Dưới đây là một số thói quen xấu mà không ít lái xe thường xuyên gặp phải.
Để xăng trong bình xuống quá thấp
Nhiều lái xe cho rằng, nếu đổ đầy bình xăng thì chiếc xe phải “cõng” thêm khoảng 35 – 70 kg nữa, có nghĩa là sẽ bằng chở thêm một người lớn trên xe. Điều đó khiến chiếc xe ì và tốn nhiên liệu hơn.
Hoặc cũng có thể vì ngại vào cây xăng, do giá xăng cao hay vì quên đổ mà kim xăng của bạn luôn ở vạch “E”.
Để mức xăng quá thấp trong thời gian dài có thể khiến bạn phải trả giá đắt. Ảnh: Clark.com
Việc để mức xăng quá thấp không làm bạn tiết kiệm hơn mà có thể còn khiến bơm xăng bị hỏng. Lúc đó, chi phí phải “gánh” sẽ rất lớn.
Hiện nay, đa số bơm xăng của thế hệ các dòng xe mới đều được ngâm trong bình nhiên liệu và dùng chính nhiên liệu ấy để làm mát. Nếu bạn thường xuyên để mức nhiên liệu ở mức thấp, bơm xăng có thể bị quá nhiệt và hỏng nhanh hơn.
Các chuyên gia khuyên rằng, hãy cố gắng duy trì mức xăng ở mức 1/2 bình. Nếu đi đường dài, khi bình xăng còn khoảng 1/4 thì bạn nên tìm một trạm xăng và bổ sung ngay.
Đi ngay sau khi khởi động máy
Khi chiếc xe để qua đêm hoặc lâu không đi, dầu máy và các loại dầu nhờn, chất lỏng khác lắng xuống dưới. Khi khởi động xe, trục khuỷu bắt đầu quay với tốc độ khoảng 600 – 800 vòng/phút, mất vài giây để dầu được bơm đều đến các bộ phận của động cơ.
Do vậy, sau khi khởi động một khoảng thời gian nhất định thì động cơ cũng như các bộ phận khác mới hoạt động một cách trơn tru nhất.
Nhiều người có thói quen khởi động xe rồi lập tức di chuyển luôn. Ảnh: Blog.autocare.com
Tuy vậy, trên thực tế, nhiều người có thói quen khởi động xe rồi lập tức vào số cho xe di chuyển luôn. Điều này rất có hại cho động cơ bởi lẽ lúc này một số bộ phận còn chưa kịp được bôi trơn, khi xe di chuyển kéo theo vòng tua cao, sức tải nặng có thể làm nóng và mài mòn các chi tiết nhanh hơn.
Các chuyên gia về ô tô cho rằng, nếu không quá vội, bạn nên khởi động xe và để “nóng máy” ít nhất 30 giây rồi mới bắt đầu di chuyển, thời gian này có thể lâu hơn nếu vào mùa đông.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyên rằng, cũng không cần thiết phải để xe khởi động không tải quá lâu sẽ tốn nhiên liệu. Khoảng thời gian từ 30 giây đến 1 phút là đủ để động cơ hoạt động trơn tru và có thể bắt đầu hành trình của mình.
Quên dùng phanh tay
Một số trường hợp, người lái xe dừng xe ở số N nhưng quên hoặc nghĩ là không cần thiết phải kéo phanh tay. Khi dừng đỗ ở nơi dốc, chiếc xe có thể trôi mà người lái không biết hoặc không kịp phản ứng.
Trên thực tế, có trường hợp lái xe số sàn đã đỗ và ra khỏi xe rồi, chiếc xe mới từ từ lăn bánh và trôi đi. Hậu quả của việc sơ suất này thường rất nặng nề, có khi còn gây ra tai nạn cho xe khác. Do đó, ngay khi dừng xe, bạn nên kéo phanh tay để đảm bảo chiếc xe được cố định.
Ngay cả đối với xe số tự động, nên kéo phanh tay trước rồi mới vào số P để đỗ xe.
Ngay cả đối với xe số tự động, khi ở chế độ P, chiếc xe không thể di chuyển do trong hộp số tự động có một chi tiết giữ gọi là chốt đỗ (parking pawl) hoặc theo cách gọi của thợ sửa xe là bánh răng “cóc”.
Bánh răng này khá nhỏ và có thể bị mòn nếu phải chịu lực lớn. Khi đỗ xe, nếu dùng thêm cả phanh tay sẽ giúp chia sẻ nhiệm vụ làm chiếc xe đứng yên với chi tiết này, giúp gia tăng tuổi thọ hộp số.
Các chuyên gia cũng khuyên khi sử dụng xe số tự động, nên đỗ ngay ngắn, kéo phanh tay xong thì mới chuyển sang chế độ P để giảm thiểu tối đa mài mòn cho bánh răng “cóc”.
Tì tay lên cần số khi xe đang chạy
Nhiều lái xe có thói quen đặt một tay lên cần số khi xe đang di chuyển. Thói quen này đến từ việc phải liên tục thay đổi số khi sử dụng số sàn đi trong đô thị, hoặc cũng là để nghỉ tay. Đây cũng là thói quen không tốt cần phải bỏ ngay lập tức.
TÀI TRỢ
Việc bạn thường xuyên đặt tay lên cần số khi xe đang di chuyển sẽ vô tình tạo sức nặng lên các bộ phận truyền động khiến các bánh răng bị mòn nhanh, gây nên tổn hại bên trong, có thể dẫn tới rơ hộp số hoặc nặng hơn là hỏng hộp số.
Ngoài ra, việc tì một tay lên cần số khiến bạn khó khăn để xử lý, đánh lái khi gặp phải tình huống bất ngờ. Vì vậy, các chuyên gia lái xe an toàn khuyên bạn nên đặt cả hai tay vào vô-lăng và chỉ dùng tay để sang số khi cần.
Đánh vô lăng hết cỡ
Tì tay lên cần số khi xe đang chạy có thể làm mòn bánh răng, gây hỏng hộp số. Ảnh: Báo Nghệ An
Ở những đoạn đường phố chật hẹp, đôi khi lái xe phải đánh lái hết tầm vô-lăng để xoay sở. Tuy vậy, đây cũng là điều nên tránh vì nó sẽ làm hại chiếc xe của bạn.
Theo một số chuyên gia về ô tô, việc đánh lái hết vô-lăng sẽ làm tụt áp lực dầu trong bơm trợ lực, nếu giữ trạng thái đó trong thời gian dài có thể làm hỏng bơm trợ lực tay lái.
Vì thế, lái xe không nên đánh hết vô-lăng khi vào cua, đồng thời nên nhả vô lăng một chút ngay khi phát hiện đang đánh hết vô lăng để bảo vệ bơm trợ lực trên chiếc xe của mình.
Khi đỗ xe, bạn cũng nên trả thẳng vô-lăng. Ảnh: Brightside.me
Đồng thời, nên tạo thói quen trả vô-lăng thẳng lúc dừng, đỗ xe trong ga-ra, để cho bộ phận trợ lực của xe nghỉ ngơi hoàn toàn cũng như tránh va quệt có thể xảy ra khi chưa trả lái mà lái xe đã nổ máy, nhấn ga.
Chuyển về số N khi xe đang chạy
Nhiều lái xe có thói quen chuyển về số N ở xe số tự động khi đang chạy để tiết kiệm nhiên liệu. Đây là thói quen xấu có thể khiến hộp số bị giảm tuổi thọ đáng kể, nhất là khi chạy trên đường cao tốc, đường trường.
Cơ chế hoạt động xe số tự động là sẽ duy trì một vòng tua tiêu chuẩn cầm chừng (khoảng 700 vòng/phút) khi xe ở chế độ số N, trong khi nếu chạy với tốc độ khoảng 80 km/h, chiếc xe phải đạt vòng tua khoảng 1.500 - 2.000 vòng/phút
Sự chuyển số giữa D và N khi đang di chuyển khiến động cơ và hộp số phải chịu tác động tăng/giảm vòng tua đột ngột, điều này vô cùng hại cho hộp số.
Thậm chí, nhiều hãng xe đã khuyến cáo tuyệt đối không được chuyển số từ D sang N khi xe đang chạy. Trên một số dòng xe, việc chuyển sang chế độ N còn đồng nghĩa với một số tính năng an toàn trên xe sẽ “auto off”.
Một số chuyên gia cho rằng, bạn chỉ nên chuyển từ D sang N khi chiếc xe đã dừng hẳn (như khi chờ đèn đỏ hay dừng ở trạm soát vé chẳng hạn), không nên chuyển số khi xe đang chạy với tốc độ cao.
Rà phanh liên tục khi xuống dốc
Nhiều người cho rằng, rà phanh liên tục trong khi xuống dốc có vẻ là cách an toàn nhất để làm chủ tốc độ khi thả dốc. Đây là thói quen rất hay gặp ở những lái mới, còn ít kinh nghiệm.
Tuy nhiên, trong trường hợp dốc dài, việc rà phanh liên tục sẽ làm má phanh nóng lên và bị bào mòn nhanh chóng, có thể dẫn đến mất phanh, rất nguy hiểm.
Vì vậy, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là rà phanh rồi lại thả ra để vừa có thể kiểm soát tốc độ vừa bảo vệ hệ thống phanh xe đỡ bị hao tổn.
Đồng thời, các chuyên gia lưu ý đến các tài xế mới khi xuống dốc là nên đi số thấp nhằm lợi dụng lực hãm từ hộp số để giảm tốc độ chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào phanh xe.
Theo Vietnamnet