Hệ thống giao thông ở Nhật Bản
Trung Quốc: Cấm sử dụng rượu, bia nhằm giảm TNGT tối đa
Để cải thiện ATGT đường bộ và giảm tai nạn tử vong do giao thông, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách liên quan đến ATGT đường bộ trong nhiều thập kỷ qua. Năm 2004, một luật tổng hợp liên quan đến giao thông (Luật An toàn Giao thông đường bộ) đã được ban hành với mục đích kéo giảm tỷ lệ tử vong do TNGT.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, luật này đã được Chính phủ ban hành vào năm 2008 và một lần nữa sửa đổi vào năm 2011. Việc sửa đổi năm 2011 áp đặt nhiều hạn chế hơn, hạ thấp nồng độ cồn trong máu cho phép đối với việc lái xe và hình sự hóa các hành vi lái xe khi say rượu, bia. Luật sửa đổi yêu cầu đình chỉ giấy phép lái xe của những người có nồng độ cồn trong máu từ 0,02% đến 0,08% trong 5 năm và những người lái xe có nồng độ cồn trong máu > 0,08% sẽ bị kết án tù trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Đây là những hình phạt lái xe khi say rượu nghiêm khắc nhất được ban hành cho đến nay ở Trung Quốc.
Nhật Bản: Người tham gia giao thông không được bấm còi, trừ trường hợp khẩn cấp
Đất nước mặt trời mọc vốn dĩ đã nổi tiếng là một quốc gia có hệ thống giao thông đường bộ tốt nhất thế giới và số vụ TNGT nước này cũng thấp nhất thế giới. Để có được thành tựu đó, Chính phủ Nhật Bản từ nhiều thập kỷ qua không chỉ đầu tư hệ thống giao thông tốt mà đã xây dựng hệ thống luật chặt chẽ, mức xử phạt nghiêm khắc, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân.
Pháp luật Nhật Bản cấm tuyệt đối người điều ô tô không được sử dụng rượu, bia hoặc trên cơ thể có mùi rượu. Nếu nồng độ cồn vượt quá 0,15mg/l (tương đương 0,03%) thì lái xe có thể bị phạt một khoản tiền lớn 500.000 Yên, tương đương khoảng hơn 108 triệu đồng và còn chịu mức án 3 năm tù. Còn nếu lái xe trong tình trạng say rượu, bia sẽ bị phạt 1 triệu Yên, tương đương khoảng 215 triệu đồng và 5 năm tù.
Ngoài ra, Nhật Bản quy định quy tắc chung khi tham gia giao thông, đó là lái xe bên phải và di chuyển bên trái, vì vậy vô-lăng ô tô ở Nhật Bản nằm ở phía tay phải.
Bên cạnh đó, luật quy định không được rẽ khi có đèn đỏ. Ngoài ra, phương tiện phải nháy đèn xi nhan trước 3 giây khi chuyển làn hoặc nhập làn khác. Luật giao thông ở Nhật Bản còn quy định không được bấm còi trừ khi gặp trường hợp nguy hiểm và phương tiện giao thông lớn phải ưu tiên phương tiện nhỏ hay người đi bộ được ưu tiên nhất. Để đảm bảo ATGT, tất cả mọi người ngồi trên xe đều phải thắt dây an toàn, kể cả người ngồi trước và người ngồi sau.
Không chỉ quy định chặt chẽ đối với các ô tô, mô tô mà pháp luật của Nhật Bản còn quy định chi tiết đối với người sử dụng xe đạp khi tham gia giao thông như: Nghiêm cấm đi xe đạp khi đã uống bia, rượu; không được phép đi xe đạp đôi và đi xe hàng 2 hàng 3; không cầm ô, dù khi đi xe đạp mà thay vào đó là mặc áo mưa; không nghe điện thoại, sử dụng thiết bị điện tử khi di chuyển. Nếu bị bắt, người vi phạm sẽ phải nhận mức phạt tới 5.000 Yên, tương đương hơn 1 triệu đồng.
Đường cao tốc ở Đức
Đức: Quốc gia duy nhất không giới hạn tốc độ trên đường cao tốc
Đức là nước duy nhất trên thế giới không có giới hạn về tốc độ khi lái xe trên đường cao tốc. Những tài xế Đức được đào tạo bài bản và phải vượt qua cuộc thi lấy bằng lái rất khó khăn. Dù vậy, nhiều người vẫn đặt câu hỏi tại sao Đức lại áp dụng quy định này và liệu điều này có dẫn đến những vụ tai nạn hay không?
Hệ thống đường cao tốc ở Đức gọi là Autobahn với chiều dài 13.000 km. Theo Hiệp hội Ô tô Quốc gia Đức (ADAC) thì cũng có mức giới hạn tốc độ là 130 km/h trên khoảng 30% mạng lưới Autobahn và đó thường là ở những nơi đông đúc nhất. Các hạn chế khác được áp dụng gần các công trường xây dựng, các đoạn đường cong nguy hiểm, trong và xung quanh các thành phố. Trên những đoạn đường không bị hạn chế sẽ có "khuyến nghị" về tốc độ là 130 km/h.
Tại Đức, Chính phủ quy định rất chặt chẽ các quy tắc khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Đơn cử, luật quy định bị phạt gấp đôi nếu tăng tốc trước khi vượt đèn đỏ. Thông thường, nếu vượt đèn đỏ, tài xế sẽ bị phạt khoảng 100 USD. Nhưng trong năm 2021, tại Thủ đô Berlin, một tài xế đã tăng tốc khi nhìn thấy đèn xanh chuyển sang vàng. Nhưng tới khi đèn chuyển đỏ, xe vẫn còn cách vạch dừng khoảng chục mét. Tòa án đã tuyên phạt tài xế 220 USD, tức gấp đôi mức bình thường. Ở nước khác, đây chỉ là lỗi vượt đèn đỏ đơn thuần.
Nước Đức xem việc để xe hết xăng trong bình nhiên liệu là lỗi đáng bị phạt tiền. Bởi vì, việc đổ xăng được xem là hành vi hoàn toàn chủ động và là nhận thức của tài xế. Nếu xe hết xăng trên đường không có giới hạn tốc độ sẽ rất nguy hiểm. Tiền phạt để xe hết xăng là 70 Euro, tương đương 2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ở Đức, việc đào tạo lái xe rất bài bản, kỹ năng điêu luyện và đi đúng luật, không hề tranh giành, vượt ẩu (cướp đường của nhau)... Đó có thể là do tính cẩn thận, kỷ luật và kỹ năng điều khiển xe tốt, bởi nếu có một cú va chạm ở vận tốc 280 - 300 km/h trên đường cao tốc, lái xe sẽ tử vong hoặc thương tật suốt đời.
Tại quốc gia này, các chuyên gia vẫn thường hướng dẫn các tài xế rất nhiều điều bổ ích, lý thú và bài bản trong việc lái xe, bao gồm cả kỹ năng lái xe off-road, lái xe trên đường mùa đông hay kỹ thuật nâng cao như drifting ở các góc ngoặt...
Việc quy định các loại xe nào được chạy trên đường cao tốc được cụ thể hóa trong Luật. Nguyên tắc cơ bản để đi trên đường cao tốc là trừ xe tải (bất kể loại nào), xe kéo rơ-moóc chỉ được phép đi ở làn trong cùng, bên phải với vận tốc khoảng 60 - 80 km/h; tất cả xe con và mô tô hai bánh phân khối lớn đều được phép chạy tốc độ tối đa cho phép ở các làn giữa và làn ngoài cùng bên trái, nhưng không được "ôm" khư khư một làn đường (giữa hay ngoài cùng bên trái). Trên đường cao tốc, xe chạy với vận tốc không hạn chế chỉ áp dụng cho các làn ngoài bên trái. Khi vượt nhau phải tuân thủ quy tắc khi các làn trong bên phải còn trống thì phải vào ngay.
Theo Tạp chí GTVT