Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, một đoạn của tuyến cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào sử dụng - Ảnh: Phan Tư

Đến 31/1/2017, phấn đấu giải ngân đạt 80%

Năm 2016 là năm đầu triển khai kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đồng thời cũng là năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới, ngành GTVT đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng ở tất cả lĩnh vực. Xin Thứ trưởng chia sẻ những kết quả nổi bật của ngành GTVT trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ?

Năm 2016, ngành GTVT cơ bản hoàn thành các mục tiêu trên tất cả lĩnh vực theo kế hoạch đề ra. Đầu tiên, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngành GTVT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 25 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và một đề án, hoàn thành 100% kế hoạch. Đặc biệt, năm 2016, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành xây dựng Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Hiện, Bộ đang tập trung hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục tổng kết Luật GTĐB sau 10 năm thực hiện, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung vào năm 2018.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là việc nâng cao dịch vụ công ở mức độ 3 và 4. Hiện nay, Bộ GTVT đã có trên 80 dịch vụ công mức độ 4 và trên 130 dịch vụ công ở mức độ 3. Bộ GTVT tiếp tục đứng ở nhóm đầu các bộ, ngành về các chỉ số cải cách hành chính theo xếp hạng của Bộ Nội vụ. Đây là một trong những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính của Bộ GTVT. Về công tác bảo đảm trật tự ATGT, năm 2016, TNGT tiếp tục giảm cả ba tiêu chí. Trong năm qua, Bộ GTVT đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện lĩnh vực vận tải và phê duyệt được quy hoạch về luồng tuyến. Các địa phương đã bắt đầu thực hiện triển khai quy hoạch luồng tuyến, nổi bật nhất là TP Hà Nội. Ngoài ra, ngành GTVT cũng tăng cường sửa đổi các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải để đảm bảo an toàn, đồng bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Công tác giải ngân các dự án được Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo rất sát sao và đây là chủ đề “nóng” được bàn thảo thường xuyên trong các cuộc họp của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT trong năm qua. Tuy nhiên, kết quả giải ngân năm 2016 của Bộ GTVT chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này, thưa Thứ trưởng?

Một trong những nhiệm vụ lớn năm 2016 của Bộ GTVT là đẩy nhanh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc thực hiện triển khai nâng cấp toàn diện dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh giai đoạn II bằng nguồn vốn dư. Tuy nhiên, 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công và là năm thứ hai triển khai Luật Xây dựng (sửa đổi) nên quá trình hoàn thiện các thủ tục như: Chủ trương đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu… mất rất nhiều thời gian. Phải đến tháng 8/2016, mới hoàn thiện thủ tục, sau đó, tháng 10/2016 mới có thông báo kế hoạch vốn, dẫn tới kết quả giải ngân nguồn vốn TPCP còn gặp nhiều khó khăn.

"Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT xác định quyết toán các dự án hoàn thành là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT trong năm 2016. Tại nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo và yêu cầu tất cả các Ban QLDA phải khẩn trương tiến hành quyết toán dự án hoàn thành, nhất là các dự án BOT để công bố công khai, minh bạch thời gian thu phí từng dự án cho xã hội và người dân nắm rõ thông tin và giám sát”.

Thứ trưởng
Nguyễn Hồng Trường

Hơn nữa, năm qua, nhiều dự án giao thông chịu ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, nhất là các dự án ở khu vực miền Trung khi thời tiết liên tục mưa lớn và kéo dài khiến các công trình không thể thi công. Điển hình như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lẽ ra phải hoàn thành các gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong năm 2016, tuy nhiên, do biến động của thời tiết nên phải kéo dài sang quý I/2017. Cao tốc La Sơn - Túy Loan cũng trong tình cảnh tương tự khi chỉ hoàn thành 70% kế hoạch. Đến nay, kết quả giải ngân của toàn ngành đạt khoảng 65%, trong đó nguồn vốn ODA đạt trên 92%, vốn ngân sách Nhà nước đạt gần 70% và nguồn vốn TPCP đạt khoảng 50%. Theo quy định, ngày 31/1/2017 là thời điểm kết thúc công tác giải ngân của năm 2016, hiện nay, Bộ GTVT đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu đến hết tháng 1/2017 sẽ giải ngân đạt khoảng 80%, như vậy sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Năm 2017, việc giải ngân nguồn vốn TPCP sẽ được thực hiện rất nhanh bởi các vướng mắc về mặt thủ tục cơ bản đã được giải quyết hết trong năm 2016. Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã yêu cầu các Thứ trưởng trực tiếp theo dõi khu vực cùng các chủ đầu tư, ban QLDA rà soát lại các tồn tại, ngoài việc đẩy nhanh thi công ở hiện trường cần phải nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để giải ngân.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường được ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú

Thọ báo cáo tình hình thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Phùng Trọng

25 dự án BOT hoàn thành quyết toán

Quyết toán các dự án hoàn thành, nhất là những dự án BOT để công khai, minh bạch giá trị thực tế đầu tư, thời gian thu phí của các dự án là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Xin Thứ trưởng cho biết, công tác này đã được Bộ GTVT thực hiện thế nào trong năm qua?

Việc thực hiện công tác này được Bộ GTVT chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn I, các dự án kết thúc trong năm 2015 sẽ phải hoàn thành dứt điểm quyết toán công trình trước 31/12/2016. Giai đoạn II, các dự án kết thúc trong năm 2016 phải hoàn thành quyết toán trước 30/6/2017. Kết quả, đến 31/12/2016 đã có 25 dự án hoàn thành công tác quyết toán, vượt tiến độ yêu cầu đề ra. Dự kiến, trong tháng 1/2017, Bộ GTVT sẽ công bố thông tin các dự án BOT hoàn thành quyết toán và thời gian thu phí của các dự án trên website của Ban PPP để mọi người dân đều được biết.

Các dự án BOT sau khi quyết toán đều được xác định lại giá trị đầu tư thực tế và gần 100% dự án không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Hầu hết các dự án do không dùng đến chi phí dự phòng nên thời gian thu phí đều giảm khoảng 3 - 5 năm. Bên cạnh các dự án BOT, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban QLDA đẩy nhanh công tác hoàn thành các dự án sử dụng các nguồn vốn khác, đảm bảo sau khi dự án hoàn thành, sau một năm sẽ phải quyết toán xong.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang gấp rút thi công - Ảnh: Xuân Huy

Tập trung đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Đầu tư để nối thông cao tốc Bắc - Nam là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ngành GTVT trong nhiệm kỳ 2016-2020. Đến nay, quá trình chuẩn bị dự án được thực hiện ra sao, thưa Thứ trưởng?

Hiện, Bộ GTVT đã đưa ra chương trình, lộ trình để xây dựng các đoạn tuyến nhằm nối thông tuyến cao tốc này. Theo đó, với chiều dài 1.376km, tuyến cao tốc Bắc - Nam được chia thành 20 dự án thành phần để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). Về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định dành hơn 40 nghìn tỷ đồng (đợt 1) để phục vụ đối ứng cho dự án. Bộ GTVT cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy chế, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai các công tác cần thiết.

Đối với dự án này, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản toàn tuyến vào năm 2021. Trong đó, một số đoạn tuyến quan trọng dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay như: Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh, Dầu Giây - Phan Thiết, Quảng Ngãi - Quy Nhơn…

Có ý kiến cho rằng, những năm qua, ngành GTVT chú trọng phát triển lĩnh vực đường bộ và hàng không, trong khi đường sắt, đường thủy nội địa ít được chú trọng. Thời gian tới, Bộ GTVT định hướng triển khai thế nào để phát triển hài hòa các lĩnh vực, thưa Thứ trưởng?

Bộ GTVT đang xây dựng đề án để phát triển hài hòa các phương thức vận tải. Hiện nay, lĩnh vực đường sắt đang được tập trung phát triển, nhất là việc tăng số lượng đội tàu hàng hóa để giảm tải cho đường bộ. Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thực hiện thành công việc giảm thời gian chờ tàu từ 90 tiếng xuống còn 54 tiếng và thị phần của vận tải đường sắt đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là vận tải container.

Ở lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, phía Nam sẽ tập trung đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường tuyến vận tải Việt Nam - Campuchia; Dự án luồng sông Hậu giai đoạn II; Dự án nạo vét kênh Chợ Gạo và hệ thống cho các cảng lớn như: Cái Mép - Thị Vải, Tân Cảng - Hiệp Phước đáp ứng tàu 50 nghìn tấn có thể ra vào. Khu vực phía Bắc, ngành GTVT tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư thông tuyến Thái Bình - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Lào Cai, đồng thời cải thiện hệ thống vận tải thủy trên sông Hồng. Bên cạnh đó, việc mở rộng hình thức xã hội hóa đầu tư ở lĩnh vực đường thủy nội địa cũng đã được tính đến. Hiện nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang xây dựng phương án để thí điểm đầu tư dự án nạo vét kênh Chợ Gạo theo hình thức BOT.

Lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT sẽ tăng cường đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng năng lực phục vụ 40-50 triệu hành khách/năm; mở rộng đường lăn, sân đỗ sân bay Nội Bài; Tiếp tục đầu tư mở rộng các sân bay: Đà Nẵng, Cát Bi… Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các hãng hàng không trong nước phải có kế hoạch, lộ trình phát triển đội bay phù hợp với hạ tầng chứ không thể phát triển nóng như trước đây, để các sân bay có thể đáp ứng được năng lực vận tải.

Sáp nhập các ban QLDA

2017 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Ngành GTVT lựa chọn chủ đề hành động là: “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”. Thứ trưởng có thể chia sẻ những giải pháp lớn mà Bộ GTVT đặt ra để đạt được mục tiêu này?

Trong năm, Bộ GTVT sẽ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, Bộ tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức toàn ngành theo hướng Bộ chỉ tập trung quản lý các đơn vị sự nghiệp công. Cùng đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, chuyển giao các doanh nghiệp về SCIC quản lý và giao quyền tự chủ cho các đơn vị một cách một mẽ hơn. Đặc biệt, đầu năm 2017, Bộ GTVT sẽ tiến hành sắp xếp lại các Ban QLDA trên cơ sở sáp nhập các đơn vị với nhau để thành lập các ban QLDA mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng năng lực triển khai nhiều dự án lớn trong thời gian tới.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện các luật, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của ngành ngày càng tốt hơn và sát với thực tiễn hơn. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào dự án cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thành các dự án lớn đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đối với lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT sẽ quyết liệt chỉ đạo để hoạt động vận tải đi vào nền nếp, chống độc quyền trong kinh doanh vận tải, đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp vận tải để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc…

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởngTổng cục Đường bộ VN:

Đổi mới toàn diện lĩnh vực đường bộ

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 của Tổng cục Đường bộ VN là tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong năm, tổng cục sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng bảo trì đường bộ, ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới về xây dựng, bảo trì đường bộ, đảm bảo ATGT hệ thống đường bộ quốc lộ; Cùng đó, sẽ kịp thời xử lý các điểm đen TNGT, tăng cường quản lý hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; Kiểm soát tải trọng xe.

Năm nay, Tổng cục Đường bộ VN sẽ rà soát phương án tài chính các hợp đồng BOT để điều chỉnh hợp đồng; Công khai, minh bạch doanh thu thu phí; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực của đường bộ.

                                                                                                     T.D

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN:

Tập trung giảm chi phí vận tải

Năm 2017, Tổng công ty Đường sắt VN phấn đấu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng; Đảm bảo đủ việc làm cho người lao động; Thu nhập bình quân tăng 8% trở lên. Kiềm chế và giảm dần TNGT đường sắt so với năm 2016 từ 5-7% ở cả ba tiêu chí.

Tuy nhiên, đây là nhiêm vụ khó khăn, đòi hỏi tổng công ty phải thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt VN. Đặc biệt, tập trung thực hiện các giải pháp để giảm chi phí đầu vào cho các công ty vận tải, từ đó giảm giá thành, tăng cạnh tranh; Thu hút các nhà đầu tư chiến lược trở thành cổ đông của các công ty vận tải; Nghiên cứu các giải pháp thu hút nguồn lực từ xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đủ hấp dẫn, tạo niềm tin để các doanh nghiệp đầu tư.

                                                                                                     T.T

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt nam:

Đến năm 2020, đường thủy chiếm 32% tổng thị phầnvận tải

Năm 2017, nhóm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, thực hiện quy hoạch và các đề án. Trong đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tập trung vào các giải pháp như: Đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đường thủy.

Nhằm thúc đẩy vận tải để đạt mục tiêu chiếm 32% tổng thị phần vận tải vào năm 2020, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam còn quyết tâm thực hiện tái cơ cấu vận tải thủy, chủ động tăng sự kết nối với các phương thức vận tải khác, theo hướng chủ yếu đảm nhận hàng rời khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, vận tải pha sông biển và container trên các hàng lang vận tải chính.

                                                                                                   H.L

Theo Báo giao thông