Lâu nay, chúng ta quen gọi xe ô tô gây tai nạn liên hoàn cướp đi sinh mạng của nhiều người là “xe điên”. Nhưng nói thật, làm gì có “xe điên”, chỉ có những "tài xế điên” thôi.
Mặc dù, cái chết được cảnh báo nhưng không hiểu sao cánh tài xế vẫn uống rượu, bia hay chơi ma túy để "lên mây", vẫn ôm vô lăng phăng phăng ra đường. Như vậy, không khác gì một “gã điên”, thủ súng trong người và sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai. Nhiều người nói chưa bao giờ cảm thấy bất an, mạng sống treo lơ lửng mỗi khi ra đường như bây giờ. Nói vậy để thấy rằng, tệ nạn tài xế uống rượu bia, dùng ma túy, “ôm vô lăng” gây tai nạn đến lúc báo động, còn hơn cả khủng bố.
Chiều qua, một chiếc xe 7 chỗ lao điên cuồng trên đường Ngọc Khánh Hà Nội đâm liên tiếp 6 ô tô, xe máy, 2 người đi bộ khiến 1 cụ bà tử vong tại chỗ. Chiếc xe lao với tốc độ kinh hoàng và cuốn đi mọi thứ trên làn đường đối diện khiến mọi người ám ảnh khi xem lại clip vụ việc.
Trước đó, đêm ngày 1/1, một nữ tài xế taxi ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã uống rượu “tẹt ga” cùng 4 người bạn trong tiệc sinh nhật của mình. Sau đó, vẫn lên xe chở bạn về. Khi xe đi đến Km198+200, QL20 (đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), nữ tài xế này đã tông vào xe máy đi cùng chiều khiến 3 người ngồi trên xe ô tô tử vong, người đi xe máy nguy kịch. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng đo nồng độ cồn của lái xe lúc 23h52 ngày 1/1 là... 1.108mg/l khí thở. Một nồng độ cao khủng khiếp. Không biết nữ tài xế này đã uống bao nhiêu rượu bia, bởi khi uống 1 ly rượu hay một cốc bia nồng độ cồn thông thường đo được chưa đến mức 0,25mg/l khí thở.
Khi dư luận chưa hết bàng hoàng, vào chiều ngày 2/1, tại huyện Bến Lức (Long An) tiếp tục xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng khi xe container “lùa” hơn 20 xe máy đang dừng đèn đỏ. Hậu quả, khiến 4 người tử vong và hàng chục người bị thương. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, sáng ngày 3/1, tài xế container được cơ quan CSĐT Long An đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để tiến hành xét nghiệm máu. Qua hai lần kiểm tra, mỗi lần cách nhau khoảng 3 giờ, kết quả cho thấy tài xế dương tính với heroin. Về nồng độ cồn, lần xét nghiệm đầu tiên tài xế có nồng độ cồn cao.
Theo lời tường trình của tài xế, trưa ngày 2/1, anh đến nhà người quen để dự tiệc và uống rượu bia. Sau đó, anh tới nhà máy xay xát ở TP Tân An (Long An) để điều khiển xe đầu kéo container chở gạo đi TP.HCM.
Cái giá phải trả cho những ly bia, chén rượu là quá lớn. Do đâu mà tình trạng trên vẫn còn nhức nhối? Do luật pháp chưa nghiêm hay tài xế coi thường pháp luật?
Cơ quan chức năng còn dễ dãi, thỏa hiệp với tài xế uống rượu bia, chơi ma túy rồi ôm vô lăng?
Một khi còn tình trạng “chiều về, tối đến” ô tô vẫn xếp hàng dài trước nhà hàng, quán nhậu. Các công ty vận tải phó mặt tài xế với phương tiện, không kiểm soát được tài xế của mình thì những cái chết oan còn xảy ra… dài dài.
Tết Nguyên đán đang cận kề, tình trạng sử dụng rượu bia sẽ gia tăng, nghe nói lực lượng chức năng mỗi tỉnh đều có kế hoạch tăng cường TTKS xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nhưng mong rằng vi phạm sẽ được xử lý nghiêm, đừng để "cao điểm" chỉ mang tính hình thức, hiệu quả không cao, thậm chí là thêm cơ hội để "mặc cả" mức xử lý giữa người thực thi pháp luật với người vi phạm thay vì phạt nặng.
Các công ty vận tải nếu không muốn mất nghiệp, bán hết tài sản để đền bù khi tài xế gây ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cần quản chặt lái xe, kiểm tra sức khỏe định kì. Tuyệt đối không dễ dãi, cho qua với người uống rượu, bia lái xe.
Làm ơn! Đừng để những cái chết oan, bao gia đình phải tan nát, con cái mất cha mẹ, bố mẹ mất con trong nỗi đau không gì bù đắp được do những "tài xế điên" ôm vô lăng gây ra.
Theo Báo Giao thông