Nhiều mẫu ô tô tại VN hiện nay được nhà sản xuất trang bị các công nghệ hỗ trợ lái nhằm mang lại an toàn, tiện ích cho người lái. Tuy nhiên có một nghịch lý, nhiều người lần đầu chọn mua ô tô thường chọn các phiên bản có trang bị nhiều công nghệ hỗ trợ lái… nhưng thực tế lại hiếm khi dùng đến, thậm chí một số “tài mới” còn không biết tính năng, công nghệ đó để làm gì!?
Dưới đây là 6 công nghệ hỗ trợ lái mà các “tài mới” nên nắm rõ để có thể lựa chọn cho mình chiếc ô tô phù hợp, cũng như góp phần mang lại sự thuận tiện, an toàn khi lái xe.
Công nghệ hỗ trợ đỗ xe
Trong bối cảnh chật chội ở các đô thị lớn hiện nay, người dùng ô tô luôn phải vất vả tìm cách đỗ xe trong những bãi xe có diện tích giới hạn. Việc đỗ xe cũng được xem như một thử thách với các tay lái mới, khi phải xoay trở rất nhiều. Tuy nhiên, việc công nghệ hỗ trợ đỗ xe được trang bị ngày càng phổ biến trên các ô tô hạng sang lẫn xe phổ thông, góp phần giúp tài xế rũ bỏ mối lo khi đưa xe vào bãi đỗ.
Với công nghệ này, khi xác định vị trí đỗ xe người lái bắt đầu kích hoạt chức năng đỗ xe tự động thông qua nút bấm được tích hợp trên bảng táp lô. Thông qua cảm biến đo khoảng cách hệ thống sẽ tìm vị trí đỗ xe song song hoặc vuông góc phù hợp, đồng thời máy tính điện tử trung tâm sẽ tự động điều khiển vô lăng, chân ga, phanh… để đưa xe vào vị trí đỗ thích hợp. Một số xe khác sử dụng camera gắn ở trước và sau xe hoặc ra đa để tính toán khoảng cách, vị trí đỗ xe.
Cảnh báo chệch làn đường
Lái xe trên những hành trình dài rất dễ làm xế mệt mỏi, chỉ vài ba giây xao nhãng có thể khiến xe đi chệch làn, thậm chí lấn sang làn đường ngược chiều tăng nguy cơ xảy ra tại nạn. Theo số liệu thống kê được Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) công bố vào tháng 4.2017, tại quốc gia này có tới 37% số vụ tai nạn có liên quan đến vấn đề xe đi chệch làn đường.
Để giảm thiểu tình trạng này, một số mẫu ô tô hiện nay được trang bị hệ thống cảnh báo chệnh làn đường LDW (Lane Departure Alert). Thông qua các cảm biến, camera gắn ở đầu xe… hệ thống sẽ kịp thời phát hiện tình trạng xe đi lệch làn đường. Sau đó, đưa ra cảnh báo cho người lái bằng hình ảnh hiển thị trên bản đồng hồ trung tâm, âm thanh, hoặc tạo rung nhẹ vô lăng.
Cảnh báo va chạm
Đây là công nghệ được trang bị ngày càng phổ biến trên các dòng ô tô hạng sang cũng như các xe phổ thông. Hệ thống này trên các xe phổ thông thường được nhà sản xuất sử dụng các cảm biến gắn phía trước, phía sau hoặc bên hông xe để tính toán khoảng cách giữa xe và các phương tiện, vật thể xung quanh sau đó phát ra cảnh báo cho người lái. Một số dòng xe sang thường sử dụng kết hợp radar, camera để phát hiện khoảng cách có thể xảy ra va chạm.
Tùy vào mỗi dòng xe và giá tiền, hệ thống sẽ cảnh báo cho người lái nguy cơ xảy ra va chạm thông qua âm thanh, đèn báo hay hình ảnh hiển thị trên màn hình. Công nghệ này giúp người lái giảm thiểu va chạm khi điều khiển xe lưu thông trong các tuyến đường nội đô đông đúc cũng như lùi, đỗ xe.
Cảnh báo điểm mù
Điểm mù là vùng không gian bao quanh xe bị che khuất khi đang lưu thông mà tài xế không thể nào quan sát được thông qua gương chiếu hậu hay nhìn trực tiếp từ vị trí ghế lái. Tầm bao quát của người lái bị hạn chế bởi điểm mù, làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm giữa các phương tiện.
Hiện nay một số dòng xe được trang bị hệ thống cảnh báo điểm mù. Hệ thống này sử dụng cảm biến gắn trên xe để phát hiện các vật thể hoặc xe khác nằm trong khu vực điểm mù của gương chiếu hậu. Nếu phát hiện nguy hiểm, hệ thống sẽ truyền tín hiệu lên gương chiếu hậu và đèn tín hiệu sẽ bật sáng để cảnh báo người lái.
Hệ thống điều khiển hành trình
Hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control được trang bị khá phổ biến trên nhiều dòng ô tô hiện nay. Khi được kích hoạt, thông qua nút điều khiển bằng tay, hệ thống này có thể duy trì tốc độ mong muốn mà không cần người lái phải tác động lực vào chân ga.
Về nguyên lý hoạt động của hệ thống Cruise Control, theo anh Đinh Viết Quang - Giám đốc dịch vụ Sài Gòn Ford: “Khi Cruise Control được kích hoạt hệ thống máy tính ECU sẽ nhận tính hiệu từ cảm biến tốc độ gửi lệnh điều khiển tới bộ chấp hành. Khi đó, hệ thống sẽ tính toán để điều chỉnh góc mở bướm ga.”
Khi hệ thống điều khiển hành trình hoạt động, đèn báo Cruise Control sẽ được hiển thị trên bảng đồng hồ. Người lái lúc này có thể buông chân ga và điều khiển tốc độ của xe thông qua nút tăng giảm tốc độ trên vô lăng. Đề cập đến tác dụng của Cruise Control, anh Quang cho biết thêm: “Hệ thống sẽ duy trì sự ổn định chân ga, giúp người lái thoải mái hơn khi điều khiển xe. Tốc độ lưu thông ổn định, vòng tua máy gần như ở mức lý tưởng sẽ giúp giảm đáng kể lượng tiêu hao nhiên liệu của xe”.
Trang bị đủ dụng cụ đồng thời nắm rõ các bước câu bình kích điện ắc quy, sẽ giúp các “tài mới” gạt bỏ mối lo khi ắc quy hết điện khiến động cơ, thiết bị điện trên xe không hoạt động.
Hỗ trợ khởi hành ngang dốc
Dừng xe, rồi khởi hành xe khi đang ở giữa lưng chừng dốc là tình huống tương đối khó mà bất cứ một lái xe nào kể từ khi bắt đầu làm quen với vô lăng cho đến khi tự tin đánh lái trên đường đều đã một lần trải qua.
Tình huống này đối với các xe không được trang bị hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ rất nguy hiểm. Bởi nếu người lái không kịp thời vào ga khi buông chân phanh, xe rất dễ bị trôi về phía sau và có thể xảy ra va chạm.
Với những mẫu xe được trang bị công nghệ này, khi người lái cho xe dừng ngang dốc cảm biến trên xe sẽ được kích hoạt để phát hiện độ nghiêng. Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ được kích hoạt, duy trì lực phanh trên 4 bánh xe giữ xe đứng yên trong khoảng 3 - 5 giây, tùy từng xe. Khoảng thời gian này dù khá ngắn những đủ để cho tôi thoải mái chuyển từ chân phanh sang chân ga để xe tiếp tục di chuyển.
Với điều kiện giao thông hiện nay, hỗ trợ khởi hành ngang dốc là một hệ thống rất hữu dụng trong các tình huống khi người lái dừng giữa dốc do kẹt xe, tắc đường hay các tình huống bất ngờ.
Theo thanhnien.vn