Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau. 9 tháng năm 2016, TNGT và va chạm giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015. Cho thấy, văn hoá giao thông (VHGT) sau thời gian “đánh trống” ầm ỉ thì hiện nay đang bị “bỏ dùi”. Văn hoá kém thì đạo đức cũng đang dần xuống cấp.

Trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, Quản lộ Phụng Hiệp (đoạn đi qua trung nội ô thành phố Cà Mau), giữa dòng người xe lưu thông đông đúc trong giờ cao điểm thì đâu đó lại xuất hiện “hung thần” điều khiển xe phân khối lớn, hoặc “xe độ” vô tư nẹt ga, lạng lách vượt lên, thậm chí là vượt luôn đèn đỏ. Phóng nhanh, vượt ẩu đang là nỗi lo thường trực đối những người tham gia giao thông có ý thức. Bởi lẽ, người thiếu VHGT thì đâu có đạo đức trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Cách đây vài ngày, đồng nghiệp tôi đưa con đi nhà trẻ. Đang đi trên đường Nguyễn Trãi (đoạn Quốc lộ 63 qua nội ô thành phố, thuộc địa bàn phường 9) thì bất ngờ có một xe gắn từ trong hẻm đâm ra với tốc độ nhanh, buộc đồng nghiệp tôi phải thắng gắp và cả mẹ lẫn con đều ngã lăn trên đường, xây xát nhiều nơi trên cơ thể, nhưng đối tượng vượt ẩu vẫn thản nhiên chạy mất. Người dân sinh sống gần đó đến giúp đỡ đồng nghiệp tôi với thái độ rất bất bình “Trong hẻm chạy ra mà không giảm độ, đụng người khác mà cứ dững dưng, tình trạng này gần như xảy ra mỗi ngày trên tuyến đường này”.

Trước đó, chị Q, ngụ phường 8 thành phố Cà Mau đang điều khiển xe lưu thông trên tuyến đường Lý Thường Kiệt (gần Cầu Cà Mau thuộc địa bàn phường 7) thì bị đối tượng điều khiển xe mô tô từ phía sau vượt lên với tốc độ cao và móc vào càn thắng xe chị Q, kéo chị Q ngã xuống đường và vọt qua cầu mất hút. Hậu quả là chị Q bị chấn thương khớp đầu gối phải “cà nhắc” cả tuần lễ.

May mắn là những trường hợp trên, nạn nhân chỉ bị chấn thương nhẹ. Nghiêm trọng hơn là những trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu gây vụ TNGT dẫn đến chết người, đối tượng gây án thường nhanh chóng “biến” khỏi hiện trường bỏ mặc người bị nạn. Như vụ TNGT xảy ra ở huyện Cái Nước vào tháng 6/2016. Xe tải chạy với tốc độ cao lấn làn đường đụng vào xe mô tô đi ngược chiều, khiến người ngồi phía sau té xuống đường và bị xe tải cán tử vong tại chỗ. Thế là lái xe âm thầm rời hiện trường mà không cần quan tâm hậu quả do mình gây ra.

Song, thường thì điều tra xác minh các vụ án liên quan TNGT sẽ không dễ dàng chút nào nếu như người điều khiển phương tiện gây án không sử dựng xe chính chủ, xe sang bán qua nhiều người mà không có chứng từ, người sang bán trước kia đã chết, hoặc đang định cư nước ngoài… Thế nên, không ít trường hợp TNGT nghiêm trọng dẫn chết người kéo dài nhiều năm mà hung thủ vẫn “ung dung tự tại” ngoài vòng pháp luật. Trong khi người vô tội phải chết oan uổng, hoặc tàn phế sống đời thực vật… Không chỉ có gia đình người bị hại mà xã hội phải chung gánh vác.

Có ý kiến cho rằng: “Đảm bảo trật tự ATGT, từng bước kéo giảm TNGT thì cơ quan chức năng, các ban, ngành và tổ chức đoàn thể cần đảy mạnh và thường xuyên hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục mọi người thực hiện VHGT, tích cực phê phán những hành vi thiếu đạo đức giao thông. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước về công tác sát hạch, đào tạo lái xe cũng cần tăng cường tài liệu giảng dạy về đạo đức của người lái xe, lấy đạo đức làm một trong những tiêu chí chuẩn mực để sát hạch cấp bằng lái”.

Xét xử lưu động sẽ tăng tính răn đe và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Phòng ngừa tội phạm cao, trong có tội phạm hình sự về TNGT. Hiện, Ban ATGT tỉnh đã có công văn đề nghị Toà án nhân dân tỉnh tăng cường tổ chức xét xử lưu động án hình sự về TNGT. Bởi, xét xử lưu động không chỉ là giải pháp mang tính răn đe mà qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT.

Theo đó, cuối năm nay và những năm tiếp theo, Tòa án nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau sẽ đưa ra xét xử lưu động những trường hợp liên quan đến uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây tai nạn, gây TNGT rồi điều khiển phương tiện bỏ trốn khỏi hiện trường, điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ gây tai nạn...

Trật tự ATGT sẽ khó ổn định lâu dài, TNGT sẽ không thể kéo giảm khi mà đạo đức giao thông vẫn được xem như là một “khái niệm” mà chưa được chuyển hoá bằng những hành động cụ thể trong đời sống xã hội

Điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

CHẤN PHONG