Thông số kỹ thuật của xe

Ở Việt Nam hiện nay, tiêu chuẩn tốc độ tối đa được quy định đối với các hãng sản xuất xe điện là 25km/h đối với xe đạp điện, xe máy điện là 50km/h, dòng mô tô điện vận tốc tối đa sẽ cao hơn trên 50km/h nhưng lại đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với vận tốc phải cao hơn hẳn xe đạp điện và xe máy điện. Công suất của xe điện dao động từ 500W đến 1000W là phù hợp, với những xe 1200W thì độ vọt của xe rất nhanh và mạnh. Động cơ xe điện có 2 loại chạy bằng pin hoặc chạy bằng ắc quy, xe chạy bằng pin thì nhẹ còn chạy bằng ắc quy sẽ nặng hơn. Yên xe đạp điện thường cao hơn yên xe máy điện vì vành xe đạp cao hơn.

Hơn nữa, hãng xe điện nào càng đồng bộ nhiều về các linh phụ kiện chính hãng sẽ càng đảm bảo về chất lượng xe hơn và xe được bảo hành tốt hơn.

Nắm được các thông số trên, cha mẹ có thể căn cứ vào sức khỏe, chiều cao và cá tính của con để lựa chọn loại xe điện phù hợp. Từ đó không chỉ yên tâm về chất lượng xe mà còn kiểm soát được sự phóng nhanh vượt ẩu vốn thường gặp ở lứa tuổi teen.

Các tính năng an toàn của xe

Liên quan mật thiết đến việc kiểm soát tốc độ phóng nhanh vượt ẩu của con, đầu tiên cha mẹ có thể nhận biết từ kim đồng hồ hiển thị tốc độ. Khi đi mua xe, có thể yêu cầu người bán lắp ắc quy để xe chạy không tải xem kim đồng hồ chỉ báo tốc độ có đúng với tiêu chuẩn quy định hay không, vì nếu kim đồng hồ hoặc đồng hồ điện tử chỉ trên 50km/h thì xe đó vi phạm quy định Việt Nam về chất lượng tốc độ. Chân trống điện cũng gia tăng tính năng an toàn vì con bạn sẽ không thể khởi động được xe nếu quên gạt chân trống điện. Điểm này còn giúp con tránh bị phạt vi phạm giao thông vì lỗi không gạt chân trống xe hiện nay có mức phạt là 150.000 đồng.

Bên cạnh đó, cha mẹ không nên lựa chọn loại xe điện có cài thêm tính năng số lùi. Tính năng này, nghe qua tưởng hiện đại nhưng lại nguy hiểm. Vì đối với loại xe hai bánh không có khả năng tự đứng được như xe đạp điện và xe máy điện, khi cài số lùi, xe không giữ được thăng bằng con bạn sẽ rất dễ bị ngã xe.

Mẫu mã và kiểu dáng

Tùy thuộc vào sở thích và cá tính của người dùng, thị trường xe điện hiện nay có vô vàn kiểu dáng và mẫu mã từ truyền thống tới thời trang, từ cổ điển đến thể thao cho bạn lựa chọn, thậm chí còn đa dạng hơn cả dòng xe xăng. Với xe đạp điện, nếu muốn thời trang bạn lựa chọn cho con loại có 1 yên, muốn truyền thống lựa chọn dáng xe 2 yên. Còn đối với xe máy điện thì mẫu mã và tiện ích giống hệt các loại xe tay ga, thậm chí trên thị trường hiện nay có dòng xe máy điện Anbico Diamond AP 1608 còn tiện ích hơn xe ga vì có thêm phần ổ sạc điện thoại ở hộc để đồ phía trước.

Cha mẹ cũng lưu ý là động cơ xe điện có thể ảnh hưởng đến mẫu mã và kiểu dáng. Xe chạy bằng pin nhẹ hơn và kiểu dáng sẽ mềm mại hơn chạy bằng ắc quy. Tuy nhiên, xe chạy bằng ắc quy vẫn có thể thêm số lượng bình để gia tăng quãng đường cho xe điện mà không làm mất đi kiểu dáng của xe máy điện.

Bộ điều khiển của xe điện luôn được bọc kín để tránh nước và không khí xâm nhập. Tuy nhiên, kiểu dáng xe điện có bộ điều khiển được bố trí trên phần yên của xe sẽ hạn chế được tối đa tình trạng chết máy khi trời mưa đường ngập, vì bộ điều khiển được bố trí càng cao nước sẽ càng khó lọt vào.

Giấy tờ pháp lý của xe

Đối với xe đạp điện, những giấy tờ pháp lý cần có bao gồm tem CR, tem nhãn hàng hóa thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ, sổ bảo hành và hóa đơn. Cha mẹ có thể yêu cầu người bán xuất trình thêm Giấy chứng nhận chất lượng xe do Cục Đăng kiểm cấp cho mẫu xe mình chọn để tránh hàng nhái, hàng giả.

Xe máy điện cũng bao gồm 5 giấy tờ như trên nhưng thay cho tem đăng kiểm là phiếu đăng kiểm, được sử dụng để đi đăng ký.

Điều đặc biệt đáng chú ý là xe chính hãng vẫn gặp rắc rối khi đăng ký như thường. Vì có nhiều hãng, tên xe điện in trên thân xe và tên ký hiệu xe ghi trên giấy tờ đăng kiểm khác nhau. Sự không đồng bộ này khiến người tiêu dùng gặp rắc rối với cơ quan cấp đăng ký xe khi mang xe đi đăng ký. Như vậy, cha mẹ nên lựa chọn mua xe điện của các hãng đảm bảo được sự thống nhất giữa nội dung ghi trên giấy với nội dung in trên xe thực tế.

Cam kết của nhà sản xuất

Cam kết trước hết ở chế độ bảo hành, tức là xe chính hãng phải có sổ bảo hành bắt buộc theo xe. Cha mẹ nên chọn mua xe điện có bảo hành do nhà sản xuất cấp hơn là do đại lý cấp. Trong sổ bảo hành do nhà sản xuất cấp ghi đầy đủ chế độ bảo hành với các linh phụ kiện. Nên chọn mua xe của các hãng có chính sách yêu cầu tất cả các đại lý dự trữ sẵn linh phụ kiện, khi cần bảo hành đại lý có thể tự thay luôn được cho khách, hoặc báo ngay lên nhà sản xuất và nhà sản xuất có trách nhiệm bảo hành luôn và ngay.

Bảo hành do đại lý cấp có thể khiến người tiêu dùng phải chờ lâu hơn vì còn phải đặt hàng nhà sản xuất. Sau đó, nhà sản xuất mới gửi đồ cho đại lý. Hoặc có khi đại lý báo về trường hợp cần bảo hành và gửi đồ về nhà máy để nhà máy kiểm tra mức độ hỏng hóc. Nếu hỏng không sửa được nữa thì mới cấp mới khiến thời gian chờ bảo hành càng lâu thêm.

Cha mẹ lưu ý tình trạng ắc quy bị phồng trước khi hết tuổi thọ (trước 3 năm) không nằm trong chính sách bảo hành. Nguyên nhân vì nếu chỉ đi được một thời gian ngắn mà ắc quy đã bị phồng là do người dùng sử dụng xe quá tải. Xe máy có thể kẹp 5 kẹp 3 miễn xe trụ được vì là động cơ xe xăng, nhưng đối với xe điện thì tất cả lượng điện để kéo được xe đi lại lấy ra từ ắc quy. Khi xe chở quá tải trọng dòng điện không kéo được nữa, lúc này, ắc quy hoạt động quá sức sẽ bị phồng. Điểm này tuy nhiên lại có ích ở chỗ cha mẹ có thể nhận biết được để ngăn chặn việc thích kẹp 5, kẹp 3 của con mình, từ đó nhắc nhở con tuân thủ quy tắc an toàn khi tham gia giao thông.

giadinh.net.vn