Dưới đây là những hạng mục cần kiểm tra và thay thế định kỳ để chiếc xe máy hoạt động hiệu quả.

 

1. Dầu láp (dầu hộp số) trên xe ga

Khác với xe số, riêng xe ga có 2 loại dầu gồm dầu máy và dầu láp (dầu hộp số). Việc thay dầu máy xe ga cũng giống xe số. Riêng dầu láp thì khác, theo kinh nghiệm, cứ 3 lần thay dầu máy thì một lần thay dầu láp.

2. Dây đai truyền động (xe ga) và nhông, xích (xe số)

Do hoạt động ở cường độ cao và tải trọng lớn nên dây đai chuyển động trên xe ga nhanh xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp tới vận hành của xe. Các dấu hiệu có thể được nhận biết qua việc khởi động xe có tiếng lạch cạch, xe ì, tăng ga lên thì bị trượt côn.

Theo khuyến cáo, kiểm tra và vệ sinh dây đai sau mỗi 8.000 km đến 10.000 km và nên thay mới sau mỗi 20.000 km.

3. Lốp xe máy

Trên thị trường hiện nay có hai loại lốp xe dành cho xe máy: lốp có săm thông thường và lốp không săm. Lốp có săm thì thường dùng cho những xe máy phổ thông có giá thành rẻ do ưu thế về giá và khả năng dễ dàng bơm vá khi xảy ra sự cố. Lốp không săm thường dùng cho xe ga cao cấp, vì có tính an toàn cao và không bị xuống hơi khi cán phải đinh. Nhưng lốp không săm thường có giá cao hơn nhiều.

Đặc biệt với xe máy sử dụng lốp không săm, tuyệt đối không nên sử dụng keo tự vá không rõ nguồn gốc. Nếu để dung dịch này tồn tại lâu trong bánh xe, sẽ xảy ra hiện tượng ăn mòn vành và lốp dẫn đến lốp bị mục, vành bị rỗ và ôxy hóa.

Các chuyên gia khuyến cáo, nên thường xuyên kiểm tra lốp xe trước khi lái như áp suất lốp, độ mòn bất thường, nứt hoặc vết chém trên hông lốp và độ dày của bề mặt lốp. Kiểm tra định kỳ 4.000 km/lần tại các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng. Khi thay lốp mới nên kiểm tra thông số lốp tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đề ra.

4. Ắc quy

Theo các chuyên gia, để bảo vệ ắc quy lâu bền người dùng nên tắt hẳn chìa khóa xe về nút off khi không sử dụng. Với những bình ắc quy nước, nên kiểm tra châm nước thường xuyên và nạp lại bình mỗi tháng.

Hiện nay, đa số xe máy đều sử dụng ắc quy khô. Ưu điểm của loại ắc quy này là không phải châm thêm nước và sạc định kỳ và chúng thường có tuổi thọ từ 2-3 năm.

5. Bugi xe máy

Bugi cũng như nhiều bộ phận khác trên xe, cần kiểm tra và thay thế định kỳ. Theo khuyến cáo, nên thay thế sau mỗi từ 8.000 đến 10.000 km (hoặc một năm chạy xe). Dù bugi ở tiêu chuẩn nào cũng nên thay thế theo khuyến cáo.

Nếu để xe chạy quá 8.000 km mà chưa thay bugi, hoặc tới khi bugi "chết", không thể đánh lửa, khi đó không chỉ ảnh hưởng tới việc khởi động xe, mà còn gây hư hại cho những chi tiết khác trong động cơ.

Thay thế bugi ở mỗi 8.000 km không chỉ giúp động cơ vận hành tốt hơn, tiết kiệm xăng hơn, mà còn tránh tình trạng xe chết máy dọc đường hay ảnh hưởng đến các linh kiện liên quan khác như ắc quy, pít-tông, ống xả khí.

6. Dầu máy

Thời gian thay dầu và lọc dầu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết môi trường sống, mức độ sử dụng hay chất lượng của dầu. Ở Việt Nam, do đặc thù thời tiết vùng miền khác nhau, các nhà sản xuất xe khuyến cáo, nên thay dầu máy định kỳ theo lịch bảo dưỡng như trong sách hướng dẫn sử dụng theo xe.

Nếu sử dụng xe máy trong điều kiện bình thường, sau 1.000 km đầu tiên thì buộc phải thay dầu và tiếp sau mỗi 4.000 km thay một lần.

Với những xe sử dụng thường xuyên thì nên rút ngắn thời gian thay dầu. Theo một số tay thợ lành nghề ở các trung tâm sửa chữa bảo dưỡng xe máy, cần thay dầu sau mỗi từ 1.500 đến 2.000 km.

7. Lọc gió động cơ

Với điều kiện hoạt động tại Việt Nam có phần khắc nghiệt và nhiều bụi bẩn. Thông thường lọc gió có tuổi thọ từ 12.000 đến 16.000 km. Tùy thuộc vào loại lọc gió của mỗi kiểu xe và điều kiện hoạt động của xe nên lịch bảo dưỡng và thay thế khác nhau.

Kiểu khô làm sạch sau mỗi 4.000 km và thay thế mỗi 12.000 km. Kiểu lọc gió mút có thể vệ sinh hoặc giặt sạch, phơi khô. Kiểu giấy nhờn thì thay thế mỗi 16.000 km hoặc thường xuyên hơn. Riêng loại giấy nhờn, nhà sản xuất khuyến cáo không nên vệ sinh mà chỉ thay thế theo định kỳ.

Giá tham khảo các loại lọc gió bằng mút trên thị trường chỉ khoảng 30.000 đồng/chiếc. Lọc gió giấy tùy thuộc vào mỗi dòng xe. Những dòng xe cao cấp như Honda SH, Spacy giá khoảng 600.000 đồng, các dòng xe khác dao động từ 50.000 đến 150.000 đồng.

8. Má phanh, phanh đĩa

Phanh là bộ phận quan trọng không thể thiếu trên mỗi chiếc xe, từ xe đạp đến xe máy và ôtô. Với xe máy, có hai hệ thống phanh gồm phanh đĩa và phanh trống. Người sử dụng nên bảo dưỡng xe định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đặc biệt là hệ thống phanh. Nên thay thế dầu phanh sau mỗi 20.000 km hoặc sau 2 năm sử dụng.

Chúc các bạn có những chuyến du xuân đầu năm Đinh Dậu an toàn, may mắn!

Theo VnExpress