Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Bộ GTVT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận nhiều thành quả mà cán bộ, nhân viên ngành giao thông đã nỗ lực đạt được trong năm qua.

Bên cạnh đó, những tồn tại hạn chế của ngành vẫn còn rất nhiều, với trách nhiệm không chỉ của riêng Bộ GTVT mà còn của các địa phương, các ban ngành khác.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra những bất cập trong năm 2018 của ngành GTVT. Ảnh: Việt Linh.

Quy hoạch thiếu tính dự báo

Đánh giá chung, Phó thủ tướng cho rằng công tác đầu tư, xây dựng phát triển các ngành, các lĩnh vực giao thông chưa đạt được hiệu quả cao. Sự phối hợp giải quyết các thể chế chính sách còn chậm, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực.

Chẳng hạn, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vướng mắc đã lâu, liên quan đến cơ chế chính sách của Bộ GTVT và các bộ có liên quan. Nhiều trường hợp chậm có chính sách hoặc chính sách đưa ra không giải quyết được vướng mắc.

Công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đã được quan tâm nhưng thiếu đồng bộ, tính dự báo chưa cao. Nhiều công trình xảy ra tình trạng vừa quy hoạch xong đã lạc hậu, phải điều chỉnh.

Một số công trình đã có kế hoạch nhưng vẫn phải điều chỉnh liên tục như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và cảng hàng không của các đô thị ven biển. Lẽ ra chỉ cần một lần đầu tư thay vì đầu tư chắp vá.

"Chúng ta mới làm theo 'thời chiến', tức là cần sân bay thì phải có sân bay, nhưng chưa nghĩ dài hơi", Phó thủ tướng khái quát về hạn chế trong việc quy hoạch.

Thay đổi kết cấu dầm chữ T sang chữ U khiến dự án Metro số 1 tại TP.HCM bị đội vốn thêm 1.420 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân.

Ông cũng đề cập đến hạn chế trong công tác kế hoạch hóa đầu tư. "Dù được quan tâm nhưng chưa sát", dẫn đến việc không cân đối được các nguồn lực. Nhiều dự án không huy động được nguồn vốn hoặc huy động khó khăn, dẫn đến dở dang. Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm, chất lượng của dự án chưa cao, có dự án còn sai phạm.

"Thất thoát vô hình rất lớn là do quá trình chuẩn bị đầu tư không tốt", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thực trạng "chưa chín đã quyết làm" khiến cho quá trình triển khai phát sinh nhiều vấn đề, tiêu biểu như một số dự án đường sắt đô thị liên tục phải điều chỉnh tăng vốn.

Trước đây chúng ta có tình trạng lập dự án rất nhanh, ít vấp phải phản biện. Nhưng gần đây do xu hướng dân chủ hóa ngày càng cao, người dân được góp ý, nếu dự án không được đồng tình sẽ không triển khai.

Bên cạnh đó, ngành giao thông phải xem xét lại các dự án BOT tạo thành điểm nóng dư luận. "Cái gì đúng phải bảo vệ, cái chưa đúng phải xem lại để có giải pháp xử lý, không để phát sinh các điểm nóng", ông Dũng yêu cầu.

Không thể để tình trạng như VietJet thời gian qua

Đề cập đến vấn đề an toàn giao thông, Phó thủ tướng nêu ví dụ gần đây hãng hàng không VietJet có một số sự vụ liên quan đến an toàn hàng không gây lo ngại với Chính phủ và cả người dân. Ông nhấn mạnh trong ngành hàng không không thể để tình trạng như vậy.

Hiện trường vụ máy bay VietJet bị văng bánh khi hạ cánh ngày 29/11. Ảnh: CTV.

Ông Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng, xu hướng "ôtô hóa". Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ cả về phát triển hạ tầng, tổ chức giao thông và quản lý phương tiện cá nhân. 

Tình hình tai nạn giao thông 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn rất cao so với các nước trên thế giới. Vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, thảm khốc...

Cuối bài phát biểu, Phó thủ tướng nhắc nhở hạn chế của ngành về việc chủ động cung cấp thông tin truyền thông, dẫn đến phản ứng trong dư luận khi những vấn đề mà người dân nêu ra chưa được giải quyết chủ động, kịp thời, hiệu quả thấp. Có hiện tượng "ngại", không chủ động phản ứng lại những thông tin trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông, chỉ để thông tin một chiều.

Theo Zing.vn