Việc phân kỳ đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đảm bảo việc huy động các nguồn lực và không vượt trần nợ công. Ảnh minh họa

Chủ lực vốn ngân sách, đảm bảo không vượt trần nợ công

Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam theo kịch bản đang được đề xuất (tốc độ thiết kế 350 km/h, chạy hỗn hợp tàu khách và vận tải hàng hóa khi xuất hiện nhu cầu) khoảng 67,34 tỷ USD (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng và thiết bị; quản lý dự án, tư vấn, chi khác; dự phòng, lãi vay).

Về thời điểm quyết định đầu tư, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.284 USD (cao hơn so với Nhật Bản, Trung Quốc hay Uzbekistan tại thời điểm các nước này bắt đầu đầu tư đường sắt tốc độ cao) và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Vì vậy, khi hoàn thành đưa vào khai thác, phần lớn người dân hoàn toàn có khả năng chi trả cho dịch vụ đường sắt tốc độ cao với mức phí thích hợp.

Về kết quả nghiên cứu, đề xuất, Ban QLDA Đường sắt cho biết: "Dự án phấn đấu trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2024; đầu tư toàn tuyến trong đó dự kiến khởi công trước năm 2030, phấn đấu đưa vào khai thác trước năm 2040 (rút ngắn 5 năm so với Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị). Còn trường hợp nguồn lực hạn chế sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến, ưu tiên đầu tư 2 đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 642 km, tổng mức đầu tư dự kiến 29,88 tỷ USD, đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2035; tiếp tục đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang với chiều dài khoảng 899 km, tổng mức đầu tư dự kiến 37,46 tỷ USD, đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2040".

Đối với hình thức đầu tư và nguồn vốn, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng và phương tiện để khai thác ngay trong giai đoạn đầu, nhằm tránh rủi ro không huy động được doanh nghiệp đầu tư phương tiện. Cụ thể, sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA có điều kiện vay tốt...) của Trung ương và địa phương.

Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn; vốn vay ODA cấp phát để mua sắm vật tư, thiết bị trong nước không sản xuất được, cho doanh nghiệp vay lại để mua sắm phương tiện, đào tạo vận hành bảo trì, thiết bị công nghệ trong khu Depot (doanh nghiệp trả nợ khoản vay này); vốn trái phiếu Chính phủ và vốn khác sẽ được huy động khi ngân sách Trung ương chưa kịp cân đối; ngân sách địa phương dự kiến để giải phóng mặt bằng.

Theo phân tích của tư vấn dự án, đánh giá sơ bộ về khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030 thì hoàn toàn có khả năng thu xếp vốn cho dự án. Tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần (năm 2020 là 55,9% GDP, năm 2023 là 37%) nên tác động của dự án đến nền kinh tế hoặc nợ công được bảo đảm an toàn trong mức trần nợ công được Quốc hội cho phép (60%).

Cụ thể, với GDP năm 2023 là 430 tỷ USD, mức trần nợ công theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội huy động ở mức cảnh báo không quá 55% GDP, khả năng huy động được 77,4 tỷ USD; đến năm 2027 GDP tăng nên tỷ lệ nợ công sẽ còn giảm và không ảnh hưởng đến đầu tư cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương. Trường hợp sử dụng 100% vốn trong nước để đầu tư kết cấu hạ tầng thì đầu tư cho dự án giai đoạn 1 tối đa chiếm 0,7 GDP, giai đoạn 2 tối đa 0,55% GDP; còn trường hợp vay 100% thì tỷ lệ đầu tư chiếm tối đa 1,67 và 1,29% nên không làm vượt trần nợ công.

Tác động lan tỏa, tăng trưởng nền kinh tế

Nhằm huy động vốn doanh nghiệp, Đề án nghiên cứu cũng đề xuất cho phép hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn (bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất...) để mua sắm đầu máy, toa xe khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao. Kênh huy động vốn khác được đề xuất là chính sách khuyến khích phát triển đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ và tạo nguồn tài chính từ khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga.

"Có thể thực hiện chính sách huy động vốn theo hình thức phát triển đô thị gắn kết với giao thông (TOD). Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao hình thành sẽ tạo nguồn tài chính từ khai thác quỹ đất, với tỷ lệ dự kiến địa phương giữ lại 50%, nộp về ngân sách Trung ương 50%. Dự kiến toàn bộ phương án huy động nguồn vốn TOD theo tính toán sơ bộ của Liên danh tư vấn vào khoảng 10 tỷ USD", Ban QLDA đường sắt thông tin.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nguyên tắc xây dựng đường sắt là không phân kỳ, xây dựng đường sắt phải từ ga đến ga chứ không như đường bộ. Ngoài ra, vận tải hành khách phải toàn tuyến thì mới tính được bài toán kinh tế, chứ không tính từ Hà Nội đến Vinh hay từ Nha Trang vào Sài Gòn...

"Kinh phí 67 tỷ USD gọi là lớn, là "nhiều tiền đối với một gia đình, nhưng ít tiền với một quốc gia", vì chúng ta phải chia ra trong vòng 5 năm, 10 năm. Nếu chúng ta cứ sợ thất thoát 10% trên tổng mức đầu tư thì dự án không biết đến bao giờ mới được phê duyệt. Chúng ta cần nhìn vào những mặt tích cực của dự án để quyết tâm triển khai.

Cần nhìn nhận đầu tư đường sắt tốc độ cao là cơ hội dùng đầu tư công để kêu gọi thu hút đầu tư tư nhân với mục đích đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời ổn định, hạ giá thành vận tải, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là sau đại dịch Covid", ông Kiên nói.

Đề cập đến hiệu quả đầu tư, Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt Chu Văn Tuân cho biết, đường sắt tốc độ cao khi đi vào khai thác chắc chắn sẽ cạnh tranh vượt trội so với đường bộ, hàng không trên các chặng cự ly khoảng 300 km như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, dự án khả thi về mặt kinh tế thông qua các chỉ số về tỷ suất hoàn vốn nội bộ kinh tế (EIRR) = 12,15%; tỷ số lợi ích/chi phí (B/C) = 1,07 và giá trị hiện tại ròng (NPV) = 985,10 triệu USD.

"Theo kết quả tính toán, các phương án đầu tư theo đề xuất đều có tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế (xây dựng, khai khoáng, sản phẩm phi kim khoáng, dịch vụ trung gian tài chính, thương mại...). Cụ thể, với phương án tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 2024 - 2039 đạt 66,19 tỷ USD sẽ có tác động làm tăng GDP bình quân 0,8 điểm phần trăm/năm; phương án tổng vốn đầu tư giai đoạn 2024 - 2037 là 65,76 tỷ USD sẽ tác động làm tăng GDP bình quân 0,9 điểm phần trăm/năm", đại diện Ban QLDA cho biết.

Thời gian qua, Bộ GTVT phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và một số hội tổ chức các hội thảo liên quan đến đề án trên và đa số ý kiến thống nhất phương án đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h đi thẳng vào hiện đại, thống nhất khai thác tàu khách và tàu hàng khi cần thiết. Tuy vậy, hiện có nhóm 17 chuyên gia bày tỏ băn khoăn về kịch bản đề xuất trên (liên quan đến hiệu quả khai thác, các vấn đề kỹ thuật, công nghệ), Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng để giải trình cụ thể.

 Theo Tap chì Giao thông