Đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP HCM thông thoáng nên nhiều chủ phương tiện chủ quan chạy quá tốc độ cho phép. Ảnh: Đỗ Loan
Chủ quan do đường vắng
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều ngày qua tại các tuyến đường trung tâm TP.HCM, do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu của Chính phủ để phòng lây lan Covid-19 nên người dân hạn chế ra đường, lượng phương tiện tham gia giao thông cũng giảm đáng kể. Các tuyến đường trở nên thông thoáng và không ít người điều khiển phương tiện chủ quan chạy với tốc độ nhanh hơn.
Đơn cử tại đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), không còn cảnh tấp nập ở khu vực ra vào cảng Phú Hữu như trước, rất nhiều người đi xe máy phóng với tốc độ cao và thực tế đã xảy ra một số vụ TNGT. Theo Đội CSGT quận 9, trong tháng 3, khu vực này xảy ra hàng chục vụ TNGT giữa xe máy và ô tô, trong đó có 1 người đi xe máy tử vong.
Tương tự, nút giao Mỹ Thủy (Q.2), 1 trong 8 điểm đen TNGT trên địa bàn TP.HCM, lưu lượng giao thông cũng thưa vắng hơn. Nơi đây cũng xảy ra 1 vụ TNGT giữa container và xe máy khiến 1 người tử vong vào đêm 9/3.
Trước tình hình trên, Sở GTVT TP.HCM phải yêu cầu Ban QLDA các công trình giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; đồng thời lắp bổ sung 4 biển báo chỉ hướng lưu thông trên đường Võ Chí Công trước khi vào nút giao.
Đường Mai Chí Thọ, hướng về hầm sông Sài Gòn những ngày này cũng rất thông thoáng. Đường rộng, nhiều làn xe, người điều khiển xe máy và ô tô phóng với tốc độ cao. Tại đây cũng xảy ra vụ TNGT làm một người đi xe máy tử vong. “Cả tháng nay, đường này rất vắng, mấy cậu thanh niên phóng xe vun vút rất nguy hiểm. Mới đây, tôi chứng kiến vụ tai nạn do người đi xe máy chạy tốc độ cao, vượt đèn đỏ va chạm với ô tô. May lúc đó ô tô đã kịp phanh lại, người đi xe máy bị ngã xe, văng ra đường bị thương”, ông Nguyễn Văn Bình, người thường xuyên lưu thông trên đường Mai Chí Thọ cho hay.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vũ, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, trong quý I/2020 trên địa bàn Tiền Giang xảy ra 82 vụ TNGT, làm 59 người chết, 39 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 8 vụ, tăng 3 người chết.
Trong khi đó, cùng thời gian này, tại Bến Tre xảy ra 41 vụ TNGT, làm chết 43 người, bị thương 8 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 10 vụ, tăng 11 người chết, tăng 7 người bị thương. Trong số này có 16 vụ có liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.
Vi phạm giao thông trong giai đoạn cách ly cần bị trừng trị nghiêm khắc
“
Theo Ban ATGT TP.HCM, quý I/2020 trên địa bàn thành phố xảy ra 653 vụ TNGT, làm 125 người chết và 442 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 130 vụ, giảm 18 người chết và giảm 91 người bị thương. Tuy nhiên, riêng tháng 3, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng có 51 người chết, tăng 16 người so với tháng 2. Số người chết do TNGT không liên quan đến sử dụng rượu bia mà do người tham gia giao thông không chấp hành Luật GTĐB như: Phóng nhanh, vượt đèn đỏ, đi sai làn…
Trong quý I, lực lượng CSGT TP.HCM xử lý 129.114 trường hợp vi phạm (tăng hơn 28.000 trường hợp so với cùng kỳ), tước GPLX 13.192 trường hợp, tạm giữ 5.557 phương tiện vi phạm các loại.
”
Trước diễn biến phức tạp của tình hình TNGT trên địa bàn, những ngày gần đây, lực lượng CSGT TP.HCM đã tăng cường kiểm tra chốt chặn tại các tuyến đường lớn như: QL13, QL1A, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, đường dẫn cao tốc Long Thành - Dầu Giây... để kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt, kể từ tháng 4, đơn vị đã thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về trật tự ATGT, trong đó xử lý nghiêm với các hành vi dẫn tới TNGT như: Chạy quá tốc độ quy định, vi phạm về nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, đi vào đường cấm, chở quá số người quy định… Nhờ đó, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu có dấu hiệu giảm hẳn.
Ghi nhận của PV, trên các tuyến đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt cũng luôn có lực lượng CSGT kiểm tra thường xuyên, do vậy đường vắng các phương tiện cũng không dám chạy quá tốc độ nữa.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, một số địa phương có TNGT tăng trong tháng 3 (tính từ 15/2 - 14/3), nghĩa là trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong những ngày giãn cách xã hội, TNGT vẫn giảm rất sâu.
Theo ông Hùng, nguyên nhân TNGT tại một số địa phương tăng trong tháng 3 là một có một số người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, thấy mật độ giao thông giảm, đường thông thoáng, lại cho rằng lực lượng chức năng tập trung chống dịch, không tuần tra, xử phạt cho nên họ tự cho mình cái quyền vi phạm, quyền uống rượu, bia rồi vẫn lái xe, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ... gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cũng có nơi, có chỗ do lực lượng tuần tra, kiểm soát tập trung cho nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh nên không thể đảm bảo khép kín địa bàn và thời gian, từ đó những người thiếu ý thức, lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm quy định về ATGT, gây ra TNGT. Dù số liệu chung toàn quốc, TNGT trong quý I và tháng 3 giảm sâu, nhưng chúng ta vẫn thấy số liệu TNGT tháng 3 tăng ở một số địa phương, một số địa bàn.
Theo ông Hùng, trong quý II và thời gian trước mắt, các ngành, các cấp và toàn dân vẫn phải tập trung thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm cách ly xã hội. Mọi tổ chức, cá nhân cần hạn chế đi lại, chỉ đi lại khi thực sự cần thiết, nhằm giảm thiểu mức độ tham gia giao thông, giúp giảm nguy cơ va chạm và TNGT.
“Những người có hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT, uy hiếp ATGT, gây TNGT cần phải bị lên án, trừng trị theo những chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật. Đơn cử như vụ đua xe ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) hay vụ đua xe ở Đà Nẵng đã được lực lượng chức năng khởi tố ngay. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân tập trung chống dịch, hạn chế đi lại, tham gia giao thông an toàn trong điều kiện dịch bệnh, không vi phạm pháp luật ATGT, không vi phạm tốc độ, phần đường, làn đường, thực hiện “Đã uống rượu bia - không lái xe”, ông Hùng nói.
Theo Báo Giao thông