Làn dừng khẩn cấp là làn đường nằm sát lề đường bên tay phải trên đường cao tốc. Theo quy chuẩn 41/2016 về báo hiệu đường bộ, làn này được cách biệt với các làn xe chạy bằng vạch liền màu trắng.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, các phương tiện không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường. Trong khi đó, Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông quy định, tài xế sẽ bị phạt 800.000-1.000.000 đồng nếu cho xe chạy ở làn dừng khẩn cấp hoặc phần lề đường trên cao tốc.
Vượt xe ở làn khẩn cấp trên cao tốc Trung Lương - Sài Gòn.
Hệ thống luật Việt Nam quy định đầy đủ về làn dừng khẩn cấp và những việc tài xế không được làm trên làn đường này. Tuy vậy, trên thực tế làn dừng khẩn cấp thường xuyên bị chiếm làm nơi vượt trái phép trên cao tốc. Trên đường cao tốc không có những biển báo nhắc nhở tài xế về mục đích của làn đường này.
Trong buổi chiều 18/3, khi xảy ra bốn vụ tai nạn liên tiếp trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, rất nhiều ôtô đã sử dụng làn đường này làm nơi vượt vì thấy tắc đường. Chị Nguyễn Trang (35 tuổi, Hà Nội) lái xe trên cao tốc vào thời điểm xảy ra tai nạn tỏ ra rất bức xúc vì hàng loạt xe lách phải, vào làn khẩn cấp chạy, lấp kín mọi chỗ trống, khiến xe cứu thương không thể tới được hiện trường.
"Nếu các xe không dùng làn khẩn cấp để vượt, có lẽ xe cứu hỏa và cứu thương đã có thể tiếp cận các nạn nhân sớm hơn", chị Trang cho biết. Các xe thường bật đèn cảnh báo nguy hiểm để chạy vào làn này như xe đang bị lỗi. Để tới nơi, một xe cứu thương phải chạy ngược chiều ở phía bên kia đường cao tốc.
Trên thế giới, làn dừng khẩn cấp (tiếng Anh là "emergency lane" hoặc "shoulder") cũng có ý nghĩa như ở Việt Nam, chỉ dành cho các trường hợp phải dừng khẩn cấp (xe hỏng, tài xế bị ốm...) và các loại xe ưu tiên (cứu hỏa, cứu thương, công an...) hoạt động.
Làn khẩn cấp chỉ dùng trong trường hợp xe bị hỏng, và dành cho các loại xe ưu tiên hoạt động
Ở một số quốc gia, như Mỹ và Canada, tại một số khu vực, xe buýt được phép chạy vào làn khẩn cấp để tránh tắc đường. Một số nơi khác tùy địa hình và điều kiện giao thông, xe đạp hoặc người đi bộ được đi vào làn đường đặc biệt này.
Thường không có biển báo riêng dành cho làn khẩn cấp, nếu có thì chỉ là biển báo phân loại mặt đường: làn khẩn cấp cứng (hard shoulder) hoặc làn khẩn cấp mềm (soft shoulder). Lần khẩn cấp cứng được trải nhựa hoặc bê-tông giống mặt đường chính. Làn khẩn cấp mềm thường là phần lề đường bằng đất, sỏi...
Có nơi, các tài xế còn được cảnh báo rằng làn đường khẩn cấp không có chiều cao đồng bộ với mặt đường bằng biển "Shoulder drop off". Biển này có nghĩa làn khẩn cấp thấp hơn mặt đường khoảng 7-8 cm trở lên. Có nơi, xe cộ được thông báo, rằng khu vực không có làn khẩn cấp bằng biển "No shoulder".
vnexpress.net