Trong những ngày này, nếu để xe ô tô lâu ngoài trời có thể biến chiếc xe thành phòng “xông hơi” bất đắc dĩ, khi ra vào xe nếu không cẩn thận nhiều người còn bị bị sốc nhiệt.
Theo tính toán của giới chuyên môn, nhiệt độ ngoài trời dao động từ 37 độ C đến 40 độ C, nhiệt độ trong khoang xe ô tô sẽ dao động từ 47 độ C đến 65 độ C (nhiệt độ trong khoang xe ô tô thường cao hơn từ 10 đến 25 độ C, tùy theo màu xe, xe có dán kính chống nóng hay không dán và nơi đỗ xe).
Nơi đỗ xe lý tưởng nhất là trong hầm tòa nhà hoặc nơi có bóng mát. Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
Sức nóng này không chỉ làm cho động cơ, điều hoà, hệ thống làm mát… của xe hoạt động nhiều hơn, mà còn tàn phá nội, ngoại thất nhanh hơn, đặc biệt là lái xe và hành khách ra vào xe ô tô dưới nhiệt độ này sẽ cảm thấy rất ngột ngạt, khó thở và rất dễ sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột ở bên trong và ngoài xe.
Theo giới chuyên doanh và những người có kinh nghiệm, để tránh bị sốc nhiệt, có rất nhiều cách chống nắng, chống nóng đơn giản và hiệu quả cho ô tô trong những ngày nắng nóng gay gắt này để giảm nhiệt độ trong xe, tạo cảm giác thoải mái không chỉ cho lái xe mà cả hành khách mỗi khi cần di chuyển.
Do đó, đừng biến chiếc xe thành “phòng xông” hơi bất đắc dĩ mà hãy áp dụng những cách này để giảm bớt nhiệt độ trong xe:
Dán phim cách nhiệt:
Dán phim cách nhiệt cho ô tô là biện pháp chống nóng hữu hiệu lâu dài.
Dán phim cách nhiệt cho xe. Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều thương hiệu phim cách nhiệt, từ bình dân đến cao cấp như 3M, V-Kool, Llumar, Sun-Gard, AnyGard hay SolarFree… với giá dao động từ 3,8 triệu đến gần 10 triệu đồng/xe, bao gồm dán kính trước, kính sau và kính ở 4 cánh cửa.
Đỗ xe dưới hầm hoặc dưới bóng râm:
Đây là cách được nhiều người sử dụng là đỗ xe dưới hầm để xe của tòa nhà, hay bóng mát giúp xe tránh ánh nắng trực tiếp tốt nhất và giúp xe được mát hơn so với đỗ nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp vào xe.
Việc đỗ xe tránh ánh nắng trực tiếp sẽ giúp xe không bị bạc màu sơn, các chi tiết nhựa không bị nứt vỡ, không bị quá nóng mỗi khi bước lên xe. Tuy nhiên, không phải lúc nào những chỗ đỗ xe lý tưởng như vậy cũng có sẵn, nhất là ở những khu đô thị đông đúc.
Trong trường hợp không có hầm đỗ xe ở tòa nhà như ý muốn, thì việc lựa chọn đỗ xe dưới bóng cây, bóng râm của tòa nhà, hay công trình cũng là một cách lý tưởng, giúp tránh được cả ánh sáng và nhiệt độ cao.
Dùng rèm, bạt che nắng:
Sử dụng rèm, tấm che nắng xe ô tô sẽ giúp bảo vệ táp lô của xe và sơn ngoại thất không bị bạc màu và làm giảm nhiệt độ hấp thụ vào bên trong xe. Hiện nay, các loại tấm che nắng cho xe ô tô xuất hiện ngày càng nhiều có cả miếng dán, rèm và bạt phủ.
Tùy thuộc vào chủng loại và chất lượng, tấm che nắng có giá từ khoảng 150.000 đến 250.000 đồng/bộ 4 tấm cho xe 4 chỗ; từ 250.000 đến 350.000 bộ cho xe 7 chỗ.
Rèm che nắng có giá dao động từ 100.000 đến 400.000 đồng/tấm. Các loại bạt phủ cho xe 4 chỗ và 7 chỗ, tùy theo thương hiệu và chất liệu mà có giá bán từ 300.000 đến khoảng 1 triệu đồng/chiếc.
Chống nắng bằng bìa các tông hoặc báo:
Ngoài những cách trên, trong nhiều trường hợp lái xe không mang theo các vật dụng chống nắng trên xe thì có thể dùng tờ báo kẹp lên cửa kính xe.
Cách sử dụng này rẻ, chỉ vài nghìn đồng/tờ báo và cũng hiệu quả, được nhiều người sử dụng để giảm tải cái nóng giữa ngày hè.
Không đóng kín cửa kính xe:
Khi đỗ xe ngoài trời nắng nóng, không nên đóng kín hết tất cả cửa kính của xe mà nên để hở từ 2cm đến 3cm cho không khí lưu thông, giảm bớt sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài xe.
Hạ kính bên phải, đóng mở cửa lái 4 đến 5 lần trước khi lên xe: Mỗi lần đóng mở cửa theo cách này sẽ đẩy bớt hơi nóng trong xe ra ngoài theo lối cửa phụ để có thể giảm sự chênh lệch nhiệt độ ở trong xe và ngoài trời. Với cách làm này, nhiệt độ trong xe sẽ giảm tức thời được từ 5 đến 10 độ so với khi mới mở cửa xe.
Mở quạt gió trước khi di chuyển:
Sau khi phơi nắng ngoài trời, nhiệt độ trong xe rất cao, không nên di chuyển ngay lúc này với các cửa xe được đóng kín. Thay vào đó là hạ hết cửa kính, bật quạt gió ở mức cao trong khoảng vài phút để thổi hơi nóng ra ngoài sau đó mới đóng cửa kính giúp xe làm mát nhanh hơn.
Khi xe vận hành được khoảng vài phút mới đóng hết tất cả các cửa kính và bật điều hòa với nhiệt độ phù hợp. Người dùng cũng không nên chỉnh mức làm lạnh cao nhất ngay sau khi bật điều hòa, vì sẽ khiến dàn lạnh hoạt động quá sức.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều người thường có thói quen vừa lên xe đã bật ngay điều hòa hết cỡ để làm mát nhanh là hoàn toàn sai lầm bởi xe vừa khởi động, vòng tua động cơ đang ở mức thấp nhưng phải làm nhiều việc cùng một lúc sẽ làm giảm tuổi thọ động cơ và các thiết bị khác trên xe cũng như tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.
Chỉ khi xe vận hành, động cơ quay nhanh, máy nén điều hòa hoạt động lúc này thưởng thức hơi mát từ điều hòa mới là lý tưởng.
Phun nước lên kính:
Cùng với việc hạ cửa kính, mở quạt gió điều hòa thì phun nước lên kính lái cũng giúp xe hạ nhiệt nhanh hơn. Kể cả khi đóng cửa kính, vận hành xe với chặng đường dài, dưới thời thiết nắng nóng thi thoảng phun nước lên kính cũng giúp người lái và những người ngồi trong xe cảm thấy dễ chịu hơn.
Tắt điều hòa và mở hé cửa kính:
Trước khi kết thúc hành trình từ 5 đến 10 phút, người dùng nên tắt hệ thống điều hòa trên xe, đồng thời mở hé các cửa kính lấy gió ngoài để giảm dần chênh lệch nhiệt độ trong xe và ngoài trời, tránh gây sốc nhiệt.
Ngoài ra, người sử dụng xe cũng nên thường xuyên bảo dưỡng điều hòa, kiểm tra, vệ sinh hoặc thay thế lọc gió lọc gió, bổ sung nước làm mát, nước rửa kính, chuẩn bị cho chiếc xe sẵn sàng lên đường bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không ngại đi dưới thời tiết nắng nóng của mùa hè./.
Theo bnews.vn