Trong quý I năm 2017 các lực lượng chức năng cùng các cơ quan báo, đài trong tỉnh đã phối hợp điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm 102 trường hợp xe dù, 03 bến cóc, với số tiền hơn 100 triệu đồng, đề nghị tước 47 phù hiệu xe hợp đồng.
Gần đây trong các cuộc họp hay các chỉ đạo về đảm bảo trật tự an toàn giao thông việc xe dù, bến cóc vẫn là vấn đề rất được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ phía lãnh đạo Ban An toàn giao thông cũng như các lực lượng chức năng. Việc đáng lo ngại là sau khi xử lý thì các xe dù, bến cóc sẽ tái phát trở lạibởi nhiều lý do, trong đó có một lý do mà rất cần sự phối hợp của hành khách để chấm dứt việc tái vi phạm đó là“tiện đường”. Việc rất nhiều người cứ tiện đâu là bắt xe ở đó mà không chịu vào bến, điều này dẫn đến tình trạng giống như có “cung”, có “cầu”, việc hành khách có nhu cầu thì nhà xe đáp ứng và nhà xe đáp ứng được thì hành khách lại tiếp tục có nhu cầu và họ đã rơi vào “vòng tròn” vi phạm pháp luật giao thông.
Điều này chứng tỏ, muốn dẹp triệt để bến cóc, xe dù, xe hợp đồng trá hình ngoài sự tập trung vào cuộc của các cơ quan chức năng, còn rất cần đến sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các bến cóc tự phát. Quan trọng hơn nữa, đó là phải tuyên truyền để hành khách biết việc đi trên các xe dù, xe hợp đồng trá hình không được bảo vệ quyền lợi như các tuyến xe cố định.
Ban ATGT tỉnh