Biểu đồ tỷ lệ giải ngân vốn ODA từ 1/1/2019 đến 31/8/2019 của một số Bộ. Đồ họa: Nguyễn Tường. Ảnh: K.Linh

Bộ GTVT sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nếu để xảy ra chậm trễ, không đảm bảo tiến độ giải ngân, không giao thêm việc và đưa vào đánh giá xếp hạng chủ đầu tư, ban quản lý dự án năm 2019.

Vẫn nhiều dự án giải ngân chậm

Được giao kế hoạch giải ngân năm 2019 hơn 2.100 tỷ đồng vốn ODA cho dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội là cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tính đến giữa tháng 8/2019, kết quả giải ngân hai 2 gói thầu xây lắp của công trình còn đạt thấp so với kế hoạch dự kiến. Trong đó, gói thầu số 1 giải ngân được 443/1.122 tỷ đồng (đạt 39,4%), gói 2 giải ngân 403,3/1.044 tỷ đồng (đạt 38,6,84%).

Đại diện Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư dự án) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân của dự án chưa cao trong 8 tháng đầu năm. Đầu tiên là điều kiện mặt bằng của dự án thay đổi nên dự án phải thực hiện một số nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật cần thời gian phê duyệt điều chỉnh để triển khai thi công. Hơn nữa, việc vận chuyển dầm lớn khoảng 100 tấn phải sử dụng xe siêu trường, siêu trọng nên thủ tục cấp phép kéo dài, đến giữa tháng 4/2019 mới được cấp giấy phép dẫn đến việc triển khai thi công lắp đặt các nhịp cầu và bản mặt cầu bị chậm.

“Đến nay, cơ bản mặt bằng của dự án đã được TP Hà Nội bàn giao cho các nhà thầu. Chúng tôi đã thống nhất với nhà thầu, tư vấn về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân cho dự án. Dự kiến, từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng sản lượng thi công đạt khoảng 100 tỷ đồng. Hiện nay, máy móc, nhân sự của các nhà thầu đã rải đều trên toàn tuyến, chúng tôi đảm bảo công trình hoàn thành vào tháng 9/2020 theo hợp đồng”, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết.

Liên quan đến kết quả giải ngân chung của đơn vị, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, năm 2019, Ban được giao kế hoạch 3.770 tỷ đồng, đến ngày 15/8/2019 đã giải ngân được 906 tỷ đồng (đạt 43,2%) kế hoạch.

Một đơn vị khác cũng có kết quả giải ngân thấp, thậm chí phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 2019 là Ban QLDA 6. Theo thông tin của Báo Giao thông, năm 2019, đơn vị này được giao tổng số 2.437 tỷ đồng, gồm: 871 tỷ đồng vốn ODA, 215 tỷ đồng vốn đối ứng, 6 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 1.345 tỷ đồng vốn TPCP. Trong đó, riêng hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt là 960 tỷ đồng đã phân bổ cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (chủ đầu tư tiểu dự án GPMB) 790 tỷ đồng và các tiểu dự án GPMB thuộc dự án cầu yếu là 75 tỷ đồng, phần còn lại Ban QLDA6 trực tiếp giải ngân là 1.572 tỷ đồng.

“Tính đến ngày 5/9/2019, Ban QLDA 6 đã giải ngân được 634/1.572 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch được giao. Đối với dự án cầu yếu, chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019 là 150 tỷ đồng. Số vốn còn lại sau điều chỉnh giảm còn 1.422 tỷ đồng, chúng tôi sẽ phấn đấu giải ngân hết trong năm 2019”, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết.

Tình trạng chậm giải ngân vốn kế hoạch năm 2019 cũng diễn ra tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, đơn vị được giao 1.502 tỷ đồng (chủ yếu cho 2 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm) và 114,8 tỷ đồng vốn kế hoạch 2018 kéo dài. Từ đầu năm đến cuối tháng 8/2019, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được 184 tỷ đồng vốn TPCP, trong đó vốn 2018 kéo dài 88,2 tỷ đồng đạt 71% kế hoạch, vốn năm 2019 giải ngân được 96,14 tỷ đồng, đạt 6,4% kế hoạch.

“Vốn chủ yếu giải ngân chi phí tư vấn, rà phá bom mìn,… nên giá trị chưa nhiều. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung giải ngân GPMB và xây lắp, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2019”, ông Hoàng cho hay.

Không chỉ lĩnh vực đường bộ, một số dự án thuộc các lĩnh vực đường sắt (Cát Linh - Hà Đông), hàng hải (dự án cảng Lạch Huyện),… cũng diễn ra tình trạng giải ngân chậm. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Anh, Giám đốc Ban QLDA Hàng hải cho biết, năm 2019, đơn vị được giao 2.087 tỷ đồng, chủ yếu giải ngân cho dự án cảng Lạch Huyện. “Trong 8 tháng đầu năm 2019, chúng tôi đã giải ngân được 765 tỷ đồng, đạt khoảng 36,6% kế hoạch”, ông Trần Anh nói và cho biết, kết quả giải ngân trong những tháng đầu năm chưa cao do vướng mắc về thủ tục mở tín dụng thư thanh toán vốn nước ngoài cho dự án.

Từ nay đến cuối năm, cần giải ngân gần 20 nghìn tỷ

Tình trạng giải ngân chậm cũng diễn ra tại dự án cảng Lạch Huyện (Trong ảnh: Thi công hợp phần A cảng Lạch Huyện). Ảnh: Cường Bùi

Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, tính đến ngày 31/8/2019, Bộ GTVT mới giải ngân được khoảng 6.857 tỷ đồng, đạt 27,4% kế hoạch vốn đã được giao (25.017 tỷ đồng). “So với dự kiến giải ngân đã xây dựng từ đầu năm, kết quả giải ngân đạt thấp hơn số dự kiến khoảng 3.435 tỷ đồng. Riêng tháng 8/2019, Bộ GTVT giải ngân thêm được 1.320 tỷ đồng, chậm 310 tỷ đồng so với dự kiến và chưa bù được số 3.125 tỷ đồng chậm giải ngân đến hết tháng 7/2019”, ông Lâm thông tin.

Cũng theo ông Lâm, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân chưa cao do việc bổ sung kế hoạch vốn chậm, các dự án cần có thủ tục mới giải ngân được số vốn mới giao. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến kết quả giải ngân của Bộ GTVT trong 8 tháng đầu năm 2019 không đạt dự kiến. Cụ thể, các dự án cảng Lạch Huyện, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông gặp vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong khâu thanh quyết toán các dự án hoàn thành.

Nhiều dự án gặp vướng mắc trong quá trình triển khai đấu thầu như: Dự án mở rộng các cầu trên QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, dự án tín dụng ngành GTVT giai đoạn 2. “Ngoài ra, dự án QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, dự án mở rộng tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Tân An,… gặp vướng mắc mặt bằng. Dự án tuyến tránh Kon Tum chậm vì thời tiết bất lợi. Còn lại, các dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thi công cũng là nguyên nhân khiến kết quả giải ngân chưa đạt được dự kiến đề ra”, ông Lâm chia sẻ.

Lãnh đạo Vụ KH-ĐT cho biết, từ nay tới cuối năm 2019, Bộ GTVT cần phải tiếp tục giải ngân khoảng 19.905 tỷ đồng; gồm: 1.500 tỷ đồng chưa được giao kế hoạch và 18.405 tỷ đồng đã được giao kế hoạch nhưng chưa giải ngân. “Vụ KH-ĐT đã tổng hợp kết quả, nhiệm vụ giải ngân kế hoạch của từng dự án, từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án để lãnh đạo Bộ GTVT, Cục QLXD&CLCTGT, các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thi công của từng dự án, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân của các dự án cũng như toàn bộ kế hoạch giải ngân của Bộ GTVT”, lãnh đạo Vụ KH-ĐT chia sẻ.

Về phía các chủ đầu tư, ông Dương Viết Roãn cho biết, trong các tháng cuối năm 2019, Ban QLDA Thăng Long sẽ chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu khẩn trương, quyết liệt triển khai thi công và cung cấp thêm tài chính, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân quyết toán. “Chúng tôi sẽ tăng cường làm việc với các địa phương để giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, phấn đấu giải ngân đạt kết quả cao nhất so với kế hoạch vốn đã giao”, ông Roãn cho biết.

Ông Trần Anh cũng cho rằng, hiện nay, các vướng mắc đã được tháo gỡ, dự án đã được điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư. Trong tháng 9 - 10/2019, chúng tôi dự kiến giải ngân khoảng 600 tỷ đồng, tháng 11 khoảng 535 tỷ đồng, còn lại 64 tỷ đồng sẽ giải ngân trong tháng 12/2019. “Tôi khẳng định, toàn bộ số vốn kế hoạch 2019 sẽ được Ban QLDA Hàng hải giải ngân hết trong năm nay”, ông Trần Anh nói.

Sẽ xử nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018, giải ngân 8 tháng đạt 44,24% kế hoạch Quốc hội giao và 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo báo cáo, vẫn còn 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% như: Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…


Liên quan đến công tác giải ngân, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhiều lần chỉ đạo quyết liệt. Theo Bộ trưởng, tiến độ giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào các ban QLDA. Ban QLDA chính là đơn vị ký hợp đồng với các bên liên quan và sử dụng tiền để triển khai. “Đơn vị nào giải ngân dưới 95%, Bộ GTVT sẽ không giao thêm nhiệm vụ trong năm tới. Đặc biệt, nếu kết quả giải ngân không đạt từ 95% trở lên, toàn bộ lãnh đạo của các ban QLDA đều không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Mới đây nhất, Bộ GTVT đã có văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, đôn đốc tiến độ thi công và giải ngân các dự án do Bộ GTVT quản lý trong 4 tháng cuối năm 2019. “Các chủ đầu tư, ban QLDA cần chỉ đạo nhà thầu lập tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục, khối lượng công việc còn lại của dự án; huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu, làm tăng ca, tăng mũi thi công để triển khai đáp ứng tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA phải thường xuyên kiểm soát tiến độ thực tế, trường hợp các gói thầu, dự án không có chuyển biến tích cực, không đáp ứng tiến độ, phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời hoặc bổ sung, thay thế nhà thầu để triển khai thi công đáp ứng tiến độ, đảm bảo kế hoạch giải ngân theo yêu cầu. “Bộ GTVT sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân các chủ đầu tư, ban QLDA nếu để xảy ra chậm trễ, không đảm bảo tiến độ giải ngân và đưa vào đánh giá xếp hạng chủ đầu tư, ban QLDA năm 2019”, văn bản của Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA rà soát tổng thể tình hình nghiệm thu thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành đối với từng gói thầu, dự án, những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành của từng gói thầu, dự án; kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà thầu về hồ sơ thủ tục nghiệm thu, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của dự án.

Theo baogiaothong.vn