Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Ùn tắc giao thông đã chủ động khắc phục, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong năm, nhất là Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, bắt giữ ngăn chặn tội phạm trên các tuyến giao thông, góp phần phục vụ ổn định, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế...

Đồng chí Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống lực lượng CSGT

Năm 2017, tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; trong nước diễn ra nhiều hoạt động chính trị lớn, quan trọng, có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT, trong đó đặc biệt là các hoạt động của Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng (6/11 đến 11/11/2017). Công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và TTATGT còn có những mặt yếu kém, lỏng lẻo. Việc phát triển giao thông vận tải chưa theo đúng chiến lược, quy hoạch, mất cân đối nghiêm trọng giữa các loại hình vận tải, phương tiện vận tải; công tác tổ chức giao thông lúng túng, thiếu khoa học; công tác kiểm định phương tiện, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý lái xe chưa chặt chẽ, bộc lộ nhiều yếu kém; việc xây dựng các tuyến giao thông theo hình thức BOT bất hợp lý về nhiều vấn đề, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện đang để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự khu vực; trong khi đó, tình trạng di cư từ vùng lân cận đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp kéo theo phương tiện tiếp tục tăng nhanh, cùng với các tuyến đường ngày càng được phát triển nhưng không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, tác động lớn đến TTXH, TTATGT; ngoài ra, ảnh hưởng khách quan thời tiết có nhiều thiên tai, mưa bão, lũ lụt kéo dài ở nhiều địa phương, nhất là miền núi phía Bắc và Trung Bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, an ninh, trật tự và giao thông...

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng kiểm tra công tác phục vụ tuần lễ cấp cao APEC tại Quảng Nam

Công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, Lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều giải pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng CSGT đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn thực hiện nhiệm vụ, đồng thời được sự hỗ trợ của các lực lượng nên tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến rõ nét: Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (Toàn quốc đã xảy ra 20.061 vụ, làm chết 8.267 người, bị thương 17.036 người. So với năm 2016, giảm 1.353 vụ (-6,32%), giảm 374 người chết (-4,33%), giảm 2.064 người bị thương (-10,81%)); Ùn tắc giao thông đã chủ động khắc phục, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong năm, nhất là Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng; tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, bắt giữ ngăn chặn tội phạm trên các tuyến giao thông (trên đường thuỷ, đã xác lập, đấu tranh khám phá 14 chuyên án, bắt giữ 31 đối tượng; trên đường bộ và đường sắt, phát hiện 5.427 vụ, bắt giữ 2.995 đối tượng có dấu hiệu của tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông, thu giữ hàng trăm bánh Heroin và ma tuý tổng hợp, nhiều vũ khí, chất nổ trái phép). Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác Cảnh sát giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nâng cao hiệu quả công tác…

Lễ ra quân đảm bảo TTATGT phục vụ tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo và các mặt công tác nghiệp vụ: sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tại Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Công an; mở 04 đợt cao điểm bảo đảm TTATGT toàn quốc, tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các hành  vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nổi lên là xử lý vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở quá tải (đã phát hiện lập biên bản xử lý 4.253.454 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 2.695,36 tỷ đồng); phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông...Những kết quả trên đã góp phần tích cực bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông, phục vụ ổn định, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế.

Chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định tốc độ của lực lượng CSGT, Công an TP. Hồ Chí Minh

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa của lực lượng Cảnh sát đường thủy

Lực lượng CSGT kiểm tra xử lý các trường hợp xe khách vi phạm TTATGT

Kết quả công tác được đánh giá đúc kết với 10 sự kiện tiêu biểu năm 2017:

Một là, Tham gia bảo vệ thành công Năm APEC 2017, đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ ngày 06 đến ngày 11/11/2017 tại Đà Nẵng với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, Tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương có văn bản chỉ đạo tiếp tục tăng cường việc thực hiện và tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Tham mưu cho Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 11/KH-BCA-C67 ngày 09/01/2017 về bảo đảm TTATGT của lực lượng CAND năm 2017. Đổi mới trong công tác theo dõi, chỉ đạo các địa phương, phân công lãnh đạo Cục phụ trách các địa phương theo Cụm.

Ba là, Ban hành Kế hoạch số 1137/KH-C67-P1 ngày 27/3/2017 về thực hiện Năm công tác nghiệp vụ cơ bản và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông, đạt được nhiều thành tích lớn.

Bốn là, Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm lớn trong toàn quốc đạt kết quả cao, đặc biệt là trong tổ chức đợt cao điểm tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Cục đã chủ trì xây dựng 04 phương án và bố trí các Đội công tác trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với PC67, PC68 Công an các địa phương cùng thực hiện.

Năm là, Chủ động báo cáo Bộ, xây dựng các Kế hoạch, Phương án bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường cho các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển để phòng chống, xử lý kịp thời các vụ tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, biểu tình... gây ùn tắc giao thông, mất TTATGT được lãnh đạo Bộ, Giám đốc Công an các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Sáu là, Tham mưu cho Bộ tổ chức Hội nghị bảo đảm TTATGT, phòng ngừa ùn tắc giao thông khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh, lân cận; Hội nghị chuyên đề công tác bảo đảm TTATGT - TTXH trên đường thủy nội địa trên toàn quốc.

Bảy là, Tổ chức các đợt tập huấn về nhiều lĩnh vực cho khoảng 55.000 lượt cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CSGT.

Tám là, Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ về “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT”; Hội nghị về “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền bảo đảm TTATGT và xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Cảnh sát giao thông”. Phát hành Đặc san CSGT.

Chín là, Chủ động phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Chương trình hành động thực hiện quyết liệt Nghị quyết. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mười là, Trong dịp 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, Cục CSGT đã có nhiều hoạt động tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ. Lần đầu tiên, Cục CSGT phân công các đồng chí lãnh đạo Cục và các đơn vị đến một số địa phương thăm hỏi, động viên và tri ân các đồng chí thương binh CSGT, các gia đình thương binh, liệt sỹ đối với lực lượng CSGT. Đồng chí Cục trưởng có thư gửi đến các đồng chí thương binh, gia đình thương binh, liệt sỹ để thăm hỏi, tri ân, tạo ra sự xúc động của các gia đình, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ CSGT “THÂN THIỆN – NHÂN VĂN”.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT cũng còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục, đó là: tai nạn giao thông tuy được kiềm chế và giảm nhưng số người chết do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tình trạng vi phạm các quy định về TTATGT vẫn còn khá phổ biến mà chưa được dư luận đấu tranh phê phán và xử lý kịp thời; ùn tắc giao thông kéo dài vẫn là vấn đề phức tạp; công tác điều tra cơ bản làm còn hạn chế, công tác nắm tình hình, dự báo tình hình còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Việc chấp hành chế độ báo cáo ở một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm, chưa đúng thời gian quy định, chất lượng báo cáo chưa bảo đảm. Cấp ủy, thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa thực sự năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, mệnh lệnh công tác cũng như lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng đối với CBCS; chưa chủ động, nhạy bén, sâu sát tình hình và đôn đốc, kiểm tra chưa quyết liệt; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhiều nơi còn hình thức; phương thức, biện pháp tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng và địa bàn cụ thể. Việc xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền chuyên đề để định hướng dư luận còn chậm, thiếu nhạy bén, nhất là đối với các vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm; Công tác TTKS, xử lý vi phạm có nơi, có lúc chưa thực sự quyết liệt; hiệu quả TTKS, xử lý vi phạm còn thấp; Công tác điều tra, giải quyết TNGT còn hạn chế; việc phối hợp giữa CSGT với Cảnh sát điều tra trong công tác điều tra, giải quyết TNGT có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ dẫn đến quá trình điều tra, giải quyết gặp nhiều khó khăn; Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm chưa tương xứng với tình hình phức tạp và chủ yếu là thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát hoặc phối hợp với các lực lượng khác; Việc ứng dụng thiết bị, công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT cho một số địa phương, một số tuyến nhưng chưa được quan tâm thực hiện nghiêm túc nên hiệu quả chưa cao, nhất là trong lĩnh vực giám sát, xử lý vi phạm hành chính.

Thời gian tới, để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông, giải quyết những tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tham mưu với Đảng uỷ Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông" để kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đôn đốc thực hiện hiệu quả hơn. Theo đó, lực lượng Công an nhân dân mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông phải tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và Chính phủ có giải pháp kinh tế, kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ để giải quyết căn bản về ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trong đó chú trọng cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông....

Theo đó, CSGT Công an các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tham mưu cho Giám đốc Công an địa phương báo cáo, đề nghị tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW, mục tiêu là huy động được các ngành, các cấp tham gia bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình công tác, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông và nhân dân thực hiện; phân công, phân cấp rõ ràng nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, nhất là việc tổng kết Luật giao thông đường bộ năm 2008 và tiến hành xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ: phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và trách nhiệm của mỗi Bộ, ngành, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị, địa phương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của lực lượng CSGT giai đoạn 2016 -2020, trong đó cần tập trung nghiên cứu thực hiện Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an và Bộ thủ tục hành chính thực hiện trong nội bộ lực lượng Công an nhân dân; đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác chuyên môn, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký xe và xử lý vi phạm TTATGT.

Thứ ba, chú trọng công tác điều tra cơ bản nắm tình hình, dự báo tình hình, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác TTKS, XLVP về TTATGT. Kế hoạch tuần tra phải linh hoạt, cụ thể, sát với tình hình thực tiễn, tập trung vào các đối tượng chính gây mất TTATGT, có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông cao ở mỗi thời điểm, tuyến đường, địa phương

Nâng cao năng lực công tác TTKS, XLVP, đặc biệt là năng lực cưỡng chế các hành vi vi phạm, xử lý các trường hợp chống lại CSGT, như: tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống cho CBCS; bố trí đội hình TTKS; xây dựng cơ chế thông tin phối hợp lực lượng trên tuyến giao thông (trong một địa phương, các địa phương trên toàn tuyến)... Trước mắt, trong năm 2018 phải xây dựng cơ chế “thông tin nóng” trên toàn tuyến QL1A và cao tốc để trao đổi, giải quyết tình hình phức tạp về TTATGT. Trên đường thuỷ, triển khai các kế hoạch chuyên đề về kiểm tra các mỏ khai thác tài nguyên, khoáng sản liên quan đến đường thuỷ và kiểm tra xử lý vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện...

Thứ tư, xây dựng các phương án cụ thể bố trí lực lượng tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết ùn tắc giao thông với nhiều tình huống khác nhau để chủ động khi xảy ra ùn tắc giao thông thì có biện pháp giải quyết kịp thời, nhanh chóng; phối hợp phân luồng từ xa và tổ chức giao thông hợp lý.

Thứ năm, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; bố trí lực lượng chủ động thực hiện xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là vi phạm tải trọng, vi phạm nồng độ cồn, xe hết niên hạn sử dụng..., làm kiên quyết, dứt điểm và triệt để, không để tái diễn tình trạng xe chở quá tải trọng tại địa phương.

Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ Cảnh sát giao thông; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phù hợp và tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của Cục Cảnh sát giao thông và tăng cường năng lực, tính chuyên nghiệp công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT