Nhờ hiệu ứng sống động và đồ họa đỉnh cao, nhiều tựa game đua xe ngày nay có khả năng mô phỏng thực tế vô cùng chân thật, tiêu biểu như Asphalt, Need for Speed, Forza hay Project CARS.
Một số người tin rằng kỹ năng điều khiển phương tiện ngoài đời thực hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua những trò chơi tốc độ dạng như vậy. Quan niệm này chưa hẳn đã chính xác.
Khảo sát mới đây của tổ chức CensusWide được tiến hành trên 1.250 người tại Anh, chỉ ra rằng những người hay chơi các game đua xe thường có xu hướng lái xe ẩu và thiếu an toàn hơn những người ít tiếp xúc với thể loại trò chơi này.
Cụ thể, hơn 20% trong tổng số người tham gia khảo sát thừa nhận đã từng thử nghiệm các kỹ năng mà họ từng trông thấy hoặc học được trên trò chơi đua xe ở ngoài đời thực.
Trong nhóm người thường xuyên chơi game đua xe, 26% từng ít nhất 2 lần mắc lỗi vi phạm giao thông. Con số này ở nhóm người hiếm khi hoặc chưa bao giờ chơi chỉ là 17%.
Ngoài ra, nghiên cứu còn thống kê được rằng trung bình mỗi người hay chơi dính líu đến 1,3 vụ tai nạn kể từ khi có bằng lái, gấp hơn 2 lần mức bình quân của tổng số người tham gia khảo sát là 0,6.
Đáng chú ý, 59% trên tổng số người tham gia khảo sát thừa nhận các trò chơi đôi lúc khiến họ “ảo tưởng” về kỹ năng lái xe của bản thân, 55% đồng ý rằng các nhà phát hành game nên nhấn mạnh hơn vào những mối nguy mà người chơi có thể đối mặt ở ngoài đời.
Tuy nhiên, kết luận của CensusWide lại có phần mâu thuẫn với nghiên cứu vào năm 2010 của Đại học Rochester (Mỹ). Cuộc điều tra cách đây 9 năm chỉ ra rằng những trò chơi điện tử giúp tăng khả năng phản xạ của người chơi trước các tình huống nguy hiểm ngoài đời.
Năm 2017, chính phủ Anh thậm chí còn đưa tựa game đua xe Gran Turismo Sport trở thành một khóa huấn luyện kỹ năng lái xe cho cảnh sát. Kết quả cho thấy một số sĩ quan cảnh sát đã rút ngắn thời gian lái xe trên cùng một quãng đường so với trước khi được đào tạo, đồng thời tăng độ mượt mà và ổn định khi xử lý tình huống.
Không thể phủ nhận rằng những game đua xe đôi khi cung cấp cho người chơi những kiến thức nhất định thông qua các thử thách mà họ chỉ có được ở thế giới ảo. Thế nhưng, không phải game thủ nào cũng có thể áp dụng những kinh nghiệm đó ở điều kiện thực tế một cách hợp lý.
Xét cho cùng, tác dụng chính của trò chơi vẫn là giải trí. Ở đời thực, những sự cố không thể tự khắc phục chỉ sau vài giây như chưa hề có gì xảy ra giống như trong game.
Theo Zing.vn