Khi sử dụng ô tô, việc bảo dưỡng đúng cách, đúng định kì mà nhà sản xuất khuyến cáo sẽ quyết định đến tuổi thọ của chiếc xe. Trong đó, việc lựa chọn dầu nhớt (dầu bôi trơn) phù hợp với loại động cơ được trang bị trên xe cũng là một bước rất quan trọng.
Công dụng của dầu bôi trơn động cơ
Ngoài những công dụng cơ bản mà ai cũng biết như giảm ma sát bảo vệ các chi tiết tiếp xúc, làm sạch, làm mát các chi tiết thì dầu bôi trơn động cơ còn có vai trò làm kín khe hở giữa các chi tiết tiếp xúc với nhau có thể kể đến như giữa xéc măng, pít-tông và thành xy-lanh để giữ áp suất trong buồng đốt và giảm thiểu các chất khí cháy lọt xuống các-te.
Bên cạnh đó dầu bôi trơn sẽ là nơi chứa các chất cặn bã, mạt kim loại tạo ra trong quá trình hoạt động của động cơ, được giữ lại trong dầu nhớt, tránh phát sinh nhiệt độ cao khi ma sát và làm trầy xước các bề mặt chi tiết.
Lựa chọn loại dầu nhớt phù hợp
Hiện nay trên thị trường có xuất hiện thêm nhiều loại dầu nhớt từ đa dạng thương hiệu với mức giá thành khác nhau, nhưng để lựa chọn đúng loại dầu bôi trơn phù hợp, giá cả hợp lí vừa đảm bảo tính năng bảo vệ tốt nhất cho xe của mình thì không phải ai cũng biết.
Có nhiều cách để phân loại dầu nhớt như phân loại theo theo cấp độ nhớt (SAE), theo tính năng của dầu nhớt (API) hay theo công dụng mà nhà sản xuất công bố như: dầu đơn cấp, dầu đa cấp, dầu tổng hợp. Trên thi trường hiện nay cũng có nhiều thương hiệu dầu nhớt cạnh tranh nhau như Total, Shell, Castrol, Motul... Mức giá và chất lượng của những loại dầu nhớt này cũng khác nhau khiến cho nhiều tài xế, người sở hữu xe lúng túng như lạc vào "mê cung" khi lựa chọn một sản phẩm phù hợp.
Vì vậy, tốt nhất nên tham khảo chỉ dẫn của hãng sản xuất, các thông tin đó thường được ghi rõ trong “Tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng” (Owner’s Manual). Trường hợp với những xe cũ đã qua sử dụng, không có “Tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng” thì thường trên nắp động cơ, nơi châm dầu bôi trơn khi thay thế thường có ghi cấp độ nhớt (SAE) hay cấp tính năng (API) mà nhà sản xuất khuyến cáo.
Thực tế, nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu sai về cấp độ nhớt (SAE) hay cấp tính năng (API). Trong đó, SAE là tiêu chuẩn do Society of Automotive Engineers (Hiệp hội kỹ sư Hoa Kỳ) qui định để phân loại cấp độ nhớt, bên cạnh tiêu chuẩn API do Hiệp hội dầu khí Hoa Kỳ (American Petroleum Institute) dùng để phân loại cấp tính năng hay chất lượng được sử dụng rộng rãi tại Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn cấp độ nhớt (SAE) được sử dụng phổ biến hơn.
Theo hệ thống phân loại của SAE (Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Mỹ), đối với dầu đa cấp, sau kí hiệu SAE là những kĩ hiệu số và chữ đan xen như 10W-30, 15W-40...Trong đó, chữ số đầu tiên cho biết nhiệt độ thấp nhất mà động cơ vẫn có thể khởi động bình thường. Để xác định nhiệt độ thích hợp cho động cơ theo ký hiệu này, lấy chữ số này trừ đi 30. Ví dụ, dầu 10W có thể cho phép khởi động động cơ ở -20 độ C, dầu 15W cho phép khởi động ở -15 độ C. Ở những quốc gia ôn đới, mùa đông có tuyết rơi, nước đóng băng, nhiệt độ âm thì dầu động cơ cho các nước này thường là loại 5W, 10W, 15W tương đương có thể khởi động ở nhiệt độ -25 độ C, 0 độ C hay -15 độ C, còn tại Việt Nam, với khí hậu nóng ẩm thì không cần quá quan tâm đến chỉ số này.
Tiếp theo, chỉ số đứng sau chữ "W" mới là chỉ số quan trọng. Chỉ số này biểu thị cho độ đặc loãng của dầu nhớt. Dầu sẽ càng đặc khi chỉ số càng cao. Trên thị trường hiện nay, chúng ta thường gặp nhất là những loại có chỉ số 30, 40 và 50.
Dầu nhớt có đặc tính thay đổi theo nhiệt độ, loãng ra ở nhiệt độ cao và đặc lại ở nhiệt độ thấp. Bởi thế, chỉ số đặc loãng thấp sẽ hiệu quả ở vòng tua thấp, cảm giác lái bốc hơn nhưng vòng tua cao sẽ sinh ra hiện tượng gào máy do nhớt quá lỏng. Loại dầu nhớt này phù hợp với những ai thường xuyên đi đường xa với tốc độ cao (máy được làm mát liên tục) hoặc sống ở nơi có nhiệt độ lạnh.
Đối với loại dầu nhớt có chỉ số đặc loãng cao thì ngược lại. Ở ga đầu sẽ không bốc như loại dầu loãng, nhưng lại giúp xe êm hơn ở vòng tua cao. Loại dầu nhớt 40 hoặc 50 rất phổ biến do nhiệt độ thường xuyên nắng nóng và tắc đường (động cơ không lấy đủ gió để làm mát) ở các thành phố lớn như Việt Nam. Các dòng xe cũ, đã đi nhiều năm cũng nên chọn loại dầu nhớt này.
Sau khi đã chọn được độ nhớt phù hợp, tiếp theo bạn chọn lựa loại dầu phù hợp. Theo thành phần cấu tạo, chất lượng ta chia làm dầu thông thường, dầu thông thường cao cấp, dầu tổng hợp hoàn toàn, dầu tổng hợp pha trộn, dầu cho số km hành trình lớn.
Dầu thông thường: Có giá thành rẻ nhất nên được sử dụng với số lượng lớn tại các đại lý. Loại dầu này đều đạt tiêu chuẩn API và SAE nhưng cung cấp các gói phụ gia ít hơn. Đây là lựa chọn hợp lý cho người dùng thay dầu thường xuyên và động cơ trải qua số km thấp.
Dầu thông thường cao cấp: Đây là loại dầu tiêu chuẩn dành cho xe mới. Thường được kí hiệu “SL” trong biểu tượng API và luôn có sẵn trong phạm vi độ nhớt thông thường.
Dầu tổng hợp hoàn toàn: Dành cho động cơ công nghệ cao, loại dầu này đã vượt qua những thử nghiệm nghiêm ngặt để đạt được hiệu suất cao và lâu dài, từ kiểm tra chỉ số nhớt đến khả năng bảo vệ chống lại kết tủa trong động cơ. Dầu vẫn lưu thông tốt ở nhiệt độ thấp và duy trì bôi trơn ở nhiệt độ cao. Tuy vậy, dầu tổng hợp có mức giá đắt gần gấp ba dầu thông thường.
Dầu tổng hợp pha trộn: Là sự kết hợp giữa dầu thông thường cao cấp và dầu tổng hợp, loại dầu này bảo vệ tốt hơn khi động cơ phải tải nặng và nhiệt độ động cơ quá cao. Đây là lựa chọn thích hợp cho xe bán tải và SUV.
Dầu cho số km hành trình lớn: Theo thống kê, có đến 60% xe đang tham gia giao thông có công-tơ-mét chỉ 120.000 km. Với sự phát triển của thị trường, nhiều nhà máy tinh chế và phòng thí nghiệm đã phát triển loại dầu dành cho xe cũ với số hành trình lớn. Nhiều chất phụ gia được bổ sung để tăng cường tính linh hoạt cho nội bộ động cơ và không ảnh hưởng tới bộ phận khác.
Khi nào nên thay mới
Trong quá trình sử dụng, dầu nhớt sẽ bị biến chất do 3 nguyên do: Nhiệt (oxy hóa, nhiệt phân), lẫn tạp chất (bụi, nước, nhiên liệu), chất phụ gia trong dầu bị tiêu hao hoặc bị biến đổi dẫn đến không phát huy hết công dụng. Trong đó, thời gian sử dụng dầu bôi trơn dài hay ngắn tùy thuộc vào chất lượng dầu, điều kiện làm việc của động cơ và điều kiện môi trường xung quanh. Chính vì thế, sau một thời gian sử dụng, dầu bôi trơn sẽ không còn đảm bảo tính năng bôi trơn và bảo vệ động cơ, do đó cần phải xả bỏ và thay dầu bôi trơn mới sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định.
Thời gian thay nhớt định kỳ thường được nhà sản xuất xe khuyến cáo theo thời gian hoặc theo số km vận hành cụ thể, là một yếu tố quan trọng trong công tác bảo trì, bảo dưỡng xe định kỳ. Theo kinh nghiệm, hầu hết mọi người thường áp dụng quy tắc 3 tháng hoặc 5.000 km tùy theo điều kiện nào đến trước. Tuy nhiên, nếu xe bạn thường xuyên sử dụng các chế độ tải nặng chở hàng hóa, chơi off road hay thường đi xa thì có thể thay thế ở thời điểm sớm hơn tương ứng sau mỗi 2 tháng hoặc 4000km tùy vào điều kiện cụ thể.
Bên cạnh việc thay nhớt định kì thì chúng ta nên chú ý đến việc thay lọc nhớt động cơ. Lọc nhớt có tác dụng ngăn chặn cặn bã, mạt kim loại trong quá trình vận hành các chi tiết ma sát với nhau tạo ra, sau một thời gian sử dụng không thể hoạt động tốt được nữa, dễ dẫn đến tình trạng nhớt không được lọc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến động cơ của xe. Vì vậy, cần phải thay lọc nhớt định kỳ bên cạnh việc thay nhớt. Thông thường sau 2-3 lần thay nhớt động cơ thì chúng ta nên thay lọc nhớt 1 lần.
Theo Otos.