Đến nay đã có gần 220 nghìn phương tiện kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Không thể lọt qua “mắt thần”

Tại trung tâm dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN, ông Đỗ Công Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) chỉ lên màn hình lớn là tấm bản đồ số Việt Nam với lấm tấm các nốt “xanh - đỏ”. Theo ông Thuỷ, những nốt đỏ là các xe đang vi phạm, nốt xanh là xe hoạt động bình thường. Nếu muốn biết chi tiết chiếc xe đó vi phạm lỗi gì, chỉ cần click vào chấm đỏ sẽ hiển thị toàn bộ thông tin như: tốc độ, lộ trình, thời gian lái xe...

Khi được hỏi, việc tổng hợp và xử lý các trường hợp vi phạm như trên dựa trên cơ sở nào? Ông Thuỷ cho biết: “Đều căn cứ vào thông tư số 10 của Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Theo Thông tư này, các Sở GTVT sẽ có bộ phận theo dõi để xử lý, thu hồi phù hiệu đối với các vi phạm đã được lưu trữ, hiển thị trên hệ thống…”.

Ông Đỗ Công Thuỷ cho biết, theo quy định tại Thông tư số 10, nếu trong một tháng các phương tiện vi phạm tốc độ 5 lần/1 nghìn km xe chạy hoặc xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình, vi phạm thời gian lái xe liên tục sẽ bị thu hồi phù hiệu trong một tháng. Kể từ khi đẩy mạnh việc xử lý vi phạm qua TBGSHT, số lượng các vi phạm nêu trên đã giảm hẳn. Đây là kết quả rõ nhất của việc sử dụng dữ liệu TBGSHT để xử lý vi phạm. Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng phần mềm quản lý xe nhằm phát hiện các xe hợp đồng hoạt động trá hình. Toàn bộ hoạt động, lộ trình thực tế của các phương tiện đều được thể hiện trên bản đồ số và các dữ liệu này sẽ được đối chiếu với các thông tin do đơn vị kinh doanh vận tải đã báo cáo trước khi thực hiện hợp đồng.

Trước câu hỏi Tổng cục Đường bộ VN có tiến hành xử phạt trực tiếp các trường hợp vi phạm hay không? Ông Thuỷ cho biết: “Việc xử phạt là do các Sở GTVT quản lý trực tiếp các DN trên địa bàn thực hiện. Chỉ những trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng, có hành vi nguy hiểm, Tổng cục mới tiến hành trích xuất dữ liệu và yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra, xử lý”.

Theo số liệu từ Tổng cục Đường bộ VN, đến nay đã có gần 220 nghìn phương tiện kinh doanh vận tải lắp đặt TBGSHT. Khoảng trên 70% trong số đó truyền dữ liệu về hệ thống. 30% còn lại có nhiều lý do không truyền về như: xe nằm nhà không hoạt động, xe đi bảo dưỡng hoặc vì lý do khách quan xe không chạy trên đường… Vì thế, có thể nói, gần như toàn bộ phương tiện đang hoạt động trên đường đều được truyền dữ liệu về hệ thống.

Theo lộ trình lắp đặt tại Nghị định số 86, đến năm 2017 sẽ có khoảng 1 triệu xe thực hiện. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, kể từ khi triển khai hệ thống này, số lượng các phương tiện bị xử lý qua hệ thống dữ liệu TBGSHT ngày một tăng lên. Nhiều Sở GTVT đã tích cực sử dụng dữ liệu này phục vụ cho công tác quản lý vận tải.

Đơn cử, trong tháng 2 vừa qua, Sở GTVT Điện Biên đã quyết định thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 10 xe khách tuyến cố định vi phạm thời gian lái xe trong ngày của các nhà xe Xuân Long, HTX Tân Thanh, Công ty TNHH Thông Lan Điện Biên, DN Vận tải hành khách và hàng hoá Thành Chi. Việc thu hồi phù hiệu được thực hiện sau khi Sở GTVT Điện Biên kiểm tra, trích xuất dữ liệu TBGSHT và phát hiện các xe trên đã có từ 10% số ngày xe hoạt động trong đó lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục trong ngày.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong vận tải khách, Sở GTVT Hà Nội quy định, các DN sau khi cấp phù hiệu xong phải thông báo, truyền dữ liệu TBGSHT cho Sở GTVT trong ngày. Quá trình hoạt động, Sở GTVT có thể kiểm tra bất cứ lúc nào và nếu phát hiện xe chạy không đúng lộ trình, không đúng giờ xuất bến, lập tức làm việc với DN để làm rõ các trường hợp vi phạm. Khi đó, Sở GTVT sẽ yêu cầu DN kiểm tra để báo cáo giải trình về các trường hợp này.

Lắp đặt thiết bị GSHT là cần thiết để tăng hiệu quả quản lý, đảm bảo TTATGT

Xử phạt tăng, vi phạm giảm

Qua 3 năm triển khai hệ thống TBGSHT, đến nay, số lượng các phương tiện bị xử lý qua hệ thống dữ liệu này tăng lên nhanh chóng. Năm 2014 là năm đầu tiên sử dụng dữ liệu TBGSHT để xử phạt, số lượng bị xử lý khoảng 4.500 phương tiện. Đến năm 2015, đã có hơn 5.500 phương tiện bị xử lý thu phù hiệu, từ chối cấp phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến… Ngay trong 2 tháng đầu năm 2016, cũng có tới gần 600 phương tiện bị xử lý qua hệ thống dữ liệu TBGSHT.

Một lái xe khách trên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết, kể từ khi có TBGSHT, cánh lái xe gần như không dám chạy quá tốc độ, nếu vi phạm sẽ bị hệ thống lưu trữ dữ liệu ngay tại công ty lưu lại. Khi đó, không chỉ lái xe có thể bị CSGT xử phạt mà công ty cũng trừ lương. “Nếu để xảy ra vi phạm, bị CSGT xử phạt, lái xe phải chịu 70%. Không những thế, lỗi vi phạm của lái xe còn bị ghi lại trên hệ thống. Do công ty tính điểm thưởng nên những lái xe phạm nhiều lỗi trong tháng sẽ bị cắt thưởng hoặc trừ điểm thi đua, trừ lương”, lái xe này cho biết.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty CP công nghệ trực tuyến Sky Soft cho biết: “Hiện nay việc lắp đặt TBGSHT chủ yếu phục vụ nhu cầu quản lý của các DN. Như xe khách, xe buýt quản lý về hành trình, số khách trên xe; xe taxi quản lý số khách lên xuống xe để chống gian lận; xe tải, container quản lý xăng dầu, hành trình và thời gian vận chuyển hàng hoá… Bên cạnh những tính năng đó còn có các dữ liệu bắt buộc phải đảm bảo theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước như: tốc độ, hành trình, thời gian lái xe”.

Cũng theo ông Giang, đến nay, hầu hết các DN vận tải đều thấy được tác dụng của TBGSHT nên tình trạng đối phó, ngắt TBGSHT gần như không có. Trong trường hợp lái xe cố tình tác động để vô hiệu hoá thiết bị như: ngắt nguồn, làm hỏng thiết bị, dùng máy phá sóng… hệ thống quản lý dữ liệu của nhà cung cấp cũng sẽ ghi nhận đầy đủ các bất thường và dễ dàng xác định, cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ DN vận tải.

Theo dõi hoạt động của phương tiện tại Trung tâm dữ liệu TBGSHT tại Tổng cục Đường bộ VN
Điểm danh các địa phương không xử lý vi phạm qua thiết bị GSHT

Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở GTVT các tỉnh, thành đã xử lý vi phạm đối với 12.022 phương tiện; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 11.078 xe; thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải 2 đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 942 xe thông qua thiết bị giám sát hành trình(GSHT).

Chỉ tính riêng trong tháng 6, lực lượng chức năng đã xử lý 2.482 xe; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 2.406 xe; thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải 1 đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 75 xe.

Trong tháng 6/2017, bình quân có trên 78% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục. Thống kê của Tổng cục Đường bộ VN về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy của các địa phương cũng cho thấy, trong tháng 6, cả nước có gần 147.000 lần vi phạm tốc độ; tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,120 lần/1.000km, tăng trên 15% so với tháng 5/2017. Luỹ kế đến hết tháng 6, cả nước có tổng số 478.000 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,088 lần/1.000km, giảm trên 46% so với cùng kỳ năm 2016.

Những tháng đầu năm 2017, vẫn còn 11 tỉnh không xử lý vi phạm qua thiết bị GSHT

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, để tiếp tục thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT tăng cường theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định tại Thông tư số 10 của Bộ GTVT.

Đáng lưu ý theo ông Huyện, những tháng đầu năm, qua thống kê có 11 địa phương chưa thực hiện xử lý vi phạm hoặc có xử lý nhưng số lượng phương tiện bị xử lý rất ít gồm: Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Điện Biên, Phú Yên, Sóc Trăng, Sơn La, Trà Vinh, Tuyên Quang. Vì vậy, Tổng cục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo Sở GTVT thực hiện theo dõi, kiểm tra và xử lý vi phạm qua dữ liệu từ thiết bị GSHT theo đúng quy định.

Theo Báo Giao thông, VNPT – Trackinh