Tiếp tục thực hiện

Sau một thời gian thí điểm, đến tháng 5-2017, hơn 2.000 xe buýt của TPHCM mới được kinh doanh quảng cáo. Lúc bấy giờ, chỉ có một DN trúng đấu giá gói quảng cáo là Công ty TNHH Koa - Sha Media Việt Nam - quảng cáo trên 492 xe buýt, với trị giá 162 tỷ đồng trong 3 năm. Trong các năm qua, Sở GTVT không giao lại cho các DN, hợp tác xã tự tìm đầu mối quảng cáo. Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) - Sở GTVT cho hay, một số địa phương lân cận TP cho DN, hợp tác xã tự tìm đầu mối quảng cáo vì xe buýt không trợ giá. Còn tại TPHCM, phải đấu giá quảng cáo trên xe buýt đối với những xe có trợ giá. “Giai đoạn 2018 - 2020, đã 4 lần tổ chức đấu giá, điều chỉnh hình thức đấu giá, nhưng vắng bóng các DN tham gia”, một lãnh đạo Trung tâm QLGTCC băn khoăn.

Để quảng cáo trên thân xe buýt hiệu quả, các DN, hợp tác xã đề xuất tự tìm đầu mối quảng cáo. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Trước thực trạng trên, Sở GTVT vừa có văn bản đề xuất UBND TP tạm ngưng “Đề án quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP”. Lý do là sở nhiều lần tổ chức đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt nhưng không hiệu quả. Không đồng ý đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình vừa ký công văn giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đàm phán với DN về gia hạn thực hiện hợp đồng quảng cáo trên xe buýt theo quy định. Đồng thời, Sở GTVT nghiên cứu, tham mưu UBND TP điều chỉnh phương án quảng cáo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu khai thác quảng cáo thực tế.


Để tư nhân tự thương thảo

Theo một số chuyên gia đô thị, phương tiện giao thông công cộng có lợi thế kích thước, vận chuyển cùng lúc nhiều người, giá vé rẻ, hoạt động theo lộ trình có sẵn… nên khai thác quảng cáo trên thân xe là phù hợp. Trên thực tế, quảng cáo trên xe buýt hiện đã được triển khai tại hầu hết các tỉnh, thành có sử dụng loại phương tiện này.  “Tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai từ nhiều năm nay ngành chức năng đã cho phép quảng cáo trên xe buýt để tăng nguồn thu, giảm bớt chi phí, hạn chế việc Nhà nước phải trợ giá cho xe buýt. Đối với tỉnh Bình Dương, Nhà nước không còn trợ giá xe buýt, thay vào đó chỉ hỗ trợ vé một số tuyến xe buýt mở mới trong một thời gian ngắn”, một chuyên gia đô thị cho biết. 

Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Hợp tác xã vận tải 19-5, thời gian gần đây, công nghệ quảng cáo phát triển rất nhanh, nếu phương thức quảng cáo trên xe buýt không thay đổi thì chỉ vài tháng sau đã lỗi thời. Để quảng cáo hiệu quả, Sở GTVT TPHCM nên giao các DN, hợp tác xã tự tìm đầu mối quảng cáo. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TPHCM, thời gian qua DN không mặn mà với phương thức quảng cáo trên xe buýt chạy trên địa bàn TP là do giá quá cao và cách làm không hợp lý. Ngoài thủ tục đấu thầu tốn nhiều thời gian, DN trúng thầu còn phải ứng tiền cọc khá lớn, ký hợp đồng nhiều năm. “Để xe buýt “hút” nhiều quảng cáo, ngành chức năng TP không nên can thiệp quá sâu, thay vào đó để tự thị trường điều chỉnh. Nhiều năm nay, hầu hết xe buýt đang vận hành đều là của tư nhân, xã viên hợp tác xã, nên việc Sở GTVT cho phép tự thương thảo, ký hợp đồng sẽ giúp DN chủ động, tiết kiệm thời gian hơn”, ông Nguyễn Quý Cáp nhấn mạnh.

Theo Sở Tài chính TPHCM, từ năm 2018 đến nay, quảng cáo trên xe buýt đã đem về gần 58 tỷ đồng. Số tiền này chưa tính khoản đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN của Trung tâm Quản lý giao thông cộng cộng hơn 16,1 tỷ đồng, nhằm bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt. Đối với các tuyến buýt không trợ giá, DN vận tải, chủ xe được hưởng trọn vẹn nguồn thu từ quảng cáo sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Việc dừng đề án sẽ tác động đến nguồn thu của các DN tuyến buýt không trợ giá.

Theo SGGP