Ðứng trên con lộ thênh thang, tôi nhớ về câu chuyện trong hành trình gian nan giành đất, giành rừng với thiên nhiên của ông Bùi Văn Ðông, khi ông còn làm Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều. Ông Ðông từng kể, những năm 1997-1998, dọc theo tuyến biển Tây đã hình thành đê bao bằng đất. Khi ấy, phía ngoài đê, đai rừng phòng hộ lấn ra biển cả cây số, có nơi vài cây số. Người dân còn tiến hành làm bờ bao nuôi tôm, bên trong là vùng ngọt bà con trồng lúa. Một vùng rừng - biển yên bình, rồi xóm làng ngày một đông đúc hơn.

Thế nhưng, khung cảnh yên bình ấy không được bao lâu thì sóng biển đánh mất đai rừng, sạt lở đê. Ðặc biệt, từ năm 2009, tình trạng sạt lở dọc theo tuyến đê biển Tây ngày một nghiêm trọng hơn. Từ đó, sức người, sức của được huy động để hộ đê, khôi phục vành đai rừng phòng hộ, bảo vệ sản xuất. Giải pháp tạm thời để bảo vệ đê bên trong, đầu tư xây dựng kè kiên cố bảo vệ bên ngoài... được triển khai quyết liệt từ đó cho đến nay.

Bên ngoài là kè, rồi đến rừng phòng hộ, đê biển đã tạo nên tường thành bảo vệ sản xuất và đời sống người dân bên trong khu vực Hương Mai.

Những nỗ lực trong suốt thời gian ấy, để hôm nay dù chưa thể hoàn thành toàn tuyến nhưng đê biển Tây đã vững chãi trước những cơn sóng dữ, giữ trọng trách bảo vệ sản xuất, tài sản, đời sống của người dân cả một vùng rộng lớn bên trong dọc theo chiều dài hơn 108 cây số, từ Kênh Năm (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) đến vàm Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh).

Ðể hôm nay, thị trấn Sông Ðốc được xem là trung tâm của hệ thống đô thị biển sầm uất trên địa bàn tỉnh. Không chỉ là nơi có đội tàu khai thác lớn nhất tỉnh, mà Sông Ðốc còn là điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá của nghề khai thác biển. Chính lẽ đó, làng biển Sông Ðốc luôn nhộn nhịp bất kể thời điểm nào trong năm. Từ đây, các mặt hàng thuỷ hải sản toả ra các thị trường, vào nhà máy chế biến để xuất ngoại. Khi tuyến đê biển Tây được đấu nối từ Sông Ðốc, hòn Ðá Bạc, vàm Ba Tỉnh, Khánh Hội..., làng biển nơi đây càng trở nên tất bật, sầm uất hơn.

Khai thác cá cơm bún ven đê biển Tây mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân. Ảnh: HUỲNH LÂM

Cầu qua sông Ông Ðốc đã được thông xe, kết nối tuyến đê biển Tây với trục lộ Ðông - Tây, Quốc lộ 1, cầu qua sông Gành Hào sẽ được khởi công......tiếp tục là bệ phóng để đô thị biển Sông Ðốc chuyển mình. Theo ông Võ Quốc Thống, Bí thư thị trấn Sông Ðốc, hiện thị trấn có 5 dự án đã có chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, đó là các dự án xây dựng đô thị biển, khu thương mại, khu dân cư cao cấp. Ðây là những dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng đô thị biển Sông Ðốc.

Không chỉ vậy, khi tuyến đê biển Tây kết nối các điểm đến dễ dàng hơn còn là động lực thúc đẩy phát triển du lịch. Từ thị trấn Sông Ðốc, theo tuyến đê biển Tây xe bon bon về Di tích Lịch sử cấp Quốc gia hòn Ðá Bạc, điểm đến của nhiều du khách khi về với Cà Mau. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn, gắn liền với chiến tích mang tên CM12 của Công an Nhân dân Việt Nam.

Từ khi có lộ trên đê biển Tây, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.

Vừa là điểm du lịch, vừa là nơi thuận tiện phát triển kinh tế biển, bên trong lại là vùng chuyên canh lúa bạt ngàn, nuôi cá nước ngọt trọng điểm..., tạo nên nhịp sống rất riêng cho người dân khu vực Ðá Bạc nói riêng và cả xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời nói chung.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt hiền hoà của chị Lâm Thị Huệ, ấp Kinh Hòn, khi chiếc vỏ máy chở đầy cá cơm cập bến. “Kể từ khi có đê, có đường, tạo thuận lợi cho người dân nơi đây giao thương, mua bán hàng hoá. Giờ đi đâu cũng bằng xe. Ruốc, cá cơm cũng vận chuyển bằng xe”, chị Huệ khoe.

Ðê biển Tây giờ đây không chỉ có nhiệm vụ ngăn sóng, chống tràn mà đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện ven biển phía Tây, trở thành động lực thúc đẩy các đô thị ven biển phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Những thay đổi đang ngày càng hiện rõ hơn từ ngày có đê, có lộ.

Ông Ngô Văn Quận, Ấp 6, xã Khánh Hội, huyện U Minh, chân tình: “Khi mới xuống đây tôi không nghĩ là có đê, chớ nói gì vừa có đê vừa có đường như bây giờ. Hồi đó, đến tháng 10 là ăn ngủ không yên vì sợ sóng, triều cường tràn vào ruộng lúa. Giờ thì yên tâm rồi".

Hành trình ứng phó của con người trước tác động của thiên nhiên chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng với những gì tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện giúp giảm đi nỗi lo canh cánh của người dân xứ biển mỗi khi gió trở mùa. Những năm gần đây, những hộ sống ngoài đê, trong rừng phòng hộ cũng đã được chuyển dần vào khu tái định cư, không chỉ an toàn trước thiên tai mà cuộc sống vật chất, tinh thần cũng được nâng lên.

Không chỉ mang lại hiệu quả chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, những nơi đã được đầu tư các công trình còn bảo vệ được đời sống, sản xuất của người dân. Ðặc biệt hệ thống công trình đê và đường trên đê đã kết nối giao thông thông suốt, thuận tiện để người dân giao lưu hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giữ vững quốc phòng - an ninh.

Vàm Tiểu Dừa, điểm cuối cùng trong chuyến đi lần này, cũng là điểm cuối trên tuyến đê biển Tây, tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang. Ðến Tiểu Dừa vào thời gian cuối ngày, bầu trời trong veo lộ rõ ráng chiều khi mặt trời sắp lặn phía bờ Tây khiến lòng người vô cùng yên bình. Người dân càng vui mừng hơn khi biết rằng, dự án đường hành lang ven biển, từ Kiên Giang sang Cà Mau - Bạc Liêu và Sóc Trăng sẽ được đầu tư. Bởi khi có tuyến đường này, không chỉ người dân được bảo vệ, mà còn thúc đẩy kinh tế khu vực ven biển phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Chuyện đổi thay của vùng ven biển chỉ là một sớm một chiều. Tôi hy vọng sẽ được tận mắt chứng kiến điều đó trong những lần trở lại./.

Theo Báo Cà Mau