Quý I năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình TTATGT 07 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20 - 26/01/2023) cơ bản được đảm bảo, số vụ và số người chết do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (số vụ giảm 7,3% và số người chết giảm 3,3%), đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong dịp Tết giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản. Đạt được những kết quả trên là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT. Bộ Công an đã có Kế hoạch về bảo đảm TTATGT trong toàn lực lượng Công an; Cảnh sát giao thông của Bộ Công an và các địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phối hợp với các lực lượng liên quan tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, nhất là duy trì kiểm tra, xử lý hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý xuyên suốt trong dịp Lễ, Tết.... có vai trò quan trọng trong kéo giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán Quý Mão. Ngành Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm đổi mới, điều chỉnh kịp thời tổ chức giao thông; chủ động rà soát, phát hiện, đồng thời tiếp thu kiến nghị của lực lượng CSGT, chính quyền địa phương, báo chí và người dân để xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong xử lý dứt điểm các bất cập, hạn chế trong lĩnh vực đăng kiểm. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT trong đợt cao điểm.

Lực lượng CSGT Cà Mau tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự an toàn giao thông. 

Về công tác tuyên truyền, giáo dục được quan tâm, triển khai thực hiện có chiều sâu, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2023 và cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; phối hợp với Bộ GD & ĐT cùng Ban ATGT và Công ty Honda Việt Nam tổ chức trao 620.000 Mũ bảo hiểm cho toàn bộ học sinh lớp Một và Lớp Hai ở Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ; phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và THACO tổ chức Giải Marathon Vì An toàn Giao thông năm 2023; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT; Bộ Công an triển khai Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT năm 2023; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Lễ phát động năm an toàn giao thông 2023. Tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/3/2023, các chủ đề liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT được các báo, tạp chí điện tử đưa tin là: 31.029 tin, bài. Ngoài ra, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền đảm bảo TTATGT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Về công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường, Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành Kế hoạch số 24 về kiểm tra đôn đốc công tác bảo đảm TTATGT trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023 tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Hòa Bình. Đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia đã trực tiếp kiểm tra công tác phục vụ hành khách tại bến xe phía Nam, ga Hà Nội trong ngày 30 Tết. Bộ GTVT đã triển khai 04 đoàn kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm TTATGT, gồm: kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hoá, kho hàng hóa; kiểm tra công tác quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại một số cảng hàng không, sân bay; kiểm tra công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý tài sản đường sắt; quản lý hoạt động vận tải; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái tàu; công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt. Từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/3/2023, Cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện hơn 17.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính gần 10.000 vụ với số tiền xử phạt trên 50,9 tỷ đồng; tạm giữ 54 ô tô; đình chỉ hoạt động 09 bến và 14 phương tiện thủy nội địa; giám sát 208 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 141 kỳ sát hạch lái xe mô tô. Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào 05 chuyên đề, cụ thể: Chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; Chuyên đề “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; Chuyên đề “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; Chuyên đề “vi phạm tốc độ”; Chuyên đề “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”. Các chuyên đề trên đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực trong kéo giảm TNGT trên toàn quốc. Kết quả: lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 750.000 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng, tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 225.000 phương tiện các loại. Trong đó, có gần 152.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 472 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy; 1.016 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện v.v....

          Công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT). Quý I năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 06 công trình, dự án mới; phê duyệt Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2023 đối với hệ thống quốc lộ, Đường thủy nội địa, Hàng hải, Đường sắt, Hàng không, trong đó: lĩnh vực đường bộ: phê duyệt 790 tỷ đồng/161 công trình để xử lý các điểm đen (60 công trình) và điểm tiềm ẩn, nguy cơ mất ATGT trên hệ thống quốc lộ (101 công trình). Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã hoàn thành sửa chữa toàn bộ các điểm đen TNGT chuyển tiếp từ năm 2022, đồng thời chuẩn bị xử lý 02 điểm đen TNGT mới. Về lĩnh vực đường thủy nội địa: đang triển khai 15 dự án nạo vét đảm bảo giao thông và thanh thải vật chướng ngại; 4 dự án sửa chữa kè, dự kiến hoàn thành trong 2023. Về lĩnh vực hàng hải: các đơn vị chức năng đang triển khai 05 dự án đầu tư xây dựng cơ bản; 15 dự án nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải; 06 công trình sửa chữa, bảo trì công trình hàng hải; và 05 dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm. Về lĩnh vực hàng không: đang triển khai thủ tục thực hiện 16 dự án bảo trì công trình hàng không và 49 dự án bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hàng không.

Cà Mau trao tặng áo phao cho các em học sinh đi học bằng đường thủy

Công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm TTATGT gắn với phòng, chống dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023. Các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây. Trong quý I, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội diễn ra nghiêm trọng; Tính đến 12/3/2023, số lượng các trung tâm đăng kiểm trên cả nước còn hoạt động là 220/281 trung tâm, với 384/489 dây chuyền kiểm định, chiếm 78% năng lực kiểm định toàn hệ thống; Bộ GTVT đã  chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam gấp rút bổ sung, điều phối nhân sự giữa các trạm, các địa phương; đề nghị Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng để tăng cường cho các TT Đăng kiểm; tiếp tục sát hạch, cấp Chứng nhận đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ để phục vụ nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp. Quí I/2023, toàn quốc đăng ký mới trên 100.000 xe ô tô, gần 740.000 xe mô tô và 30.000 xe máy điện; nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/3/2023 là gần 6 triệu ô tô, 73 triệu xe mô tô và 2 triệu xe máy điện.

Công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe; cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái tiếp tục được nâng cao theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát. Ngành GTVT đã phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan liên quan triển khai dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên công dịch vụ công quốc gia. Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, để tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện chuyên đề xử lý xe ô tô chở quá tải, vi phạm kích thước thùng hang; cảnh sát giao thông các địa phương đã phát hiện và xử lý 20.443 trường hợp (2,39%) chở quá trọng tải hàng hóa; các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra chuyên ngành đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 19.000 xe, trong đó có 1.539 xe vi phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong Quý I năm 2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ ra còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 01 vụ làm 03 người chết và 01 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 01 vụ làm chết 03 người và 01 người bị thương; tại Điện Biên 01 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người và gần đây nhất là vụ TNGT tại Phú Yên ngày 03/4 làm 04 người bị chết và 05 người bị thương. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên là do: Hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng./.

Mộng Tuyết