Theo chuyên gia giao thông, càng phạt cao càng có tính răn đe cao nhưng đi đôi phải là tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng. Đây chính là cách để tài xế bảo vệ chính tài xế và cả cộng đồng xã hội, ngăn chặn mối đe doạ về tình hình trật tự xã hội.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể:

Đối với hành vi vi phạm khi điều khiển xe trên cao tốc:

Tăng mức phạt từ từ 800.000–1,2 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với hành vi lùi xe trên cao tốc.

Quay đầu trên đường cao tốc tăng từ 800.000–1,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng lên 5-6 triệu đồng và tước bằng lái xe 2-4 tháng. 

Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn tăng mức phạt từ 300-400 nghìn đồng lên 800.000-1,2 triệu đồng.

Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định tăng mức xử phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng, tước bằng lái 1-2 tháng lên mức phạt 2-3 triệu đồng và tước bằng lái 2-4 tháng.

Hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định được tăng mức phạt từ 7-8 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng, lên mức 16-18 triệu đồng và tước bằng lái 4-6 tháng.

Hình ảnh vụ xe container tông xe Innova lùi xe trên cao tốc khiến 4 người chết và 6 người khác bị thương xảy ra vào tháng 5/2018, gây rúng động dư luận.

Đối với hành vi điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu:

Tăng thời gian tước bằng lái từ 1-3 tháng lên 10-12 tháng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá từ 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tước bằng lái 4-6 tháng lên mức phạt 26-30 triệu đồng và tước bằng lái 10-12 tháng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ điều chỉnh tăng mức phạt từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng lên 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ, phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng, lên 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy tăng mức phạt từ 16-18 triệu, tước bằng lái xe 22-24 tháng, lên 26 đến 30 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng.

Đối với người điều khiển xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng, lên mức 5-7 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở tăng từ 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng lên mức 5-7 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Ngay sau khi dự thảo đề xuất được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, với những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện và biết rõ hành vi đi lùi trên cao tốc có thể gây tai nạn rất nghiêm trọng những vẫn cố tình là hành vi phạm tội. 

Mức phạt tăng từ 16 – 18 triệu đồng đối với hành vi này chỉ bằng với mức phạt cao nhất hành vi lái xe có nồng độ cồn hiện tại. Vì vậy, cần được xử như tội phạm sẽ ổn hơn, không thể chờ đến khi có hậu quả nghiêm trọng mới áp dụng khung hình phạt nặng.

Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, càng phạt cao càng có tính răn đe cao, nhưng đi đôi phải là tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng. Đây chính là cách để tài xế bảo vệ chính tài xế và cả cộng đồng xã hội, ngăn chặn mối đe doạ về tình hình trật tự xã hội.

Quan điểm về việc sửa đổi này, ngày 30/5, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông là tăng mức xử phạt đối với các hành vi cấm khi điều khiển xe.

“Nếu có thể, Bộ GTVT hãy tăng mức xử phạt các hành vi cấm khi điều khiển xe tham gia giao thông lên mức cao nhất. Bởi nhìn thực trạng giao thông ở thời điểm hiện nay, nhất là những vụ tai nạn thảm khốc chưa có dấu hiệu dừng thì không có cách nào khác là tăng mức xử phạt lên cao nhất. 

Càng phạt cao càng có tính răn đe cao, nhưng đôi phải là tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng. Đây chính là cách để tài xế bảo vệ chính tài xế, và bảo vệ cả cộng đồng xã hội, ngăn chặn mối đe doạ về tình hình trật tự xã hội, cộng đồng”, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên thẳng thắn.

Theo giadinh.net.vn