Hình ảnh quen thuộc đối với người Việt Nam

Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam

Về mặt khoa học rượu là một dung dịch gồm nước và cồn (trong đó cồn chiếm từ 1% đến 50% tính theo thể tích), ngoài các thành phần chính trên rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt của mỗi nhà sản xuất nhằm tạo nên mỗi loại rượu một màu sắc, một hương vị đặc thù riêng. Như vậy, thành phần chính và cũng là tác nhân chính gây ra hậu quả tai hại của rượu là cồn Ethylic. Trong vòng một giờ uống vào cơ thể, rượu được hấp thu toàn bộ với 80% tại ruột non và số còn lại ở dạ dày. Có 75% cồn ở trong máu đến não, làm giãn mạch máu não và tăng khối lượng não tạo ra giai đoạn đầu là kích thích khiến người sử dụng nói nhiều và tất cả suy nghĩ, hành vi trở nên hỗn loạn, mất kiểm soát.

Những người thường xuyên uống rượu còn gây tai nạn lao động, tai nạn giao thông nhiều gấp 3 lần so với những người không nghiện rượu do “trung ương thần kinh đi lạc đường”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1/3 tổng số các tai nạn chết người xảy ra trong lúc say rượu. Một tạp chí y học ở Pháp còn cho rằng rượu là nguyên nhân của vô số vụ phạm pháp (90% hỏa hoạn cố ý, 35% tội phạm, 95% vi phạm pháp luật, 85% trường hợp bị thương và đánh nhau, 53% vụ vi phạm đạo đức xã hội…). Trong bệnh viện, 30% bệnh nhân nhập viện vì rối loạn tâm thần là người nghiện rượu. 

Báo cáo toàn cầu của WHO về thực trạng sử dụng rượu bia và sức khỏe năm 2011 còn cho rằng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức độ tiêu thụ bình quân rượu bia/người/năm. Sản xuất rượu bia ở Việt Nam ước tính tăng 15%/năm. Sản lượng bia năm 2010 đạt 2,3 tỷ lít/năm, dự kiến đạt 4 tỷ lít/năm vào năm 2015. Còn rượu mỗi năm khoảng 350 triệu lít. Năm 2006, tỷ lệ bình quân uống bia là 18 lít/người. Đến năm 2010, đã tăng nhanh lên 29 lít/người. Không những vậy, theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2012 Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỉ lít bia, gấp 3,5 lần so với năm 2004: "lượng bia sử dụng trung bình/người/năm là 32 lít, xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ ba châu Á và Việt Nam được xếp là 1 trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất". Nếu chỉ tính trung bình 22.000 đồng/ lít bia lấy theo giá bia Hà Nội, thì người Việt Nam đã tiêu 3 tỉ USD/năm. Trong khi thu nhập bình quân của người Việt chỉ đứng 8/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, thì lại đang nắm giữ vị trí quán quân về kỷ lục tiêu thụ bia, vượt xa so với hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines. Hiện Việt Nam được xếp là 1 trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất (Nigeria tăng 17,2%, Ấn Độ tăng 17%, Brazil tăng 16% và VN tăng 15%).

Ảnh hưởng của rượu, bia với an toàn giao thông

Đã có rất nhiều các vụ tai nạn giao thông hiện nay ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia.  Như trên đã phân tích, rượu, bia tác động tới hệ thần kinh trung ương, kích thích tâm lý và gây cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi. Nó làm cho thời gian phản ứng của lái xe chậm lại, quá trình suy nghĩ của họ thiếu sáng suốt, giảm khả năng tập trung khi lái xe và còn gây tác dụng phụ như mờ mắt và nặng tai... làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.

 Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội do người lái xe ô tô sử dụng rượu bia khiến 3 người thiệt mạng

Một khái niệm được dùng thống nhất tại tất cả quốc gia trên thế giới là chỉ số BAC (blood alcohol concentration - nồng độ rượu trong máu). Nồng độ rượu trong máu là một cách đo lượng rượu trong cơ thể, nghĩa là bao nhiêu gram rượu nguyên chất trong mỗi 100ml máu. Ngoài ra, lượng rượu trong máu của người điều khiển phương tiện còn được đo bằng một thủ tục đơn giản là kiểm tra hơi thở. Con số trung bình của mọi nơi trên thế giới cho phép là 0,05gm và kể từ đó trở lên là có thể bị phạt nặng. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại quy định hình thức và mức độ xử phạt khác nhau.

Luật giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008 nghiêm cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển ô tô (Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) và người điều khiển xe mô tô (Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở).

Cần lắm những hình ảnh trực quan này ngoài đường

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy ngay cả khi nồng độ công trong máu (BAC) của người điều khiển phương tiện giao thông chỉ có từ 0,2 đến 0,4 mg/ml cũng có khả năng bị sảy ra tai nạn gấp 1,4 lần những người hoàn toàn không uống. Những người điều khiển phương tiện giao thông với BAC trên 0,5 mg / ml có khả năng bị tai nạn gây tử vong nhiều hơn so với những người lái xe không uống rượu.

Nếu độ rượu trong máu 0.02 - 0.05 BAC, khả năng để xem hoặc xác định vị trí ánh sáng di chuyển một cách chính xác cũng như khả năng để đánh giá khoảng cách bị giảm. Xu hướng gặp rủi ro tăng lên, và khả năng đối phó với nhiều tác nhân kích thích giảm; nếu độ rượu trong máu 0.05, người lái xe có nguy cơ xảy ra TNGT gấp hai lần trước khi uống rượu; độ rượu trong máu 0.05 – 0.08, khả năng đánh giá khoảng cách tiếp tục giảm, sự nhạy cảm với ánh sáng màu đỏ bị suy giảm, phản ứng chậm hơn, và khả năng tập trung ngắn hơn; độ rượu trong máu 0.08, người lái xe có nguy cơ xảy ra TNGT gấp năm lần trước khi uống rượu. Khi độ rượu trong máu 0.08 – 0.12 tạo cảm giác "hưng phấn" làm đánh giá quá cao khả năng lái xe, làm cho họ chủ quan. Lúc này, tầm nhìn ngoại vi và nhận thức về những trở ngại bị suy yếu, có nguy cơ xảy ra TNGT gấp mười lần.

Một số giải pháp

Một là, tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng rượu, bia. Giải pháp này tập trung vào việc kiểm soát nhu cầu sử dụng, kiểm soát việc cung cấp, giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia… Đó là các biện pháp kiểm soát sử dụng; kiểm soát chặt quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi; áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm sử dụng, hạn chế buôn lậu. Các cơ quan nhà nước tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn trưa và ngày trực. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời tổ chức và giám sát việc thực hiện. Về việc kiểm soát việc cung cấp, đó là quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu bia trong cả nước và từng địa phương. Song song đó là việc kiểm soát kinh doanh rượu thủ công (như quản lý chặt việc cấp phép; xây dựng cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia làng nghề ở các địa phận có làng nghề); kiểm soát việc ghi nhãn rượu bia; kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia…

Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng rượu, bia.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; hiểu rõ được tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền mức xử phạt đối với những vi phạm nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Ðối với những người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.

Ðặc biệt ở các huyện miền núi, miền biển thường có tỷ lệ người trẻ nghiện rượu, bia cao cần có sự phối hợp giữa chính quyền, dòng họ và gia đình hạn chế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất cần phải chú trọng cả nội dung và hình thức. Hình thức tuyên truyền cần phải đa dạng, hấp dẫn, phong phú.

 Lực lượng CSGT tăng cường TTKS, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu bia tham gia giao thông

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác TTKS, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hiện nay, việc xử phạt người lái xe uống rượu, bia say đã được các lực lượng chức năng quan tâm thực hiện. Song, vẫn chưa đủ sức răn đe và việc đưa thêm các chế tài tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện là cần thiết.Ngoài ra, cơ quan công an cần thông báo vi phạm về nơi cư trú, nơi công tác của họ để kiểm điểm. Đối với cán bộ công chức, không chỉ xử lý hành chính mà còn xem xét kỷ luật khi lái xe uống rượu bia.

Nên nhớ uống rượu lái xe gây tai nạn có thể bị xử lý hình sự

Bốn là, cần áp dụng chế tài xử lý mạnh tay đối với lái xe uống rượu bia gây tai nạn.

Tỷ lệ gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia gây ra không dưới 40% nhưng xử lý thấp dẫn đến tình trạng ‘nhờn’ luật trong lĩnh vực vận tải rất lớn. Vì thế , cần xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, xử lý hình sự các hành vi sử dụng rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn đồng thời phải sửa đổi Bộ luật hình sự, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạo tiếng răn đe lớn của pháp luật.

Tại Thái Lan, người lái xe từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị bắt giữ và buội tội một năm tù, phạt tiền lên đến 20.000 Bath.

Chỉ có phạt nặng như vậy những hung thần ma men mới không tác oai tác quái trên xa lộ.

Tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định rõ “Người nào sử dụng rượu bia mà điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác có thể bị phạt tù đến 5 năm”

Chế tài đã có, cần phải triển khai áp dụng đúng người đúng tội, nhằm mang tính răn đe, tạo dư luận lên án hành vi say rượu bia gây ra tội ác tai nạn giao thông.

Theo CAND - Thiên Ân st