Ở Việt Nam, khi tình trạng đông dân đông phương tiện cá nhân đã là một nguyên nhân dẫn đến con số thương vong khổng lồ từ tai nạn giao thông, thì ý thức của người tham gia lại chính là nút thắt để tháo gỡ vấn đề đó.
Tuy nhiên, dù cảnh sát giao thông đã tích cực giám sát và phổ biến các quy định pháp luật, một số tài xế vẫn khó lòng từ bỏ và thay đổi hành vi lái xe gây nguy hiểm của mình.
Vượt đèn đỏ
Đèn đỏ là tín hiệu giao thông an toàn giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến ùn tắc, tuy nhiên đôi lúc lại khiến các bác tài Việt khó chịu. Sẵn có sự liều lĩnh và cả thói quen vội vàng, họ không ‘quản ngại’ việc vượt đèn đỏ hay lao nhanh tranh thủ những giây đèn vàng cuối cùng. Bởi vậy, không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra từ hành vi nguy hiểm này.
Hãy tôn trọng quyền ưu tiên được di chuyển của các phương tiện ngược/khác chiều. Không cướp đi quyền ưu tiên đó và đưa đến tình huống đáng tiếc cho mọi người cũng như bản thân mình.
Lái xe ngược chiều
Dù không thường xuyên và không dễ bắt gặp nhưng tài xế lái xe ngược chiều để tiết kiệm vài mét chạy đường vẫn xuất hiện tại Việt Nam. Hành vi này vừa vi phạm pháp luật, vừa gây nguy hiểm, đặc biệt khi chạy xe trên đường một chiều hay đường cao tốc.
Tài xế do đó đừng tiếc vài ml nhiên liệu hay thời gian lái xe đúng chiều dẫn đến tai nạn không đáng có đối với các phương tiện khác.
Không đi đúng làn đường
Bởi thói quen ‘điền vào chỗ trống’ và sự ích kỷ khi tham gia giao thông, tài xế Việt liên tục vi phạm quy định về làn đường của mình. May mắn, tình trạng này thường chỉ gây ách tắc giao thông và khó dẫn đến va chạm khi đường đã không còn diện tích để di chuyển với tốc độ lớn.
Tuy nhiên, đối với làn đường cao tốc thì khác. Việc phân làn trên cao tốc giúp tăng tốc độ lưu thông của các phương tiện mà vẫn đảm bảo an toàn. Trên thực tế, tham gia tuyến đường này, tài xế sẽ ít cảnh giác và có khả năng xử lý tình huống bất ngờ chậm hơn.
Do đó, nếu có lái xe lấn chiếm làn ưu tiên để chạy tốc độ cao hoặc vượt xe hay trưng dụng “làn đường nhanh” ngoài cùng bên phải để chạy tốc độ chậm, sẽ tạo nên tình huống vô cùng nguy hiểm cho các bác tài khác.
Bật đèn pha bừa bãi
Nhiều người không ý thức được sự khó chịu và cản trở di chuyển của phương tiện đối diện nên khá thờ ơ với việc lúc nào cần bật đèn pha. Một số tài xế thậm chí sử dụng đèn pha ngay cả khi đi trong thành phố đã được chiếu sáng bởi đèn đường hay không hạ pha khi xe ngược chiều đã chủ động bật đèn chiếu gần trước.
Cần biết rằng, đèn pha được thiết kế để giúp người lái quan sát tốt hơn khi di chuyển trên cung đường vắng và thiếu ánh sáng. Vì vậy, các tài xế nên hạ đèn cos khi có phương tiện đi ngược chiều để tránh đưa người khác vào tình huống nguy hiểm.
Lạm đụng đèn Hazard
Đèn Hazard nếu không được tìm hiểu cách sử dụng đúng thì rất dễ gây hiểu nhầm cho các phương tiện tham gia giao thông khác đồng thời làm mất đi ý nghĩa thực sự của nó và dẫn đến sự cố va chạm.
Đèn Harzard hay chính là đèn ưu tiên, đèn cảnh báo và đèn khẩn cấp được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết như dừng đỗ khi xe gặp vấn đề và đang chặn đường của các phương tiện khác. Bên cjanh đó, nó còn có chức năng ưu tiên cho xe gặp sự có khẩn cấp và cảnh báo cho những người tham gia giao thông khác để tránh va chạm ngoài ý muốn. Theo kinh nghiệm lái xe an toàn, tài xế chỉ sử dụng đèn hazard trong tình huống đặc biệt, không bật đèn bừa bãi.
Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại
Được xếp vào top hành vi cực nguy hiểm cần được loại bỏ nhưng cũng là thói quen xấu phổ biến của hầu hết các tài xế không chỉ tại Việt Nam. Sử dụng điện thoại khi lái xe hiển nhiên sẽ khiến bộ não của bạn chi phối sự tập trung và dẫn đến tình huống nguy hiểm khôn lường. Nếu thực sự cần thiết, hãy đỗ xe vào làn đường đúng quy định và thực hiện cuộc gọi của mình.
Theo Cafeauto.vn