân tôi không đồng tình với những ý kiến của tác giả Nguyễn Quyền, vì cách nghĩ này về lý thuyết đúng, nhưng quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt.

Trước khi phản bác ý kiến của bạn, tôi cũng xin nói rõ. Tôi đồng ý với những nhận định của bạn, rằng hành động của những người đàn ông điều khiển xe máy truy đuổi ô tô gây tai nạn rồi bỏ chạy là hành vi vi phạm luật giao thông và không đúng thẩm quyền. Và nữa, việc lái xe lạng lách, phóng nhanh trên phố cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

Tuy nhiên, nói đi cũng cần nghĩ lại. Tôi nghĩ mọi việc cần được nhìn nhận một cách tổng quát, đa chiều.

Trong trường hợp cụ thể về vụ việc nhiều người lái xe máy đuổi theo “ô tô điên” ở TP.HCM vừa qua, tôi theo dõi tin tức và biết rằng, nữ tài xế sau khi bị bắt giữ, CSGT xác định nồng độ cồn trong máu cô này rất cao, 1,017 mg/lít khí thở. Tôi lật ngược vấn đề, nếu bạn cho rằng những người lái xe gắn máy truy đuổi ô tô có thể gặp tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác. Vậy trường hợp tài xế ô tô lái xe chạy băng băng trên phố trong tình trạng "xỉn quắc cần câu" thì sao? Tôi không tin rằng nguy cơ và mức độ nguy hiểm mà người lái ô tô có thể gây ra sẽ thấp hơn so với những người đi xe máy. Nếu bạn lý trí, bạn có thể suy nghĩ và nhận định lại vấn đề tôi đặt ra.

Luật pháp nghiêm minh nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, cần cách xử lý “thấu tình đạt lý”

ẢNH CẮT TỪ VIDEO

Về việc vi phạm luật giao thông và hành động không đúng thẩm quyền. Tôi đồng ý với bạn về mặt lý thuyết. Nhưng, cá nhân tôi nghĩ chúng ta không nên quá cứng nhắc. Luật pháp nghiêm minh nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, cần cách xử lý “thấu tình đạt lý” hơn. Trường hợp của những người đàn ông bất chấp nguy hiểm truy đuổi ô tô đang bàn luận trên đây là một ví dụ.

Tôi được biết, trong Khoản 3 Điều 4 của Bộ luật hình sự Việt Nam quy định rõ rằng: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm”. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, trường hợp những người đàn ông trong vụ việc truy đuổi “nữ quái xế” nên nhìn nhận theo hướng tích cực và linh hoạt hơn. Họ đã là những công dân có trách nhiệm. Họ không “ngoảnh mặt làm ngơ” trước hành vi sai trái và gây nguy hại cho xã hội. Họ đã chủ động thực hiện nghĩa vụ công dân “phòng, chống tội phạm”.

Hơn nữa, trong vụ việc này, theo tôi thấy những người đàn ông này đã “dũng cảm” và “sáng suốt” thì đúng hơn. Vì thực tế là nếu như không có họ, “nữ quái xế” kia nhiều khả năng sẽ trốn thoát. Và nếu cô này trốn thoát thì dù cơ quan công an có đủ hình ảnh và biển số để truy xét thì cùng lắm cũng chỉ xử phạt về tội gây tai nạn va quẹt rồi bỏ trốn. Trong khi một hành vi cực kì nguy hiểm là lái ô tô khi trong người có nồng độ cồn (thậm chí rất cao) sẽ bị bỏ sót.

 Tôi không có ý nghĩ rằng cơ quan chức năng không đủ năng lực để giải quyết nhiệm vụ. Nhưng thử hình dung mỗi ngày có rất nhiều vụ tai nạn giao thông bất ngờ như vậy, trong khi lực lượng CSGT cũng có hạn thì rõ ràng không thể nào “quán xuyến” hết và ngay lập tức mọi việc. Có lẽ vì vậy nên mới có chuyện pháp luật quy định công dân cũng cần có nghĩa vụ tham gia “phòng, chống tội phạm”. Cái khác có chăng chỉ là ở cách nhìn nhận vấn đề. Theo tôi, bạn Nguyễn Quyền đã quá khắt khe và cứng nhắc.

Tóm lại, tôi ủng hộ việc những người đàn ông ở TP.HCM bất chấp nguy hiểm truy đuổi và hỗ trợ bắt giữ kịp thời “nữ quái xế” say xỉn. Nhưng tôi cũng mong mọi người khi tham gia thực hiện nghĩa vụ công dân như trong vụ việc này cần đảm bảo an toàn và hết sức cẩn thận. Nếu mỗi người tự giác và ý thức được như vậy, chắc chắn xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo Báo Thanh Niên