Xe cảnh sát không người lái, biết ẩn nấp "tóm" lái xe quá tốc độ
Những người điều khiển phương tiện giao thông quá tốc độ sẽ không còn cơ hội qua mặt lực lượng chức trách khi xe cảnh sát không người lái, biết ẩn nấp sau cây cối và các tòa nhà để "tóm" người vi phạm chính thức trình làng.
Hãng xe hơi Ford vừa đăng ký xin cấp bằng sáng chế cho mẫu xe cảnh sát tự động, độc đáo nói trên, theo trang Motor 1. Công ty có thể sử dụng công nghệ tương tự để cải thiện các tính năng cảm biến môi trường ở những mẫu xe không người lái thương mại, được kỳ vọng chính thức lưu hành trên thị trường vào năm 2021.
Hồ sơ xin cấp bằng sáng chế của Ford nêu chi tiết cách xe cảnh sát không người lái có thể sử dụng nhiều loại cảm biến khác nhau như thế nào nhằm giám sát môi trường và tìm ra một vị trí thích hợp, chẳng hạn như phía sau một cái cây hoặc tòa nhà, để kín đáo theo dõi những kẻ vi phạm luật giao thông.
Theo mô tả, chiếc xe cảnh sát đặc biệt này cũng sẽ liên kết với rất nhiều cơ sở dữ liệu an ninh ở một khu vực nhất định. Điều đó đồng nghĩa, chiếc xe có khả năng kết nối với toàn bộ hồ sơ dữ liệu về các lái xe lưu trữ tại địa phương và tự động kiên kết biển số xe với hồ sơ của lái xe. Việc đồng bộ hóa xe cảnh sát với nhiều cảm biến và camera giám sát trong một khu vực địa lý sẽ giúp xe tự động di chuyển tới nơi cần, theo lệnh của ban chỉ huy.
Ford hy vọng, công nghệ trên sẽ giúp tăng tốc thời gian phản ứng đầu tiên trước các vi phạm giao thông. Ví dụ như các tin nhắn và chỉ dẫn sẽ được gửi không dây tới xe vi phạm ngay tức thì.
Giới quan sát hy vọng, xe cảnh sát tự động lưu trữ các dữ liệu thu thập được. Song, bằng sáng chế của Ford không hề đề cập tới bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến quyền riêng tư.
Các công cụ kiểm soát tự động, chẳng hạn như camera bắn tốc độ, từng gây ra nhiều tranh cãi do các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại việc có thể dẫn tới việc tịch thu bằng lái xe kéo dài đối với những dân thường hay phạm lỗi. Song, cảnh sát khẳng đinh, đây là một công cụ thiết yếu dùng để phòng chống tội phạm và góp phần bảo đảm an ninh cho các khu vực nguy hiểm.
Mặc dù Ford có thể chưa hiện thực hóa mẫu xe cảnh sát không người lái nói trên ngay lập tức, nhưng công nghệ tự động kiểu như vậy có thể sớm trình làng nay mai. Nhà chức trách ở Colorado, Mỹ cũng đang dùng máy bay không người lái để điều tra các hiện trường tai nạn và thu thập bằng chứng. Trong khi đó, cảnh sát ở một số nơi trên thế giới thậm chí đã triển khai trí thông minh nhân tạo để giúp dự đoán nơi sẽ xảy ra hành vi phạm tội tiếp theo.
Xe buýt điện chạy dưới lòng đất đi 25km mất chỉ 12 phút
Boring Company - công ty được Elon Musk điều hành đã được thành phố Chicago lựa chọn để triển khai hệ thống xe điện chạy dưới lòng đất (được gọi là skate). Những chiếc xe điện chở tối đa 16 người được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay O’Hare đến trung tâm thành phố Chicago từ 1 tiếng xuống còn 12 phút với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 160 km/h.
Thông tin được thị trưởng thành phố Chicago - ông Rahm Emanuel - xác nhận việc Boring Company đã trúng thầu dự án cải thiện việc di chuyển từ sân bay O’Hare đến trung tâm thành phố. Được thành lập năm 2016, Elon Musk cho rằng ông quá mệt mỏi bởi hệ thống giao thông hiện tại, vì vậy CEO hãng xe Tesla Motors muốn xây dựng một mạng lưới giao thông cao tốc bên dưới lòng thành phố.
Với quãng đường hơn 25 km, những người đi từ Block 37 (một toà nhà tại trung tâm Chicago) đến sân bay quốc tế O’Hare sẽ mất hơn 40 phút để đi tàu điện ngầm hoặc lên đến 1 tiếng khi đi xe hơi. Tuy nhiên với hệ thống xe điện của Boring thì thời gian được rút ngắn chỉ còn 12 phút, và mỗi 30 giây lại có một chiếc xe đến chở 16 hành khách trên lộ trình. Tất nhiên mức giá để sử dụng hệ thống này luôn rẻ hơn so với taxi hay các dịch vụ gọi xe dù có thể sẽ cao hơn mức giá 7,5 USD khi đi tàu điện.
Boring được yêu cầu tiếp tục phát triển các kế hoạch cần thiết nhằm đảm bảo việc đáp ứng những yếu tố an toàn, khả năng xây dựng, tài chính và hệ thống vận hành. Hợp đồng cũng bao gồm những biện pháp bảo đảm cho những người nộp thuế được bảo vệ quyền lợi từ những chi phí phát sinh nếu dự án không hoàn thành. Vốn của dự án này ước tính vào khoảng 1 tỷ USD và các quan chức của thành phố hy vọng nó có thể hoàn thành với thời gian không quá 3 năm.
Hệ thống mới được kỳ vọng sẽ có tác động lớn để việc giảm thiểu mật độ giao thông trong thành phố, giảm chi phí vận chuyển cũng như lượng khí thải ra môi trường nhờ những chiếc xe chạy điện.
Nếu dự án này thành công, Elon Musk có thể tự tin phát triển hệ thống Hyperloop với chiều dài và tốc độ cao hơn rất nhiều.
Làm đường giao thông bằng rác thải nhựa
Trước hệ lụy vì chất thải nhựa đang tràn ngập trái đất, sáng kiến biến rác thải này thành vật liệu có ích: làm đường giao thông, đang được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới.
Sử dụng rác thải nhựa làm đường tại Australia. Ảnh: abcnews
Hiện nay thế giới chịu sức ép rất lớn với khoảng 8,3 tỷ tấn rác thải nhựa, trong đó 6,3 tỷ tấn đã trở thành phế thải, 79% trong số đó nằm ở các bãi rác và đại dương. Rác thải nhựa vốn rất khó bị tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nguồn nước, đất đai, không khí, tác động xấu đến sức khỏe của con người.
Mới đây, một dự án xây dựng đoạn đường dài 300m trên đại lộ Rayfield ở vùng ngoại ô Craigieburn (Australia), bằng việc sử dụng vật liệu xây dựng bổ sung bao gồm 530.000 túi nhựa, hơn 12.000 hộp mực máy in tái chế và 168.000 chai thủy tinh.
Ông Craig Devlin - Chủ tịch Close the Loop, công ty đưa ra sáng kiến và thực hiện dự án trên nói: “Công trình trên không chỉ mang tính cạnh tranh về chi phí mà còn giúp mặt đường có sức chịu lực lớn hơn, độ bền lớn hơn”. Geoff Porter - Thị trưởng Hội đồng thành phố Hume của vùng Craigieburn cho biết, đây là sáng kiến tuyệt vời, biến những thứ bỏ đi tác hại đến môi trường, sức khỏe thành những vật liệu có ích. Dự án sẽ được mở rộng tại nhiều tuyến giao thông đường bộ khác.
Thủ tướng Anh Theresa May vừa tuyên bố lên kế hoạch cấm bán ống hút và ngoáy tai loại sử dụng một lần vào cuối năm nay trong nỗ lực làm sạch môi trường đại dương. Từ nhiều năm trước, người dân Anh được kêu gọi đổi thói quen mua sắm, hạn chế dùng túi ni lông một lần và túi ni lông sẽ được tính phí tại các siêu thị.
Tại Anh, công ty khởi nghiệp (startup) MacRebur do Toby McCartney giữ vai trò Giám đốc điều hành, đang sử dụng hàng triệu tấn nhựa phế thải để tạo ra những con đường thân thiện với môi trường, có giá thành rẻ nhưng có độ đàn hồi cao hơn, cứng hơn, hạn chế việc mặt đường bị xuống cấp.
Toby McCartney cho biết cách làm đường thông thường có sử dụng nhựa đường đặc bitum có nguồn gốc từ dầu hỏa, chi phí tốn kém và không thể tái chế được nên MacRebur tránh khỏi yếu tố này.
Phương pháp vật liệu thảm đường của MacRebur sau đó tiếp tục được sử dụng tại quận Cumbria của Anh. Cho đến nay, đã có hàng chục quốc gia trên thế giới đã liên hệ với McRebur để tìm hiểu về kỹ thuật làm đường đó.
Một trong những đoạn đường làm hoàn toàn bằng rác tải nhựa tại Ấn Độ. Ảnh: cleanfuture
Ấn Độ - quốc gia có mạng lưới giao thông đường bộ lớn thứ hai thế giới, nhưng cũng là một trong những nơi con số vụ tai nạn giao thông cao nhất với hàng chục nghìn số người chết mỗi năm. Trong đó, 10% là do tai nạn liên quan đến “ổ gà” trên đường.
Thống kê cho thấy mỗi ngày Ấn Độ có khoảng 15.000 tấn chất thải nhựa, trong đó khoảng 9.000 tấn được tái chế.
Vào tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ công bố khoản đầu tư 6,9 nghìn tỷ rupee (11 tỷ USD) để xây dựng và nâng cấp sơ sở hạ tầng giao thông trong vòng 5 năm tới.
Các báo cáo mới nhất cho thấy Ấn Độ đã xây dựng hơn 100.000km đường bằng chất thải nhựa với phí rẻ hơn, bền hơn và an toàn hơn so với kỹ thuật làm đường thông thường phổ biến hiện nay.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho hay, làm cho đường từ rác thải nhựa có độ bền cao hơn để chống chọi hiệu quả hơn với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và nhiệt độ cực cao.
Các chuyên gia Ấn Độ gọi làm đường bằng rác thải nhựa là một trong những công nghệ tiến bộ của thế kỷ 21.
Theo Vietnamnet, Báo Quảng, Báo Giao thông