Kiểm soát hành trình về cơ bản vẫn hoạt động như khi được lắp đặt lần đầu tiên trên chiếc Chrysler Imperial 1958, nhưng các thiết bị điện tử hiện đại đang ngày càng hoàn thiện công nghệ này.
Nhiệm vụ chính của kiểm soát hành trình là duy trì tốc độ mà người lái chọn mà không cần phải giữ chân trên bàn đạp ga. Gần như tất cả các xe đang lưu hành trên đường hiện nay đều dựa vào mô-đun điều khiển điện tử - máy tính – để theo dõi tốc độ của xe và điều chỉnh lại khi cần thiết để giữ tốc độ đã chọn bất kể độ dốc của đoạn đường ra sao.
Nhiều tài xế suy nghĩ sai lầm về hệ thống kiểm soát hành trình trên ô tô. Ảnh minh họa
Tài xế có thể kích hoạt kiểm soát hành trình bằng một cần ở trụ lái hoặc một vài nút bấm trên vô lăng. Hệ thống sẽ bao gồm một nút bật – tắt; một bảng các nút để lựa chọn tốc độ người lái muốn duy trì; và một số nút có dấu “+” và “-“ để tăng hoặc giảm tốc sau khi thiết lập.
Một nút hủy bỏ “cancel” sẽ giúp thoát khỏi hệ thống mà không hoàn toàn tắt đi hẳn, cho phép xe vẫn tiếp tục tiến vào lề đường. Một chức năng hoặc nút "resume" (tiếp tục) sẽ đưa chiếc xe trở lại tốc độ đã đặt trước đó.
Phanh hoặc nhấn côn bất cứ lúc nào cũng sẽ giúp dừng kiểm soát hành trình. Nếu cần vượt lên trước nhanh chóng, bạn luôn có thể ghi đè tốc độ đang duy trì đơn giản bằng cách nhấn bàn đạp ga.
Các chuyên gia đào tạo lái xe của các hãng cho biết, họ nhận được nhiều câu hỏi về hệ thống kiểm soát hành trình như cách sử dụng, lợi ích. Tuy vậy, nhiều tài xế chưa hiểu chính xác về hệ thống này.
Kiểm soát hành trình luôn luôn tiết kiệm nhiên liệu?
Cruise Control là kiểm soát tốc độ (ga tự động) chứ không phải kiểm soát nhiên liệu tiêu thụ. Nhiệm vụ của hệ thống này là duy trì tốc độ mà tài xế lựa chọn mà không cần quan tâm tới những yếu tố khác. Vì vậy, khi gặp đường lên dốc cao xe sẽ tăng cường ga để bù lại phần giảm tốc do trọng lực. Điều đó đồng nghĩa với việc, nhiên liệu tiêu tốn sẽ nhiều hơn.
Nếu là tài xế chủ động, có thể lợi dụng quán tính của lần xuống dốc trước để lên dốc sau, tính toán dải tốc độ phù hợp để không phải đạp quá nhiều ga mà xe vẫn đạt được khả năng vận hành mong muốn. Điều này Cruise Control không thể làm. Tuy vậy, nếu chỉ xét trên đường bằng phẳng, thông thoáng như cao tốc, đi bằng kiểm soát hành trình có khả năng tiết kiệm nhiên liệu hơn. Bởi lẽ, khi đó vòng tua máy sẽ ổn định hơn so với tài xế chủ động chân ga.
Do đó, cần tìm hiểu rõ về tác dụng hữu ích của hệ thống này mới có cách tiết kiệm nhiên liệu tối đa không ngược lại sẽ lãng phí nếu quá dựa dẫm vào nó.
Tốc độ xe luôn giữ như tốc độ tài xế thiết lập?
Điều này chỉ đúng khi đi đường bằng phẳng hoặc lên dốc. Khi đó xe can thiệp bằng ga để giữ tốc độ. Tuy vậy, khi xuống dốc, tốc độ xe sẽ lớn hơn, vì ngoài tốc độ cruise control đang duy trì, còn có thêm quán tính.
Ví dụ, xe đang duy trì 90 km/h, bất ngờ đường dốc xuống, khi đó tốc độ sẽ tăng lên khoảng 5 km/h, tức ngưỡng 95 km/h, nếu dốc dài có thể lên tới 100 km/h. Nhưng lúc này xe không còn bơm ga, chỉ đơn thuần do lực kéo của quán tính.
Hiện nhiều xe còn có công nghệ kiểm soát hành trình tùy chỉnh (Adaptive Cruise Control). Xe sử dụng radar để quét vùng không gian phía trước giúp duy trì khoảng cách tới xe phía trước bằng cách tự phanh. Ví dụ: khi bạn chạy cruise control 100 km/h, khoảng cách 80 m với xe phía trước. Nếu xe trước đi chậm lại, xe tự động phanh để chạy chậm lại, vẫn duy trì khoảng cách. Sau đó khi xe trước tăng tốc trở lại xe cũng sẽ tăng tốc theo. Tất nhiên, tốc độ tối đa không vượt quá mức 100 km/h đã thiết lập.
Sử dụng kiểm soát hành trình trên ô tô như thế nào cho chuẩn và an toàn?
Trước những hiểu nhầm nhiều tài xế vẫn nghĩ các chuyên gia cho rằng, cần phải hiểu đúng về hệ thống kiểm soát hành trình trên ô tô để có cách sử dụng chuẩn và hiệu quả nhất, tránh hiểu nhầm dẫn tới những rủi ro không đáng có.
Luôn luôn cảnh giác và nhận thức rõ về những phương tiện giao thông xung quanh, và luôn sẵn sàng giành quyền kiểm soát phanh hoặc vô lăng khi gặp chướng ngại vật, những lái xe thiếu tập trung, hoặc tình huống khẩn cấp.
Hãy nghĩ rằng kể cả những hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng hay bán tự động đều là “ngu ngốc”.
Những hệ thống này được thiết lập bởi con người và có thể phản ứng ngoài dự đoán trong những trường hợp không lường trước được. Mưa, tuyết và sương mù có thể che khuất tín hiệu radar và gây nhầm lẫn cho máy ảnh hoặc cảm biến, đôi khi còn có thể vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng. Cũng giống như kiểm soát hành trình thông thường, với hệ thống kiểm soát hành trình tiên tiến thì tài xế phải luôn sẵn sàng giành quyền kiểm soát hoàn toàn ở mọi thời điểm.
Kiểm soát hành trình vẫn phù hợp nhất để sử dụng trên đường cao tốc và trong điều kiện giao thông thông thoáng. Nếu xe sử dụng kiểm soát hành trình thông thường (không thích ứng), hãy thiết lập một khoảng cách thích hợp với những xe phía trước, và sẵn sàng thoát khỏi hệ thống bằng cách phanh hoặc nhấn "cancel" khi xe tiến sát xe khác hoặc gặp giao thông đông đúc.
Không sử dụng kiểm soát hành trình trong điều kiện địa hình trơn trượt như tuyết hoặc băng giá hoặc đường ngập nước mưa với những vũng nước sâu.
Hầu hết các hệ thống hành trình sẽ cố gắng duy trì tốc độ cho đến khi lái xe can thiệp, và trên những con đường trơn trượt có thể khiến xe mất lực kéo trong giây lát, làm lật xe và có khả năng gây ra tai nạn. Hãy sử dụng kiểm soát hành trình như là một tiện ích giúp tiết kiệm sức lao động đơn giản – nhưng vẫn cần phải được kiểm soát - và người lái sẽ có thể tận hưởng những chuyến đi thoải mái, an toàn.
Theo Vietnamnet