Một xe tải có biểu hiện quá tải, cơi nới kích thước thành thùng bị Thanh tra giao thông kiểm tra. Ảnh: O.H
Kết quả KTTTX tính từ ngày 21/12/2016 đến 20/6/2017 cho thấy, riêng các Trạm cân lưu động, cố định và Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải (GTVT) sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 147.578 xe, trong đó có 16.861 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 11,4%), tước 5.201 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 139 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian này, lực lượng công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra 408 xe, trong đó có 399 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 97,8%), tước 307 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 13,1 tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả đạt được thì có một thực tế, lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng, các Trạm cân lưu động của các địa phương chỉ hoạt động trên đường địa phương và QL ủy thác; đồng thời một số địa phương vào cuộc chưa mạnh mẽ. Vì vậy, Tổng cục ĐBVN chỉ rõ, vẫn còn tình trạng xe quá tải lưu thông trên các QL, đặc biệt là QL.1, QL.2, QL.3, QL.5, QL.6, QL.10, QL.14, QL.18, QL.20, QL.51, đường Hồ Chí Minh..., tình trạng xe chở hàng quá tải đường dài lưu thông trên QL.1, tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các Cảng, chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe...
Mặt khác, qua theo dõi từ các kênh phản ánh, Cơ quan quản lý đường bộ cũng nắm rõ tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải, lưu thông trên địa bàn một số địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Điển hình là xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đá quá tải từ các mỏ đá lưu thông trên các tuyến ĐT.242, ĐT.243, ĐT.244, tỉnh Lạng Sơn; các mỏ đá khu vực Kiện Khê, Hà Nam; các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội...
Cá biệt, một số chủ xe, chủ doanh nghiệp dùng sà lan để đưa hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn ra khỏi các Cảng, sau đó vận chuyển trên đường bộ, không có giấy phép lưu hành xe, dẫn đến biến động giá cước vận tải, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tại Cảng Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.
"Từ khi kết thúc Kế hoạch 12593, hiện nay các địa phương đã dần củng cố lại lực lượng, đưa Trạm KTTTX lưu động hoạt động trở lại, tuy nhiên cả nước vẫn còn 13 Trạm KTTTX lưu động chưa đưa vào hoạt động gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau” - đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Tổng cục ĐBVN đề nghị các địa phương chưa đưa Trạm KTTTX lưu động vào hoạt động thì đưa vào hoạt động trở lại, đặc biệt là các địa phương có các QL huyết mạch đi qua như: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ.
Đồng thời để chống xe quá tải thành công, Thanh tra các Sở GTVT, công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ phải tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các Khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra tại những tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông.
Hai lực lượng thanh tra “chủ công” này còn phải phối hợp với các Cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có giấy phép lưu hành xe, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi Cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các Cảng tại TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Đối với các xe vi phạm, có kích thước thùng hàng vượt quá quy định tiếp tục gửi thông tin về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.
Theo Báo Thanh Tra