Sự hứng thú với xe điện
Theo giới chuyên môn, nhờ sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đến năm 2026, ô tô điện sẽ có giá bán tương đương ô tô động cơ đốt trong. Thời gian nạp pin cho xe điện giảm xuống dưới 1 giờ, đa số ô tô điện có thể chạy tới 400 km cho mỗi lần sạc. Đây là những yếu tố quan trọng, thuyết phục khách hàng chuyển sang lựa chọn ô tô điện. Ngoài ra, ô tô điện sẽ có khả năng giao tiếp tốt với con người qua smartphone và rất được giới trẻ ưa chuộng.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen (CHLB Đức), tại khu vực Đông Nam Á, từ năm 2012, Indonesia đã có chương trình phát triển ô tô điện quốc gia với mục tiêu sản xuất hàng loạt vào năm 2018. Thái Lan còn có tham vọng lớn hơn khi muốn tận dụng nguồn lực của ngành công nghiệp ô tô sẵn có để phát triển thành một trung tâm sản xuất xe điện lớn của thế giới.
Ô tô điện hứa hẹn sẽ dần trở thành phương tiện giao thông phổ biến
Sản xuất ô tô điện cần 4 công nghệ cơ bản là: tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện (xạc) và kỹ thuật điều khiển. Nếu mở rộng cho cả ngành công nghiệp, khi ô tô điện phát triển và khi điện trở thành nguồn năng lượng chính thay thế xăng dầu, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng.
Vì vậy, rất cần thiết phát triển sản xuất ô tô điện sớm và nhanh chóng làm chủ những công nghệ cơ bản này. Nếu Việt Nam không bắt tay làm ô tô điện ngay từ bây giờ, chắc chắn lại đi sau nhiều quốc gia, ông Đồng nói.
Theo khảo sát mới đây của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế Frost & Sullivan (Mỹ), thị trường xe điện tiềm năng nhất thuộc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi nhiều người chuyển sang sử dụng ô tô điện, thị trường có thể đạt doanh số hàng trăm tỷ USD. Nếu nhà cung cấp nào có sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu, sẽ gặt hái những thành công lớn.
Riêng Việt Nam, Frost & Sullivan cho biết, có 33% người tiêu dùng tham gia khảo sát, nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu. Đây là một con số đầy tiềm năng để phát triển xe điện tại Việt Nam. Việt Nam có dân số trẻ và sự kết nối mạnh mẽ với Internet, lượng người sử dụng Internet qua điện thoại thông minh rất cao. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó hiện nay như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian. Đây là cơ hội lớn giành cho các DN.
Ô tô điện đợi ngày tràn xuống phố
Tương lai ô tô điện Việt Nam
Các DN cho biết, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 1 triệu xe/năm vào năm 2030, với doanh số trên 12 tỷ USD. Khi đó tương lai của xe điện rất lớn, bởi nó sẽ dần thay thế cho ô tô động cơ đốt trong, mở ra cơ hội cho các DN hướng tới công nghệ hiện đại.
Không những thế, những chiếc xe điện có phát thải ở mức 0% sẽ mang lại sự văn minh, sạch đẹp cho các thành phố, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhiều DN đang bắt tay vào kế hoạch đầu phát triển ô tô điện tại Việt Nam. Tháng 3/2018, Công ty VinFast thuộc tập đoàn Vingroup, đã công bố kế hoạch sản xuất ô tô điện, tại nhà máy đang xây dựng ở Hải Phòng.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, cho hay, để sản xuất tô điện, VinFast đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu thiết kế đến công nghệ sản xuất. Đầu tiên là thuê những studio danh tiếng, sau đó là lựa chọn BMW, một tập đoàn ô tô đã chi những khoản đầu tư lớn và có kinh nghiệm phát triển xe điện, làm đối tác chuyển giao công nghệ.
Đến nay, VinFast đã hoàn tất hợp đồng mua sắm 4 dây chuyền gồm: dây chuyền dập chi tiết thân xe, dây chuyền sản xuất động cơ, dây chuyền sơn, dây chuyền lắp ráp và sắp tới là dây chuyền hàn. Dự kiến cuối năm 2019, tập đoàn sẽ cho ra mắt 2 mẫu ô tô điện đầu tiên, mang thương hiệu Việt Nam.
Ngoài VinFast, Mitsubishi Motor (Nhật Bản) cũng có tham vọng đầu tư sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. Ý định này được ông Osamu Masuko, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn, chia sẻ tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nửa cuối năm 2017.
Cũng trong năm 2017, Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hoá về việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện ở Việt Nam. Tổng vốn đầu tư dự sẽ án khoảng 500 triệu USD. Nhà máy dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, công suất ban đầu 10.000 xe/năm, giai đoạn tiếp theo có thể tăng lên 50.000/năm, chủ yếu là các dòng xe điện 5-7 chỗ ngồi.
Tập đoàn Diamler (CHLB Đức) lên kế hoạch năm 2019 sẽ đưa ra thị trường sản phẩm xe tải nhẹ sử dụng động cơ điện. Xe có thể chở từ 2-3 tấn hàng hóa và chạy được khoảng 100km mới phải xạc điện. Thời gian xạc điện cũng rất nhanh, chỉ cần 1 giờ là có thể xạc đầy 80% tổng dung lượng pin. Pin của chiếc xe này được bảo hành tới 10 năm.
Theo các DN, vấn đề quan trọng là làm thế nào để người tiêu dùng hứng thú hơn với ô tô điện. Muốn vậy, xe phải có thiết kế đẹp và công nghệ tốt, phải nỗ lực giảm giá thành. Trong vòng 5-7 năm tới, giá thành pin sẽ giảm, kéo theo giá xe điện giảm xuống, tạo điều kiện tốt để cạnh tranh với xe xăng dầu truyền thống. Khi đó, doanh số sẽ tăng, tạo tiền đề để các DN tăng sản lượng, dẫn đến giá bán càng có cơ sở giảm thêm.
Tuy nhiên, sự thành công của xe điện còn phụ thuộc vào sự hợp tác giữa Chính phủ, DN và các bên liên quan khác. Nó không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng, mà còn ưu đãi thuế và hỗ trợ cho người dùng, để xe điện thực sự phát triển ở Việt Nam.
Đến nay, ô tô điện mới chỉ được hưởng ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt mức 15%, tương đương với xe bán tải, có dung tích 2.0L trở xuống. Mọi chính sách thuế, phí khác, giống như xe động cơ đốt trong.
Nguồn vietnamnet.vn