Thanh tra giao thông tỉnh Hưng Yên cân kiểm tra xe quá tải - Ảnh: Tạ Tôn 

Gần đây, xe quá tải đang có dấu hiệu tái diễn phức tạp trên nhiều tuyến đường. Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài quy định xử phạt lái xe, chủ xe chỉ mới "nắm ông trọc đầu". Để xử lý triệt để cần "nắm ông có tóc", tức là chủ hàng…

Mới phạt lái xe, chủ xe

Nghị định 46 đưa ra những mức xử phạt khác nhau cho 3 đối tượng gồm: người lái xe, người xếp hàng hóa lên xe ô tô và chủ phương tiện. Tuy nhiên, đối với chủ hàng vẫn chưa có quy định. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, chủ hàng mới là nguyên nhân chính khiến lái xe, chủ xe chở hàng quá tải.

Đề cập vấn đề này, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, xe quá tải lưu thông trên đường chỉ có ba đối tượng bị xử phạt gồm: Chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế và người xếp dỡ. Trong khi đó, chủ hàng là người điều phối hoạt động chở hàng, quyết định về việc điều phối hàng hóa trên thị trường và điều khiển được ba đối tượng trên. “Nghị định 46 chỉ xử phạt lái xe, chủ xe là mới làm ở phần ngọn, chưa xử lý tận gốc. Nhiều lái xe than, việc xử phạt như vậy là không công bằng vì họ chỉ là người làm thuê cho chủ xe hoặc làm thuê cho doanh nghiệp vận tải”, ông Tiến nói.

“Trong hoạt động vận tải hàng hóa, chủ hàng là người trực tiếp thuê phương tiện, vì yếu tố lợi nhuận, chủ hàng đã chọn những doanh nghiệp có giá cước vận tải thấp nhất. Trước yêu cầu của chủ hàng, nhiều doanh nghiệp vận tải buộc phải hạ giá cước để cạnh tranh”, ông Tiến nói và đề xuất: “Cần bổ sung xử phạt chủ hàng mới bình đẳng với các đối tượng còn lại”.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM phân tích thêm, đối với những hợp đồng này, nếu không muốn bị lỗ, chủ xe không còn biện pháp nào khác là phải chở hàng quá tải để bù đắp các chi phí phát sinh. Đối tượng chủ hàng khuyến khích chủ phương tiện chở quá tải để giảm giá cước vận chuyển.

“Trong khi Nhà nước đang khuyến khích phát triển vận tải đường thủy, đường sắt, giảm áp lực cho đường bộ, việc giảm giá cước không đúng bản chất thật của giá cước vận tải khiến cho hai loại hình nói trên không thể cạnh tranh nổi. Những biên bản phạt quá tải trên đường phải truy về gốc hàng hóa để phạt nơi cung cấp nguồn gốc hàng”, ông Quản nói.

Theo số liệu từ Tổng cục Đường bộ VN, trong năm 2017, lực lượng chức năng đã lập biên bản trên 28 nghìn trường hợp xe chở vượt tải trọng, xử phạt trên 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Chung, Vụ phó Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, các lỗi vi phạm này đều xử phạt đối với lái xe, chủ xe.

Xe chở quá khổ, quá tải lưu thông đoạn qua xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Không phạt vì chưa có chế tài

Ông Bùi Văn Quản cho biết, trong vận đơn (hợp đồng vận chuyển) giữa chủ hàng và chủ tàu đều có quy định trọng tải của từng loại container. Trong đó, chủ hàng phải chịu trách nhiệm không được xếp hàng quá tải theo quy định của từng loại container. Nhưng trên thực tế, nhiều chủ hàng xếp hàng có trọng lượng quá quy định.

“Phải quy định trách nhiệm từng cá nhân lãnh đạo cảng, các kho hàng, bến bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp, công ty xếp dỡ, chủ hàng nếu để xảy ra tình trạng xe chở quá tải. Đây là biện pháp để triệt tiêu nguồn gốc dẫn đến xe chở hàng quá tải”, ông Quản đề xuất.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến cho biết, Nhật Bản đã phạt cả chủ hàng, vì họ cho rằng, chủ hàng là người ép chủ xe về giá cước, từ đó buộc chủ xe chở quá tải. Vì vậy, tại Việt Nam chủ hàng cũng phải chịu trách nhiệm, khi ký hết hợp đồng vận chuyển phải quy định rõ trách nhiệm các bên trong chở hàng. Chủ hàng phải cấp hóa đơn vận chuyển đúng với loại phương tiện của doanh nghiệp vận tải cung cấp. Quá trình sửa Luật GTĐB cần quy định chặt chẽ đối với chủ hàng khi để xe chở quá tải. Theo ông Đặng Văn Chung, do không đủ cơ sở pháp lý để “trói” đối tượng này (chủ hàng) nên chưa thể xử phạt. “Nếu quyết tâm có thể xử phạt được, nhưng đòi hỏi hệ thống pháp lý đồng bộ. Nhiều ngành quy định chặt chẽ về pháp lý đối với người tiêu dùng như: chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguồn hàng, nguồn hàng đó có chấp hành các quy định pháp luật liên quan hay không mà không riêng luật giao thông”, ông Chung nói.

Nhìn nhận lượng xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%, đặc biệt là các xe chở hàng đường dài, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN thừa nhận thời gian gần đây xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại. Nguyên nhân do lực lượng chức năng một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng, thậm chí tiêu cực. Các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải vẫn lưu thông trên địa bàn.

Đề cập đến xử phạt đối với chủ hàng, ông Huyện cho biết, Tổng cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định xử phạt đối với chủ hàng trong xử lý xe quá tải khi sửa đổi quy định tại Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng sẽ quy định chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền phải chịu trách nhiệm nếu để xe chở hàng quá tải trọng.

Xử phạt cả người gửi, nhận hàng liên quan vi phạm chở quá tải

Xác định chở quá tải là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông, hư hỏng hạ tầng đường bộ, chính quyền bang New South Wales (NSW), Australia có chế tài xử phạt rất nghiêm khắc, truy tất cả các đối tượng liên quan khi phát hiện một phương tiện chở quá tải. Luật Giao thông đường bộ tại NSW năm 2005 quy định: người có thể bị phạt vì vi phạm quy định chở quá tải bao gồm người gửi hàng (consignor), người đóng gói, người xếp/dỡ hàng, người điều hành, người điều khiển và người nhận hàng. Nhưng những đối tượng này có thể biện hộ trước toà để thoát hình phạt dựa trên các cơ sở sau: người này không biết về vi phạm liên quan; người này đã thực hiện tất cả các bước hợp lý để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Tòa án chịu trách nhiệm xét xử sẽ cân nhắc nhiều vấn đề khi đưa ra mức phạt đối với vi phạm quy định về khối lượng, kích thước hoặc giới hạn trọng tải. Một số yếu tố được Toà xem xét cân nhắc bao gồm: Mức độ ảnh hưởng mà hạ tầng phải chịu; gian lận về lợi thế thương mại; mức độ gây tắc nghẽn giao thông; gây tổn hại tới an toàn cộng đồng hoặc môi trường.

atgt.vn