Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng của các phương tiện giao thông, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người dân còn yếu cũng như những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các lực lượng chức năng và một số nguyên nhân khác, tình hình TTATGT trên địa bàn toàn quốc diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến đường bộ. Tai nạn và ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nóng bỏng, mối quan tâm thường trực hàng ngày của cả xã hội. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mấy năm gần đây, tình hình TTATGT đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả ở ba tiêu chí, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được cải thiện đáng kể, nhiều “điểm đen” giao thông đã được xóa[1]. Kết quả trên mới chỉ là những dấu hiệu tích cực bước đầu, chưa vững chắc. TNGT, UTGT và những vấn đề khác thuộc lĩnh vực TTATGT vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tình hình trên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp chiến lược, cơ bản, toàn diện. Trong đó, vai trò nòng cốt của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phải tiếp tục được nâng lên ở tầm cao hơn.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ công trong đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Công an, trong những năm qua, lực lượng CSGT đã cố gắng, nỗ lực phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện nhiều nội dung, biện pháp công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn toàn quốc.

- Lực lượng CSGT đã chủ động tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TTATGT. Tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang... quán triệt và triển khai Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Chiến lược quốc gia đảm bảo TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1586/QĐ-TTg, ngày 14/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ) và củng cố Ban Chỉ đạo ATGT các cấp.

- Phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tham gia giữ gìn TTATGT, phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Văn hóa giao thông”; xây dựng và triển khai trên địa bàn toàn quốc nhiều mô hình quần chúng tự quản về TTATGT tiêu biểu, như: “Tổ tự quản về ATGT khu vực dân cư”, “Liên đội tự quản về ATGT trong học sinh”; “Đội thanh niên, sinh viên tình nguyện đảm bảo TTATGT”; “Khu dân cư văn hóa, ATGT”, “Công trường bảo đảm TTATGT”, “Khu dân cư văn hóa, ATGT”, “Trường học sạch, đẹp, an toàn”....; tích cực phối hợp với các nhà trường mở các lớp giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng mở các chuyên mục ATGT phản ánh kịp thời tình hình TTATGT, tuyên truyền phổ biến pháp luật, biểu dương người tốt, việc tốt, cảnh báo tai nạn, ùn tắc giao thông cho người dân; phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm công tác nghệ thuật tổ chức sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, sân khấu hóa nhiều tác phẩm về đề tài TTATGT....

- Phối hợp với các lực lượng khác trong CAND tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản về TTATGT trên các tuyến quốc lộ, đường sắt, điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ dân sinh, tuyến đường thủy nội địa và các tuyến giao thông đô thị ở các thành phố lớn, xác định các “điểm đen” về tai nạn, ùn tắc, xây dựng kế hoạch đảm bảo TTATGT, xóa “điểm đen” giao thông.

- Phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông và các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự - 113, Cảnh sát bảo vệ duy trì thường xuyên và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, nhắc nhở, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác điều hành, chỉ huy giao thông, đảm bảo an toàn, thông suốt, nhất là vào các giờ cao điểm, tại các điểm giao nút thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc ở các tuyến đường nội đô và cửa ngõ ra vào các thành phố, thị xã[2].

Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo TTATGT. Vai trò của lực lượng CSGT đối với việc duy trì trật tự, kỷ cương luật pháp, đảm bảo TTATGT ngày càng được khẳng định, củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, trong chấp hành và điều hành pháp luật về bảo đảm TTATGT, lực lượng CSGT cũng còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót. Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia đảm bảo TTATGT và phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT” còn hạn chế, chưa huy động được hết sức mạnh và các nguồn lực của xã hội vào công tác đảm bảo TTATGT nên ý thức, trách nhiệm công dân, văn hóa giao thông của nhiều người tham gia giao thông chưa được nâng cao, nhất là ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện, đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chưa cao, nặng về xử phạt, coi nhẹ biện pháp giáo dục, thuyết phục và còn xảy ra tiêu cực. Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do: ở một số địa phương, cấp ủy, thủ trưởng công an chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức đến công tác của lực lượng CSGT, nhất là công tác quản lý, giáo dục, tạo điều kiện nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, chiến sĩ; công tác chấp hành, điều hành pháp luật về TTATGT của lực lượng CSGT chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình; sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể với lực lượng CSGT chưa chặt chẽ, nhiều nơi, nhiều lúc chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, tâm lý ỷ lại vẫn tồn tại; trong khi đó, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nhận hối lộ, tiêu cực, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm quy trình, quy chế, kỷ luật công tác, cá biệt, một số trường hợp còn vi phạm pháp luật.

Những hạn chế, yếu kém trên đã làm suy giảm những ấn tượng tốt đẹp về người chiến sỹ CSGT “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong lòng nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, truyền thống của CAND và làm giảm đáng kể vai trò của lực lượng CSGT đối với nhiệm vụ đảm bảo TTATGT.

Để đạt được mục tiêu chung “Phát triển bền vững các giải pháp và chính sách an toàn giao thông đường bộ đáp ứng các yêu cầu hiện tại và tương lai; giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có giao thông an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và bảo đảm an toàn giao thông[3] và các mục tiêu cụ thể, chiến lược đề ra nhiều giải pháp, xác định trách nhiệm chủ công, nòng cốt và giao nhiều nhiệm vụ mới cho các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CSGT.

Để tiếp tục nâng cao vai trò nòng cốt, chủ công trong thực hiện Chiến lược quốc gia đảm bảo TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, lực lượng CSGT cần thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ công tác sau đây:

Một là, chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Ủy ban An toàn giao thông các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý, điều hành và huy động các ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia bảo đảm TTATGT; quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm “Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông phải được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy Đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của các ngành chức năng và chính quyền các cấp; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện của Đảng[4] về công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới. Xác định rõ việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

Hai là, phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, vận động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT, phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, gắn và thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, cần chú trọng áp dụng các nội dung, hình thức thích hợp để cán bộ, Đảng viên, nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa của tai nạn giao thông; mỗi người khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”. Chú ý biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật về an toàn giao thông. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kết hợp với các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về TTATGT trong trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về TTATGT.

Trong xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, lực lượng CSGT Công an cấp huyện phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn tích cực hướng dẫn chính quyền, các ngành, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở và dưới cơ sở xây dựng, triển khai các mô hình tự quản của quần chúng bảo đảm TTATGT ở khu vực dân cư, cổng cơ quan, trường học. Chú ý nhân rộng các mô hình tiêu biểu.

Ba là, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới. Đẩy mạnh tiến độ cải cách hành chính trong lĩnh vực TTATGT theo thẩm quyền của lực lượng CSGT, tạo điều kiện thông thoáng, phục vụ nhu cầu hợp pháp của nhân dân, nhất là trong đăng ký, cấp phép, quản lý phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Đẩy mạnh việc nghiên cứu đổi mới tổ chức giao thông đường bộ một cách hợp lý phù hợp với trình độ kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình phát hiện và xử lý các “điểm đen” giao thông đường bộ, nhất là các tuyến đường cao tốc, quốc lộ liên tỉnh và giao thông đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tổ chức hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường cao tốc, các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến giao thông nội đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong xử lý vi phạm TTATGT, cán bộ, chiến sĩ CSGT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực xử lý vi phạm đúng pháp luật, kết hợp với việc kiên trì vận động, thuyết phục, hướng dẫn, giải thích, lấy vận động, thuyết phục, giải thích, hướng dẫn là chính.

Năm là, cấp ủy, thủ trưởng Công an và đơn vị CSGT các cấp tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sĩ; phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống; khắc phục tình trạng mãi lộ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, vi phạm điều lệnh, quy trình, kỷ luật công tác và các biểu hiện tiêu cực khác trong công tác, sinh hoạt. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy, trước hết là bí thư cấp ủy và thủ trưởng đơn vị thực hiện tốt việc nêu gương. Tích cực tổ chức thực hiện các cuộc vận động xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nhất là cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống vì nhân dân phục vụ”, xây dựng văn hóa ứng xử trong lực lượng CSGT theo khẩu hiệu hành động “Chủ động - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả”.


[1]Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2013 cả nước đã xảy ra 29.385 vụ TNGT, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.610 vụ (-5.19%), giảm 55 người chết (-0,58%), giảm 3.045 người bị thương (-9,36%). Năm 2013, tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT, và là năm thứ hai số người chết vì TNGT tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người. Trong 9 tháng 2014, toàn quốc xảy ra 18.700 vụ, làm chết trên 6.750 người, bị thương gần 18.000 người. So với cùng kỳ năm trước. TNGT giảm gần 15% số vụ, giảm 4% người chết, 18% người bị thương.

 [2]Trong năm 2013, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 5.536.203 trường hợp vi phạm TTATGT; kho bạc Nhà nước thu 2.901,88 tỷ đồng;  tước giấy phép lái xe 449.223 trường hợp; tạm giữ 31.407 ôtô, 609.945 môtô. Công an các địa phương đã khởi tố 4.073 vụ, với 4.021 bị can, VKSND các cấp đã đề nghị truy tố 4.049 vụ với 4.232 bị can, TAND các cấp đã xét xử 3.956 vụ với 4.108 bị cáo phạm các tội về TTATGT.

[3]Chiến lược quốc gia đảm bảo TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1586/QĐ- TTg, ngày 14/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ)

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 18/TW, ngày4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Theo PGS, TS. Trần Minh Thư
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an - Bộ Công an