Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng

 

Còn nhiều “lỗ hổng”

Những năm gần đây, TNGT giảm mạnh cả ba tiêu chí, tuy nhiên TNGT liên quan đến trẻ em lại có chiều hướng gia tăng. Với tư cách Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, ông có suy nghĩ gì? Ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng này?

Đây là năm thứ 6, TNGT liên tục giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ thương vong TNGT đối với trẻ em lại có dấu hiệu gia tăng. Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy có hai nghiên cứu chuyên sâu TNGT trẻ em ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Qua nghiên cứu cho thấy, số trẻ em bị chết, bị thương của hai địa phương đều tăng. Tỷ lệ trẻ em chết do TNGT tại Việt Nam cao hơn so với bình quân khu vực và thế giới. Theo nghiên cứu, học sinh THCS, THPT có thể tự tham gia giao thông, tự điều khiển phương tiện có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

"Tới đây, chúng ta cần kiên trì thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh, trẻ em, đưa vào chương trình chính khóa giáo dục ATGT từ cấp I đến cấp 3 và giáo dục ATGT nêu gương đối với chính thày cô giáo và các bậc phụ huynh. Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng các giải pháp trên sẽ giúp giảm thương vong cho trẻ em từ 10% so với năm 2017 trên địa bàn cả nước”.

Phó chủ tịch chuyên trách
Ủy ban ATGT Quốc gia
Khuất Việt Hùng

Nguyên nhân của thực trạng trên là do sự thiếu trách nhiệm của người lớn bao gồm các bậc cha mẹ, nhà trường và người thực thi pháp luật. Các bậc cha mẹ để trẻ em tự tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện với tốc độ lưu thông lớn mà không được trang bị các thiết bị và điều kiện đảm bảo ATGT. Không ít em được cha mẹ cho sử dụng mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và không có GPLX để tham gia giao thông.

Cùng đó, phải kể đến vai trò của nhà trường. Tuy thời gian qua đã có nỗ lực trong giáo dục, thực thi quy định pháp luật về ATGT cho trẻ em trong nhà trường, nhưng cũng chỉ hướng dẫn các em về mặt lý thuyết, thậm chí không ít trường, những giờ học về ATGT lại được sử dụng để giảng dạy môn học khác được xem là quan trọng hơn.

Thứ ba, là trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều nước trên thế giới, việc điều khiển xe máy dưới 50cc tương tự như xe đạp điện, xe máy điện phải có giấy phép điều khiển nhưng ở Việt Nam thì không. Đây là bất cập, thậm chí là “lỗ hổng” trong đảm bảo ATGT. Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định của pháp luật chưa nghiêm, ví dụ như các nhà sản xuất xe đạp điện có thể chạy tới 50km/h, nhiều xe máy điện thậm chí lên đến 60 - 70km/h trong khi quy định dưới 40km/h. Việc xử lý vi phạm đối với các em đủ tuổi chịu xử phạt và cha mẹ chịu trách nhiệm giám hộ cũng thực hiện chưa nghiêm.

CSGT Đội 4 (Hà Nội) tuyên truyền, nhắc nhở các bạn trẻ điều khiển xe máy, xe đạp điện vi phạm Luật GTĐB

Cha mẹ, thày cô phải nêu gương

Ông đánh giá thế nào về vai trò của gia đình và nhà trường trong giáo dục ý thức ATGT đối với học sinh?

Tham gia giao thông là kỹ năng sống cơ bản của mỗi công dân và xã hội. Đầu tiên, các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm làm gương và hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện tham gia giao thông an toàn cho con em mình. Họ phải tuân thủ quy định về ATGT, phải là người chủ động trong giáo dục, hướng dẫn cho con em tham gia giao thông an toàn. Cha mẹ cũng phải có trách nhiệm đề nghị và tham gia cùng với nhà trường trong hướng dẫn, giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Đây là việc làm mà nhiều quốc gia phát triển khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các bậc cha mẹ rất ít tham gia vào việc này mà đang “khoán trắng” cho nhà trường.

Đối với nhà trường, như tôi đã nói việc giáo dục ATGT đối với học sinh chưa được chú trọng. Vì vậy, đối với cấp trung học, phải quy định có giờ chính khóa giáo dục về ATGT và thực sự phải sử dụng hữu ích, đúng mục đích giờ giảng này, không dùng vào mục đích khác.

Được biết, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ lựa chọn chủ đề là Năm ATGT 2018 là “ATGT cho trẻ em”. Vậy các chính sách và giải pháp sẽ có gì mới, thưa ông?

Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện những việc đã làm tốt như đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị thúc đẩy việc trao tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh. Vấn đề quan trọng nữa là sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến ATGT cho trẻ em, sẽ được cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đưa những quy định cụ thể liên quan đến trẻ em như: có điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe máy đối với học sinh; xem xét quy định xe đạp điện, xe máy điện nên là xe cơ giới và học sinh phải có chứng chỉ điều khiển phương tiện an toàn.

Cùng đó, hoàn thiện chế tài xử phạt đối với những trẻ em đủ điều kiện xử phạt, đồng thời xử phạt cả với người giám hộ có trách nhiệm. Có thể tăng gấp đôi mức xử phạt người giám hộ so với trẻ em.

Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan chức năng cũng đang hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao khả năng đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng đối với trẻ em, nhất là xe buýt công cộng; Nghiên cứu tạo ra loại hình dịch vụ hướng đến trẻ em nhiều hơn như: Loại hình xe kết nối đi chung như School Uber hay School Grab. Có quy định về tốc độ an toàn xe chạy ở các tuyến đường trong không gian kết nối trường học. Bố trí phân tách làn giữa xe hai bánh và xe bốn bánh.

Cảm ơn ông!

Theo Báo Giao thông