Phần thực hành nếu được học bài bản và cẩn thận sẽ giúp thí sinh dễ dàng đỗ xe trong thực tế - Ảnh: K.Linh

Có bằng vẫn chưa tự tin lái xe

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Nội), người vừa lấy bằng lái ô tô chia sẻ, qua người quen, anh được giới thiệu một giáo viên để học lái xe. “Tôi cùng 3 người khác học chung một xe của chính giáo viên này. Tất cả các thủ tục nhập học, đóng học phí đều được giáo viên làm giúp. Dù trung tâm đăng ký học ở Bắc Ninh nhưng khi học sa hình chúng tôi lại được học một bãi tập ở Hà Nội, trước ngày thi có vài buổi lên trung tâm để học làm quen với sân bãi”, anh Tuấn nói.

“Với mức học phí phải nộp 6 triệu đồng, tôi cùng những người khác được học 10 buổi thực hành, trong đó có 6 buổi học trong sa hình, 2-3 buổi đi dã ngoại ngoài đường và 4 người thay nhau lái. Nếu chia đều, mỗi người sẽ không đủ thời gian “ôm” vô lăng 84 giờ như quy định. Thực tế, cầm tấm bằng lái trên tay, tôi vẫn chưa tự tin để lái xe ra đường”, anh Tuấn nói.

"Phải siết chặt chương trình đào tạo, quản lý chặt học viên, chấm dứt tình trạng “năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Trong chương trình đào tạo lái xe phải bổ sung chương trình đào tạo về các tình huống và kỹ năng nhận diện tình huống, kể cả đối với giáo viên”.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Khuất Việt Hùng

Trường hợp của anh Tuấn không phải cá biệt. Gần như đại bộ phận học viên sau khi tốt nghiệp đào tạo lái xe đều thừa nhận không đủ tự tin và thuần thục để lái xe ngay. Nhiều người sau đó phải thuê thêm thày dạy phụ đạo trong nhiều ngày mới dám cầm vô lăng.

Đáng nói, trong khoảng chục năm trở lại đây, khi chủ trương xã hội hóa được thực hiện đã nở rộ nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Các trung tâm đua nhau hạ giá để thu hút học viên, tìm mọi cách để không lỗ. Chỉ cần gõ từ khóa “đào tạo lái xe B2” trên công cụ tìm kiếm Google, hơn 2,4 triệu kết quả sẽ hiện ra trong vòng 0,4 giây với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn như “hỗ trợ đỗ 100%”, “chỉ 4,9 triệu, đỗ 100%”, “có bằng nhanh, học là đậu”. Qua khảo sát, hầu hết các trung tâm cam kết chỉ thu học phí trọn gói từ 5 - 6 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Lưu, giáo viên dạy lái xe có thâm niên tại Hà Nội khẳng định, với mức học phí được quảng cáo trên mạng trọn gói cho bằng lái xe hạng B2, chắc chắn không đủ để học viên được trang bị những kỹ năng cơ bản. “Với mức học phí chỉ 6 triệu, chỉ đủ thời gian học trong sa hình để thi, hoàn toàn không có kỹ năng lái xe trên đường, để đào tạo đủ cho một học viên có thể cầm lái cần ít nhất 30 giờ học thực hành. Hiện tại, khiến cả người học và người dạy đều chú trọng học trong sa hình để thi đậu. Điều này giúp tỷ lệ đỗ cao hơn, nhưng kỹ năng lái xe và kinh nghiệm tích lũy được trên đường trường lại rất hạn chế, trong khi thực tế giao thông vô cùng phức tạp, không có cách rèn luyện nào tốt hơn là qua trải nghiệm với các tình huống và cung đường ở điều kiện khác nhau”, anh Lưu nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định số học viên bình quân trên một xe tập lái hạng B2 là 5 người, tổng số giờ học thực hành lái xe trên một xe tập lái hạng B2 là 420 giờ và tương ứng của một học viên là 84 giờ. Như vậy, trong khóa học, mỗi học viên phải đảm bảo học đủ 84 giờ và 1.100km học thực hành lái xe.

“Hiện đào tạo lái xe đang có tình trạng cạnh tranh giá đào tạo, trong khi chưa có kiểm tra, giám sát. Công tác đào tạo cũng như sát hạch lái xe ô tô chất lượng đã được nâng lên, tuy nhiên ở một số cơ sở đào tạo, sát hạch, việc giám sát chưa chặt chẽ. Vì vậy, lần này Tổng cục sẽ tập trung vào giải pháp quản lý nhà nước trong giám sát đào tạo, sát hạch, cấp GPLX”, bà Hiền nói.

Dùng công nghệ để giám sát

TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, khó nhất hiện nay là làm đồng bộ giữa các địa phương, tránh tình trạng một trung tâm đào tạo, sát hạch hay một địa phương làm chặt thì người học, người thi sẽ tìm đến trung tâm lỏng hơn.

Trong cuộc họp về công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX do Bộ GTVT tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải rà soát lại nội dung đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành. Để đảm bảo chất lượng sát hạch cần cung cấp thông tin cơ bản như những lỗi đơn giản mà nguy hiểm và những tình huống, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người học. 

“Phải nâng cao chất lượng tập huấn đối với giảng viên và sát hạch viên phải yêu cầu chặt chẽ, tài liệu tập huấn cho đối tượng này cần ở tầm cao hơn, không chỉ thuần túy là kỹ năng lái xe mà còn là kỹ năng giảng dạy, sư phạm, biết đọc tình huống, phân tích tình huống một cách tỉ mỉ, dễ hiểu, để vừa thày, vừa là bạn đối với học viên để chia sẻ, nắm bắt giảng dạy cho học viên”, ông Minh nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh Thủy, Phú Thọ cho rằng, việc xây dựng giáo trình cần phải để người học cảm thấy hứng thú, cuốn hút. Muốn làm được vậy, cần phải sử dụng ngôn ngữ hiện đại, cấu trúc bộ đề cần tăng thêm tính nghệ thuật, thậm chí hài hước. “Giáo trình cần phải tăng số lượng biển báo như đường cao tốc ngày càng đẹp, tốc độ chạy xe ngày càng cao, việc đọc chữ ở biển báo trên đường rất khó. Vì vậy, tăng số lượng biển báo trong bộ giáo trình sẽ giúp lái xe mở rộng kiến thức nhận biết biển báo, rèn cho lái xe phát hiện các tuyến đường mới, quá trình điều khiển không bị bất ngờ, bị động”, ông Sơn nói thêm.

Để nâng cao chất lượng công tác này, bà Hiền cho biết, trong quản lý đào tạo, thời gian tới sẽ có bước đổi mới chặt chẽ hơn, trong đó đặc biệt chú ý giám sát việc học luật giao thông và đưa thiết bị công nghệ để giám sát thời gian thực hành của lái xe bằng việc đưa thiết bị giám sát hành trình, sẽ đảm bảo giám sát được thời gian học thực hành thực tế 84 giờ hoặc trên 1.000km như quy định. Đây sẽ là những nội dung căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo bà Hiền, từ 1/1/2019 sẽ áp dụng giáo trình đào tạo lái xe mới tăng từ 450 câu lên thành 500 câu với nhiều nội dung mới. Trong đó đặc biệt, giáo trình mới sẽ tăng cường áp dụng công nghệ liên quan đến cấu tạo xe ô tô cũng như kỹ năng thực hành lái xe ô tô.

Theo atgt.vn