Từ thời điểm Thông tư số 22/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra một số đợt mưa, lũ gây hư hỏng công trình đường bộ, các cơ quan, đơn vị cơ bản đã triển khai kịp thời công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư số 22/2023/TT-BGTVT còn một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy được hiệu quả của phương châm bốn tại chỗ, làm phát sinh thủ tục phức tạp, như: cộng dồn nhiều vị trí hư hỏng công trình trên nhiều tuyến đường hoặc do nhiều đợt thiên tai gây ra, kiến nghị xử lý khẩn cấp các công trình bị hư hỏng nhưng chưa cần khôi phục ngay theo quy định..., để đề xuất triển khai quy trình thực hiện Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai dẫn đến việc khắc phục hậu quả thiên tai chưa kịp thời theo thẩm quyền.

Để công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ được hiệu quả, kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật phòng, chống thiên tai, phù hợp với quy định của Thông tư số 22/2023/TT- BGTVT, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị: Khi thiên tai xảy ra gây ảnh hưởng, làm gián đoạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động giao thông, các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý thực hiện ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc giao thông theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023); căn cứ vào kết quả, hiện trạng khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông theo quy định nêu trên, công tác khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023) cụ thể:

  • Công trình đường bộ vẫn còn hoặc tiếp tục bị hư hỏng nhưng chưa cần khôi phục ngay lại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của công trình trước khi bị hư hỏng, cơ quan quản lý đường bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định thực hiện sửa chữa đột xuất công trình theo quy định (chi tiết tại điểm a khoản 3 Điều 13);

  • Công trình đường bộ vẫn còn hoặc tiếp tục bị hư hỏng và cần phải khôi phục ngay lại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của công trình trước khi bị hư hỏng, cơ quan quản lý đường bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định triển khai dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại Điều 11a Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT (chi tiết tại điểm b khoản 3 Điều 13);
  • Trường hợp hoạt động giao thông vẫn còn hoặc tiếp tục bị gián đoạn mà việc khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông có dự kiến chi phí với tổng giá trị vượt quá hạn mức quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; theo phạm vi và trách nhiệm quản lý, các đơn vị kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định triển khai dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại Điều 11a của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT; trong đó lưu ý quy định này được áp dụng đối với mỗi đợt thiên tai xảy ra, gây hư hỏng công trình đường bộ tại một vị trí hoặc một đoạn tuyến đường cụ thể (chi tiết tại điểm c khoản 3 Điều 13 Thông tư).

Các cơ quan, đơn vị theo phạm vi và trách nhiệm quản lý: chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, khi chưa khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra theo quy định của pháp luật; đối với những trường hợp cần triển khai Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, trong đó phải xác định cụ thể từng công trình bị hư hỏng do từng tình huống (đợt) thiên tai gây ra theo quy định.

Mỹ Linh