Đoạn đường nơi xảy ra vụ tai nạn - Ảnh: H.A.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 22h ngày 2-10-2022, tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa chiếc xe do anh Nguyễn Công Phường (32 tuổi, ngụ tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) điều khiển với ô tô do Nguyễn Thị Hằng điều khiển đang đỗ bên đường để đi vệ sinh.
Có điều kiện cứu, nhưng bỏ mặc nạn nhân
Thời điểm xảy ra tai nạn trên xe bà Hằng còn có ba người khác đang ngủ. Sau tai nạn ba người này tỉnh giấc và chứng kiến xe máy cùng anh Phường ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách cứng. Sau va chạm bà Hằng lên xe đi tiếp, để lại anh Phường và xe máy tại hiện trường vụ tai nạn.
Tiếp đó anh Phường bị chiếc xe tải do Tưởng Văn Danh (30 tuổi, ngụ tại xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) điều khiển chạy tới cán qua người khiến anh Phường tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo nguồn tin từ một cán bộ Công an huyện Can Lộc, bà Hằng bị khởi tố vì thấy người khác gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng mà không cứu giúp. Trong trường hợp này nếu muốn cứu giúp, bà Hằng có thể cảnh báo cho các phương tiện khác đang lưu thông trên đường biết để tránh, hoặc có thể hỗ trợ người bị tai nạn vào lề đường để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ngoài khởi tố bà Hằng, trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Can Lộc cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Tưởng Văn Danh về hành vi "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Xét ở mọi góc độ, nên ra tay cứu giúp
Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì tùy trường hợp có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trong vụ việc diễn ra ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, bà Hằng đang đỗ xe trên đường, sau đó anh Phường chạy xe máy tông vào xe bà Hằng ngã ra đường. Sau va chạm bà Hằng lên xe đi tiếp, không cứu giúp, hậu quả anh Phường bị xe tải đi ngang cán qua tử vong.
Rõ ràng nếu bà Hằng biết rõ anh Phường có tông vào xe mình, bị thương nhưng không chết, bà Hằng hoàn toàn có thể cứu giúp bằng cách hô hoán, nhờ người hỗ trợ, gọi xe cứu thương... Nhưng bà lẳng lặng bỏ đi, làm anh Phường bị xe tải cán qua chết thì hành vi này hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội phạm tại điều 132.
Cũng có thể lý giải, bà Hằng do là phụ nữ, trong lúc tinh thần hoảng loạn nên suy nghĩ không thấu đáo và lo sợ bị người thân nạn nhân đuổi đánh như nhiều trường hợp đã xảy ra nên đã bỏ đi chứ không hoàn toàn cố ý bỏ mặc người bị nạn. Tuy nhiên, đối với trường hợp này và các trường hợp tương tự khi một người hoàn toàn có điều kiện cứu giúp người đang bị nguy hiểm đến tính mạng mà bỏ mặc, không cứu giúp thì pháp luật cũng đã có sự điều chỉnh để đảm bảo quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng là quyền thiêng liêng nhất của con người.
Và không chỉ được điều chỉnh bằng pháp luật, trong luân thường đạo lý hằng ngày thì ông cha ta cũng đã thông qua các câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, và giáo huấn bằng văn học về lòng yêu thương, giúp đỡ con người. Do đó, chúng ta khi rơi vào các trường hợp tương tự cần bình tĩnh xử trí để cứu giúp người khác như câu nói "cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ", để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhiều người ngại cứu giúp vì sợ phiền phức
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), khi tai nạn xảy ra, người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn phải có trách nhiệm: bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay nhiều người ngại phiền phức, sợ liên lụy đến mình, bị hiểu lầm... khi giúp đỡ người bị nạn. Nhưng hành vi thấy người bị tai nạn giao thông rồi bỏ đi mà không giúp đỡ là vi phạm pháp luật.
Theo Báo Tuổi Trẻ