CSGT Công an huyện Hưng Hà, Thái Bình lập biên bản xử lý xe tự chế
Xe tự chế vẫn ra đường
Ngày 20/2, trên tuyến đường xã Xuân Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, PV bắt gặp một chiếc xe tự chế ba bánh gắn máy do một phụ nữ mặc quần áo bảo hộ, bịt khẩu trang kín mặt, đầu không đội MBH điều khiển chạy băng băng. Những chiếc xe ba bánh tự chế, xe lôi máy, xe công nông… vẫn xuất hiện trên các tuyến đường thôn xã, thậm chí đường huyện, đường tỉnh và cả những đoạn quốc lộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Ông Phạm Tiến Nhiệm, Trưởng Công an xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư cho biết, thực tế đã xảy ra những vụ TNGT liên quan đến xe tự chế, điển hình là ngày 30/11/2017, tại đường trục xã thuộc địa bàn thôn 7, xã Vũ Đoài đã xảy ra vụ TNGT giữa xe máy và xe 3 bánh tự chế do một phụ nữ điều khiển, trên thùng xe chở đất và có một phụ nữ khác ngồi trên. Hậu quả, xe tự chế cùng hai phụ nữ lao xuống sông, 1 người tử vong, người còn lại cùng người điều khiển xe máy bị thương nặng. “Xe tự chế tham gia giao thông, nhất là chở người phía sau rất nguy hiểm”, ông Nhiệm nói.
Một chiếc xe tự chế chở học sinh bị tịch thu chờ tiêu huỷ ở huyện Hưng Hà
Thế nhưng, do ưu điểm kích thước nhỏ gọn, giá xe rẻ, nên xe tự chế vẫn được ưa chuộng ở vùng nông thôn để vận chuyển vật liệu xây dựng, nông sản, thóc lúa… và thậm chí là phương tiện để đưa, đón học sinh… Theo ông Nguyễn V., thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, chủ một chiếc xe tự chế, chiếc xe không chỉ phục vụ nhu cầu vận chuyển của gia đình, mà còn dùng chở thuê vật liệu xây dựng cho người dân trong thôn với giá khoảng 40 nghìn đồng/chuyến trên chặng đường 500m. Với giá mua xe chừng 60 triệu đồng, chiếc xe đem lại một nguồn thu khá ổn định. Vì vậy, dù biết bị cấm lưu hành, nhưng nhiều người dân vẫn mua xe để vừa phục vụ gia đình vừa mưu sinh.
Đại úy Phạm Đình Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Đông Hưng xác nhận, hiện trên địa bàn huyện Đông Hưng vẫn còn khoảng 170 phương tiện là các xe xích lô gắn máy, xe 3, 4 bánh tự chế, chủ yếu để chở vật liệu xây dựng trên các tuyến đường nông thôn. “Đa số các xe tự chế trên đều chạy bằng máy nổ hoặc bình ắc quy tích điện, không có đèn pha, không đèn xi nhan và không gương chiếu hậu. Các bộ phận khác như chân ga, phanh, vô lăng, cần số, thùng chở hàng đều được thiết kế thô sơ, không qua kiểm định. Người điều khiển phương tiện này không có GPLX, lại thường xuyên chở hàng nên luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT”, Đại uý Ngọc nói.
Thượng tá Hà Văn Ba, Phó trưởng Công an huyện Hưng Hà cho biết, địa bàn còn khoảng 100 xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế, xe lôi máy đang lén lút hoạt động trong các khu dân cư. Dù nhu cầu sử dụng của người dân vẫn còn, nhưng đây là loại phương tiện rất nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Xe tự chế vẫn ngang nhiên chạy trên các tuyến đường ở Thái Bình
Tiêu hủy các xe cố tình vi phạm
Theo Đại uý Ngọc, để xử lý xe tự chế, một mặt lực lượng chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, cụ thể như thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng phương tiện tự chế tự giác chấp hành việc tháo dỡ và cam kết không sử dụng, lưu hành loại phương tiện này. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, các lực lượng chức năng thông qua công tác TTKS, kiên quyết tạm giữ, đình chỉ hoạt động.
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.
“Trong năm 2018, lực lượng CSGT Công an huyện Đông Hưng đã phối hợp với công an các xã, thị trấn tổ chức bắt giữ, tịch thu được 29 xe xích lô gắn máy, xe 3, 4 bánh tự chế, xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại uý Ngọc cho hay.
Đại úy Nguyễn Hồng Cường, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Tiền Hải cho biết: Để xử lý xe tự chế, ban đầu, CSGT Công an huyện Tiền Hải đã ra quân tuyên truyền, vận động chủ phương tiện tự giác tháo dỡ phương tiện. Sau đó, những trường hợp cố tình vi phạm, buộc phải tiến hành lập biên bản thu giữ, tổ chức tiêu hủy theo quy định.
Theo Thượng tá Hà Văn Ba, thời gian qua, công an xã, thị trấn cùng cán bộ UBND xã, thị trấn tới từng thôn rà soát, lập danh sách xe tự chế đang hoạt động trên địa bàn rồi tổ chức ký cam kết đình chỉ hoạt động, yêu cầu tự thanh lý, chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhưng vẫn có những trường hợp không chấp hành, cố tình chây ỳ, lén lút hoạt động, khiến lực lượng CSGT Công an huyện phải phối hợp với địa phương tổ chức bắt giữ, xử lý, tịch thu, tiêu hủy.
Theo Báo Giao thông