Top 1: Wuling MiniEV

Rõ ràng rồi, việc bỏ ra một số tiền không hề nhỏ - trên 200 triệu đồng - để sở hữu một phương tiện là nhu cầu chính đáng của nhiều người. Tuy với ngân sách eo hẹp này, người tiêu dùng Việt không thể đòi hỏi nhiều. Nhưng những thứ cơ bản nhất thì vẫn nên phải được đảm bảo, trong số đó có thể kể tới:

An toàn - thứ nên được quan tâm hàng đầu đối với một mẫu xe bốn bánh và cũng chính là thứ mà Wuling không thể trang bị cho mẫu xe điện mini của mình. Nghèo nàn về số túi khí (hay thậm chí còn không có cái túi khí nào trên xe để được coi là "nghèo nàn"); lỏng lẻo về nền tảng khung gầm; mỏng manh về cấu trúc thân vỏ - là những điều "đáng lên án" đối với mẫu xe điện này.

Theo thông tin nhà sản xuất đưa ra, xe có thể chạy tới 100 km/h - tức là đủ điều kiện lưu thông trong cao tốc. Tuy nhiên có lẽ chẳng ai dám phó mặc số phận của mình vào sự may rủi như vậy, khi mà xe chỉ sở hữu vỏn vẹn vài tính năng an toàn đếm trên đầu ngón tay như: phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hay giám sát áp suất lốp (bị động).

Hơn thế nữa, không gian nội thất quá nhỏ hẹp chỉ đủ ngồi thoải mái cho 2 người lớn và phạm vi hoạt động tối đa của phiên bản cao cấp nhất chỉ lên tới 170 km - nên tính thực tiễn của mẫu xe này là không cao. Quay trở lại vấn đề, với hơn 200 triệu trong tay ở thời điểm này, người tiêu dùng sẽ có rất nhiều sự lựa chọn khác với hàng loạt những mẫu xe hạng A đã qua sử dụng.

Có lẽ Wuling MiniEV chỉ thực sự phù hợp với ai "dư dả" muốn mua một món "đồ chơi" để đi chợ loanh quanh cho vui. Nhưng hãy khoan, "người thừa tiền" chắc chắn là những người rất quý mạng sống (vì chắc chắn họ còn muốn sống để tiêu tiền của mình). Thế nên thuyết phục được ai mua xe này thì hẳn nhân viên kinh doanh phải rất tài năng!

Top 2: Suzuki Ciaz

Không gian rộng rãi bậc nhất phân khúc. Đó là ưu điểm rất ngắn gọn có thể mô tả về mẫu sedan hạng B của Suzuki. Ngoài ra, mẫu xe này khá nghèo nàn về cả trang bị lẫn tùy chọn phiên bản (tại thị trường Việt Nam chỉ phân phối duy nhất 1 phiên bản). Trong khi các đối thủ đã có an toàn chủ động, đầy đủ tiện nghi hiện đại thì Ciaz vẫn chỉ dừng lại ở màn hình 9 inch kèm 2 camera lùi.

Khối động cơ 91 mã lực cũng không thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển của khách hàng. Nói chung, Suzuki Ciaz "thua toàn tập" khi đem ra "so găng" với những cái tên đình đám khác như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Honda City.

Thêm vào đó, nguồn gốc nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan cũng khiến giá bán của Suzuki Ciaz không thể cạnh tranh được với các đối thủ trong cùng phân khúc. Trong khi thiết kế của Suzuki nói chung và Ciaz nói riêng không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Và cuối cùng, một điều rất quan trọng đó là hệ thống điểm dịch vụ của Suzuki chưa phổ biến tại Việt Nam. Chưa kể tới kho phụ tùng linh kiện của Suzuki cũng không dồi dào và sẵn có (do lượng xe tiêu thụ không nhiều). Điều này khiến khách hàng bất tiện và thậm chí là khó khăn hơn trong việc sử dụng các dịch vụ hậu mãi, bảo hành bảo dưỡng hay sửa chữa.

Top 3: Volkswagen T-Cross

Mặc dù chỉ là một mẫu xe crossover hạng B nhưng nền tảng Đức và xuất xứ nhập khẩu nguyên chiếc (từ Ấn Độ) lại khiến mức giá của VW T-Cross bị đẩy lên tới mức 1,1 - 1,3 tỷ đồng khi ra mắt thị trường Việt Nam. Kể từ tháng 5/2022 tới nay đã hơn một năm, nhưng doanh số lẹt đẹt chính là câu trả lời đanh thép mà người tiêu dùng gửi tới Volkswagen.

Mặc dù mức giá vượt ngưỡng 1 tỷ - tương đương các mẫu crossover hạng D (nhỉnh hơn tới 2 hạng), nhưng VW T-Cross lại thua kém rất nhiều về cả kích thước lẫn trang bị. Xe chỉ có đồng hồ cơ sau vô-lăng, phanh tay cơ, đèn chiếu sáng chính chỉ là Halogen - ghế nỉ và chỉ 2 túi khí (ở bản thấp), cam lùi thay vì camera 360 độ.

Và đặc biệt, mẫu gầm cao đô thị này cũng không được thương hiệu Đức trang bị bất kỳ tính năng an toàn chủ động công nghệ cao nào, ngoài bộ đèn chiếu sáng có khả năng tự động bật tắt và điều chỉnh khi vào cua hay là cruise control - vốn khá cơ bản trong thế giới ô tô ngày nay.

Điểm sáng hiếm hoi trên VW T-Cross có lẽ là động cơ, khi xe sở hữu loại 1.0L nhưng có tăng áp, cho công suất 115 mã lực và 178 Nm. Đi kèm với đó là hệ dẫn động cầu trước và hộp số tự động 6 cấp khá phù hợp với điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam.

Thêm vào đó VW T-Cross được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm "chuẩn Đức" MQB A0 - chia sẻ với những tên tuổi lẫy lừng khác, như: Audi A1 hay đàn anh VW Polo. Nhờ vào hệ thống nền tảng khung gầm và động cơ này, T-Cross cho cảm giác lái đầm chắc và khác biệt rõ rệt so với các đối thủ trong cùng phân khúc tới từ châu Á.

Nhưng VW T-Cross lại không sở hữu ngoại hình quá hấp dẫn như nhiều cái tên Nhật / Hàn hiện nay. Xe được thiết kế đậm chất châu Âu: đơn giản, khá vuông vức và mặc dù có phần thanh lịch nhưng lại khá già dặn chín chắn; nên chưa đủ hấp dẫn nhóm đối tượng mua xe phân khúc này.

Chính vì vậy mà mặc dù đã giảm giá 220 tới 250 triệu đồng (bao gồm 170 - 200 triệu tiền mặt và 50 triệu khuyến mãi sử dụng dịch vụ) lần lượt cho 2 phiên bản Elegance và Luxury trong tháng 10 nhưng VW T-Cross vẫn rất kén khách.

Top 4: Nissan Kick

Có thể nói cho tới tháng 10/2020 - dưới thời nhà phân phối Tanchong, Nissan kinh doanh không mấy ấn tượng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên kể từ khi thay đổi nhà phân phối sang VAD - một đơn vị liên quan trực tiếp tới tập đoàn Thành Công, vốn đang nắm quyền phân phối các thương hiệu Hyundai và Skoda - Nissan vẫn chưa có một cú hích khởi sắc so với các nhãn hiệu khác.

Mặc dù đã ra mắt nhiều sản phẩm mới như Almera, Navara và Kicks; tuy nhiên so với các đối thủ trong phân khúc, các mẫu xe Nissan đều chưa đạt được sức cạnh tranh lớn, đặc biệt là Nissan Kicks. Có thể lấy ngay mẫu crossover hạng B để làm ví dụ.

Nissan Kicks e-Power, ngay từ cái tên sản phẩm cũng đã nhấn mạnh điểm vượt trội của mẫu xe này: đó chính là khối động cơ hybrid. Tuy nhiên cũng chính vì khác biệt từ khối động cơ và hệ dẫn động (đi kèm bộ pin lưu trữ năng lượng) mà Nissan Kicks có giá bán rất kén khách: 789 và 858 triệu đồng lần lượt cho 2 phiên bản trang bị khác nhau. Mức giá khởi điểm này thậm chí còn cao hơn cả một vài phiên bản cao cấp nhất của các đối thủ.

So ngay với Toyota Yaris Cross - đối thủ "xứng tầm" cũng có động cơ hybrid - Nissan Kicks thua kém hẳn về số lượng lẫn chất lượng trang bị. Chưa kể tới, đối thủ nhà Toyota còn được cung cấp tới 2 tùy chọn dẫn động khác nhau bao gồm động cơ xăng hoặc động cơ lai điện để người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn.

Trải nghiệm vận hành cho thấy Nissan Kicks có đôi phần vượt trội hơn các đối thủ ở khả năng vận hành và tiết kiệm nhiên liệu, tuy nhiên lại thua thiệt hẳn về trang bị tiện ích và giá bán - vốn là những yếu tố rất quan trọng để người tiêu dùng có thể lựa chọn trong phân khúc này.

Bởi vậy, Nissan Kicks-ePower tự nhắm đến một thị trường ngách, đó là nhóm khách hàng muốn trải nghiệm công nghệ hybrid hoặc công nghệ vận hành thuần điện với lý tưởng bảo vệ môi trường. Cũng bởi vậy mà tập khách mục tiêu của Kicks là không nhiều và sức cạnh tranh kém hơn hẳn các đối thủ.

Đó là chưa kể tới yếu tố hậu mãi. Dù sao tại thị trường Việt Nam động cơ hybrid hay xa hơn nữa là thuần điện - còn là một thứ rất mới mẻ. Do đó các vấn đề liên quan tới sửa chữa, bảo dưỡng hay đơn giản nhất là linh kiện phụ tùng cũng không được phong phú đa dạng. Điều này sẽ vô tình "trói buộc" người dùng với các xưởng dịch vụ của hãng - một điều mà có lẽ ít người tiêu dùng nào mong muốn bởi đi ngược lại bản chất của kinh tế thị trường.

Như vậy: giá bán kém hấp dẫn, trang bị còn nghèo nàn và câu hỏi còn bỏ ngỏ về vấn đề hậu mãi - sẽ là những thứ cản bước chân của Nissan Kicks đến với đông đảo người tiêu dùng. Ít nhất trong ngắn hạn một vài năm tới, vấn đề này cũng khó có thể được tháo gỡ để Nissan Kicks bung sức kiến tạo thành công kinh doanh cho thương hiệu Nhật Bản.

Top 5: MG5

Cái tên cuối cùng trong top 5 mẫu xe dễ gây "lấn cấn" đối với người tiêu dùng khi quyết định mua xe chính là MG5 - mẫu sedan hạng C có thiết kế cực kỳ bắt mắt đi kèm một mức giá "gây giật mình". Tuy nhiên khác với đàn anh MG ZS rất "hợp lý và hợp ví", MG5 lại cho trải nghiệm vận hành không mấy ấn tượng.

Ở tốc độ thấp, đặc biệt là trong đô thị lúc dừng chờ đèn đỏ MG5 cho cảm giác chân ga không mấy tin cậy khi thường xuyên xảy ra hiện tượng thừa ga khi mới đề pa. Nếu không cẩn trọng kiểm soát tốc độ, tài xế rất dễ "hôn mông" xe phía trước. Còn trên đường trường, khối động cơ 1.5L hút khí tự nhiên đi kèm hộp số CVT lại tỏ ra thiếu sức mạnh khiến người điều khiển phải chú ý căn ke và toan tính khoảng cách nếu muốn vượt xe khác.

Thêm vào đó, nhà phân phối (trước đây là Tanchong và giờ đã được chuyển trực tiếp về tay SAIC) vẫn luôn truyền thông MG (Morris Garages) là một thương hiệu xe hơi "Anh Quốc" với quốc kỳ dập nổi phía sau mỗi sản phẩm của mình. Tuy nhiên thực chất đây là một mẫu xe có xuất xứ từ bên kia biên giới, với toàn bộ "lòng ruột" đều mang đậm dấu ấn và "cộp mác" logo SAIC - thương hiệu nằm trong top 4 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc.

Chính việc lập lờ xuất xứ, không tự tin khi truyền thông sản phẩm (mặc dù đa phần người tiêu dùng đều đã có hiểu biết rõ ràng); cộng với số lượng địa điểm kinh doanh đi kèm dịch vụ và các vấn đề hậu mãi (bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa và linh kiện phụ tùng) còn khiêm tốn, nên MG nói chung và MG5 nói riêng vẫn khá kén khách.

Có lẽ MG và lớn hơn nữa là SAIC còn phải giải rất nhiều bài toán gian nan, trước khi có thể rộng đường đến với người tiêu dùng Việt Nam. Những khách hàng trong nước cũng rất mong nhận được những lý do xứng đáng để xuống tiền, bởi lẽ bản thân sản phẩm và chiến lược về giá của MG cũng đang khá ổn so với các đối thủ.

Theo xehay.vn