Cung cấp phần mềm điện tử chỉ là một trong những cách thức vận hành mà Grab sử dụng để kinh doanh vận tải (Trong ảnh: Grab trả khách trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội). Ảnh: Tạ Tôn
Đáng chú ý, Bộ này đề xuất bỏ quy định gắn hộp đèn “xe hợp đồng điện tử”. Đề xuất này ngay sau đó nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Dùng công nghệ để hậu kiểm thay vì tiền kiểm
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý về dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ TT-TT đề xuất, ngoài 3 chủ thể chính được quy định hiện nay gồm công ty vận tải taxi, người dân và cơ quan quản lý cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng ứng dụng như: Grab, Uber, GoViet... là một chủ thể thứ 4 riêng biệt trong chuỗi kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô dưới 9 chỗ.
Đồng thời, Bộ TT-TT cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ để quản lý và giám sát những hoạt động sử dụng công nghệ. Thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có “bảng đèn hiệu” hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lý có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe đang tham gia mô hình. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu đơn vị nền tảng chỉ đề xuất lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển... Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp thanh, kiểm tra. Đây là một hình thức dùng công nghệ để hậu kiểm thay vì tiền kiểm.
“Việc yêu cầu gắn biển điện tử với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ như dự thảo mới nhất sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ. Thay vào đó, cơ quan quản lý có thể tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh taxi”, văn bản của Bộ TT-TT nêu và cho rằng, thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ, cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống.
Cơ quan quản lý có thể tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị taxi truyền thống bằng các quy định mới phù hợp. Ví dụ, thay vì sử dụng giá niêm yết, hãng taxi truyền thống và khách có thể thỏa thuận giá cho phù hợp nhu cầu ở thời điểm khi khách hàng đặt xe thông qua phần mềm của hãng. Trong khi đó, giá niêm yết vẫn được áp dụng cho trường hợp khách vẫy và vận chuyển qua đồng hồ.
Có khả thi?
Ở góc độ những người làm vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhận định, sau thời gian dài thí điểm mô hình “taxi công nghệ”, hầu hết các địa phương thực hiện thí điểm như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Bộ GTVT đều khẳng định bản chất của loại hình này là kinh doanh vận tải khách bằng taxi và kiến nghị quản lý loại hình này như taxi.
“Yêu cầu về nhận diện để quản lý đối với loại hình xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ đã được Bộ GTVT tiếp thu và rút ra từ chính hoạt động thí điểm, thông qua công tác tổng kết, đánh giá khoa học, khách quan, không phải là ý kiến mang tính chủ quan. Việc lắp hộp đèn trên nóc chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có ứng dụng Grab, không áp dụng chung đối với Grab”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Grab luôn khẳng định đang hoạt động với tư cách là nhà cung cấp ứng dụng kết nối, dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế, Grab đang trực tiếp thực hiện những hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải như: Quản lý thông tin hồ sơ của lái xe, cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách hàng, điều động xe, quyết định hành trình của xe và thu tiền dịch vụ.
“Grab đang quyết định giá cước, triển khai các chương trình khuyến mại, chăm sóc và giải quyết các phản hồi từ khách hàng. Như vậy, hoạt động cung cấp phần mềm điện tử chỉ là một trong những cách thức vận hành mà Grab sử dụng để kinh doanh vận tải”, ông Hùng khẳng định.
Đề cập đến đề xuất bỏ lắp hộp đèn, ông Hùng cho rằng, thời gian qua hoạt động của loại hình vận tải khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ rất lộn xộn, tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình hoạt động tràn lan. Mỗi ngày có hàng nghìn xe hoạt động qua các ứng dụng đặt xe nhưng cơ quan Nhà nước không quản lý được vì không phân biệt được xe kinh doanh với xe cá nhân, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng, thất thu thuế, quyền lợi khách hàng không được đảm bảo.
“Các ứng dụng gọi xe tạo ra sự tiện lợi cho hành khách nhưng không thay thế được nhận diện phương tiện, gây khó trong công tác quản lý, tổ chức, điều hành giao thông. Việc lắp hộp đèn nóc sẽ giúp phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân, việc này đặc biệt cần thiết không những đối với cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, tổ chức giao thông tốt hơn từ đó giảm hậu quả cho xã hội như ùn tắc giao thông, TNGT”, ông Hùng nói.
Ông Trịnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân cho rằng, ứng dụng kết nối vận tải chỉ là công cụ tạo tiện ích cho người dân. Lĩnh vực vận tải đòi hỏi tính an toàn cao nên không thể “nhặt” một vài điều kiện quy định ở đâu đó để áp dụng. Trong vận tải, công nghệ chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là các điều kiện về quản lý phương tiện, con người. Đã làm vận tải không thể bỏ qua các công đoạn trách nhiệm với người lao động, sự an toàn của người dân”, ông Thắng nói.
Đề cập đến đề xuất bỏ kê khai giá cước vận tải, ông Thắng cho rằng, việc đăng ký giá sẽ giúp bình ổn giá thị trường, nếu bỏ quy định này, doanh nghiệp sẽ “tự tung tự tác” tăng giá vô tội vạ và khi đó người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
Cần thu thuế điện tử trực tiếp để tránh thất thu
Luật sư Đoàn Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sau 2 năm thí điểm, số lượng xe taxi công nghệ đã gấp đôi số lượng xe taxi truyền thống, gây ùn tắc giao thông. Xe taxi truyền thống hiện đang được quản lý bằng mào, lái xe phải khám sức khỏe, trong khi taxi công nghệ không kiểm soát được do không có nhận diện.
Liên quan đến vấn đề thuế, theo Luật sư Hướng, hiện chúng ta cũng chưa quản lý được, đang có sự bất bình đẳng trong nộp thuế giữa các chủ thể kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ. Trong điều kiện hạ tầng công nghệ cũng như trình độ quản lý bằng công nghệ còn yếu, việc kiểm tra hậu kiểm như đề xuất của Bộ TT-TT là rất khó khăn. Hệ lụy khác là quyền lợi người lao động về điều kiện việc làm, lương, bảo hiểm, đại diện quyền lợi cho người lao động sẽ vượt qua khuôn khổ của pháp luật.
“Nhà nước cũng cần triển khai việc thu thuế điện tử trực tiếp. Đối với mỗi “cuốc” xe mà khách hàng đã chi trả, hệ thống máy chủ của cơ quan có thẩm quyền sẽ tự động tính thuế hoặc trừ trực tiếp ở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp và chuyển vào ngân sách Nhà nước. Điều này mang lại hai lợi ích. Trước tiên là Nhà nước có thể kiểm soát được số lượng xe đối tác của Grab đang lưu thông, đảm bảo an toàn thông tin cho người dân cũng như các tài xế và điều không kém phần quan trọng là sẽ ngăn chặn được lượng thuế bị thất thu hàng năm, tình trạng đóng thuế muộn, khai sai thuế do thuế đã được đóng tại chỗ”, luật sư Hướng nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, đã là vận tải thì điều kiện phải rõ ràng, nếu Grab chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm, không cần bàn nhiều vì pháp luật cho phép nhưng khi Grab tham gia điều độ, quyết định giá cước thì đương nhiên trở thành doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nghị định thay thế Nghị định 86 lần này sẽ quy định chặt chẽ vấn đề phối hợp, kết nối giữa các bộ, ngành như phối hợp với Bộ Tài chính để quản lý vấn đề giá, thuế và kết nối với ngành Công an để khai thác triệt để dữ liệu kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Thọ, Luật GTĐB năm 2008 qua hơn 10 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa bắt kịp với xu thế phát triển, nhất là từ khi bùng nổ phát triển khoa học công nghệ trong GTVT. Khi xây dựng Nghị định vẫn phải trên cơ sở quy định của Luật, nếu đưa ra quy định nào đó không phù hợp với Luật sẽ bị “tuýt còi”. Bộ GTVT cũng muốn đưa quy định màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải nhưng Luật chưa quy định cũng khó thực hiện. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là dự thảo phải phù hợp với Luật và đưa vào Nghị định tối đa những gì pháp luật cho phép để tăng cường quản lý, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
“Không pháp luật nào quy định hết thực tiễn mà còn phụ thuộc vào ý thức thực hiện pháp luật của người dân cũng như lực lượng chức năng có trách nhiệm hay không. Đây là giai đoạn của thời kỳ quá độ, Luật GTĐB năm 2008 sẽ được Bộ GTVT trình Chính phủ sửa đổi vào cuối năm nay. Lần trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 lần này tuy không tuyệt đối nhưng sẽ đảm bảo đến 90% cho công tác quản lý nhà nước, tạo “sân chơi” công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Dự thảo lần thứ 9 này đã được lấy ý kiến kỹ lưỡng từ các bên liên quan, trong đó có các hãng gọi xe công nghệ, taxi truyền thống nhằm rà soát trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”, Thứ trưởng Thọ khẳng định.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group (ứng dụng Be):
Không để bảo hộ ngược
Điểm khác biệt lớn nhất so với các ứng dụng gọi xe hiện nay là Be đăng ký kinh doanh vận tải. Chính phủ cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tránh tình trạng bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài vì các quy định khắt khe mà các doanh nghiệp trong nước đang phải nghiêm túc thực hiện.
Ví dụ cụ thể trong việc kiểm duyệt nội dung số giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hay về tuân thủ các nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp cung cấp các dịch quảng cáo trực tuyến hoặc các dịch vụ kinh tế chia sẻ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể vững bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu.
Ông Trần Vương Long, Chủ tịch Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow:
Quyết định giá cước là kinh doanh vận tải
Grab luôn nói mình là sàn giao dịch thương mại điện tử kinh doanh vận tải hành khách kết nối trung gian. Tuy nhiên, nếu đã là sàn giao dịch thương mại điện tử thì không được phép can thiệp vào các công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, đặc biệt là quyết định giá cước vận tải. Khi can thiệp vào giá cước đồng nghĩa với việc đã có lợi nhuận từ kinh doanh vận tải, từ đó khẳng định các đơn vị như Grab là đơn vị kinh doanh vận tải.
Bản chất của Gonow tương tự như Grab và nhiều ứng dụng khác, tuy nhiên Gonow không thu phần trăm chiết khấu của lái xe mà chỉ với tư cách là giới thiệu khách cho chủ xe, hai bên kết nối và tự thỏa thuận giá cước, Gonow không can thiệp mà chỉ thu một khoản phí giới thiệu nhất định. Đó mới là sàn giao dịch, kết nối vận tải.
T.Duy (Ghi)
Quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải
Trong báo cáo trình Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 gần đây, Bộ GTVT giữ nguyên đề xuất chọn phương án quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ được quản lý như taxi và phải đeo mào. Cụ thể: Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe.
Theo Bộ GTVT, nội dung này, bổ sung nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi. Đồng thời, làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát, công tác tổ chức giao thông đô thị và không công bằng trong hoạt động vận tải.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định định nghĩa rõ về kinh doanh vận tải. Theo đó: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.
Bộ GTVT cho biết, việc điều chỉnh nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan hoạt động vận tải. Thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay. Đồng thời, tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo baogiaothong.vn