Lực lượng đăng kiểm phối hợp với Thanh tra Sở GTVT kiểm định lưu động xe kinh doanh chở khách tại Bến xe Mỹ Đình
Nhập nhằng xe “núp bóng”
Anh Đỗ Văn Quý (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên phải ra sân bay để đi công tác và lần nào cũng gọi “taxi xóm” đưa, đón và trả tiền theo mức giá trọn gói. “Trong làng có gần chục chiếc “taxi xóm”, có cả loại 4 chỗ, 7 chỗ nên gọi lúc nào cũng có xe. Xe này bên ngoài như xe gia đình, không gắn logo, biển hiệu như taxi, xe chở thuê nên cũng thuận tiện, không cần đặt, gọi xe của các hãng taxi. Có điều bất tiện là muốn lấy hóa đơn để thanh toán công tác phí thì loại xe này không có”, anh Quý cho biết.
Anh Long, chủ xe kiêm lái xe “taxi xóm” ở huyện Đan Phượng cho biết, khách hàng chủ yếu là người quen biết, nhưng nhiều khi cả tháng không có ngày nghỉ. “Nhìn như xe riêng nên khách thường thuê theo ngày, nếu đi xa thì tính theo km. Còn đi ngắn mà thời gian chờ đợi nhiều thì tính theo ngày. Khách trả đồng nào mình được giữ cả, không phải mất tiền đàm hay thuê logo, thuế phí kinh doanh… như mấy ông chạy taxi chính hãng”, anh Long cho biết.
Thực tế hiện khá phổ biến loại phương tiện kinh doanh vận tải khách nhưng phương tiện được đăng ký, đăng kiểm dưới dạng xe không kinh doanh vận tải. Hoạt động của loại phương tiện này khá đa dạng: Chở khách thuê theo chuyến, theo tháng, theo thời vụ. Các xe này không có dấu hiệu riêng để dễ phân biệt với xe không kinh doanh vận tải (xe gia đình, xe của tổ chức phục vụ nội bộ…) nên khi lưu thông trên đường sẽ khó nhận biết. Có những trường hợp, chỉ sau khi xảy ra sự cố, mới phát hiện ra chủ phương tiện không thực hiện quy định đối với xe kinh doanh vận tải.
Điển hình như vụ chiếc xe 16 chỗ chở học sinh, trong vụ bỏ quên học sinh trường Gateway (Hà Nội) xảy ra năm 2019, trong giấy chứng nhận đăng kiểm không ghi là xe kinh doanh vận tải, không gắn phù hiệu xe hợp đồng.
Bên cạnh xe chở người, cũng không ít xe tải, xe bán tải kinh doanh vận tải hàng hóa cũng “núp bóng” xe không kinh doanh vận tải để né tránh thực hiện nghĩa vụ liên quan, trong khi không dễ để phát hiện, xử lý khi xe tham gia giao thông trên đường.
Trước thực trạng trên, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung một số quy định về quản lý đối với xe kinh doanh vận tải, trong đó quy định “Xe ô tô kinh doanh vận tải phân biệt với các loại phương tiện khác bằng màu tem đăng kiểm”, mẫu tem cụ thể được Bộ GTVT quy định.
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 1/4/2020, quy định rõ về việc dùng màu sắc tem kiểm định phân biệt xe ô tô kinh doanh vận tải. Do đó, dự thảo Luật GTĐB quy định như trên nhằm thống nhất quy định từ luật đến các văn bản hướng dẫn. “Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu để đề xuất sửa đổi quy định về màu sắc tem kiểm định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải. Xe kinh doanh vận tải được gắn tem đăng kiểm có màu sắc riêng sẽ giúp lực lượng chức năng, người dân dễ nhận diện, giám sát đối với hoạt động của phương tiện này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý phương tiện vi phạm”, ông Khanh nói.
Không gây xáo trộn, phát sinh thủ tục
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho biết, việc gắn tem đăng kiểm có màu sắc riêng cho xe ô tô kinh doanh vận tải là phù hợp và cần thiết.
“Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đồng tình với quy định trên. Bởi lâu nay có sự không rõ ràng giữa xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh, gây bất bình đẳng về quyền lợi của người kinh doanh. Người kinh doanh vận tải chuyên nghiệp phải gắn tem riêng, tem đăng kiểm cũng nhằm giải quyết vấn đề giao thoa giữa hai loại xe nói trên, chẳng hạn như cả với xe thực chất chở thuê, “taxi gia đình”… nhưng không thực hiện nghĩa vụ của xe kinh doanh”, ông Quyền nói và cho hay, biện pháp này tạo cơ sở, điều kiện tốt hơn cho các cơ quan quản lý vận tải, xử lý vi phạm. Thực tế là từ những năm 1990 cũng đã áp dụng và cho thấy mang lại hiệu quả thực tế.
Ông Đặng Trần Khanh cũng cho biết, trước đây tem kiểm định dùng cho xe ô tô kinh doanh vận tải có màu xanh, khác với màu tem của xe khác. Đến năm 2009, tem đăng kiểm có hai màu là tem xanh và tem vàng, trong đó tem xanh được dùng cho xe kinh doanh vận tải. Tới đây, khi áp dụng tem có màu sắc riêng cho xe kinh doanh vận tải, chỉ thay đổi về kiểu loại tem, còn không gây phát sinh gì về quy trình, thủ tục kiểm định, cấp tem, giấy chứng nhận kiểm định. “Khi làm thủ tục đăng kiểm, chủ phương tiện vẫn chịu trách nhiệm về kê khai trong hồ sơ về xe có kinh doanh vận tải hay không. Dữ liệu kiểm định được liên thông để cơ quan quản lý vận tải cấp phù hiệu vận tải cho phương tiện”, ông Khanh nói.
Góp ý về việc dùng tem đăng kiểm để nhận diện phương tiện, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật GTĐB cũng bổ sung quy định quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, quản lý vận tải đối với xe chở người, chở hàng hóa bốn bánh gắn động cơ (ví dụ xe điện 4 bánh chở khách du lịch, xe dùng nhiên liệu xăng chở hàng hóa…). Loại phương tiện này đang trở nên phổ biến, gồm cả loại kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải, do đó cũng nên nghiên cứu việc dùng tem đăng kiểm có màu sắc riêng đối với xe kinh doanh để tạo sự đồng bộ, phục vụ quản lý vận tải như đối với xe ô tô.
Một số loại xe phải lắp camera Theo quy định tại Nghị định 10/2020, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, đây cũng là hạng mục được bổ sung trong quy trình kiểm định xe ô tô kinh doanh vận tải. |
Theo drvn.gov.vn