Năm 2017, Thâm Quyến của Trung Quốc là thành phố đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xe buýt chạy bằng điện. Ảnh: Getty
Tài xế Ou Zhenjian chia sẻ ông đã chở khách quanh thành phố Thâm Quyết trong 18 năm và chứng kiến "thay đổi lớn": "Khi tôi bắt đầu làm công việc này, tất cả chúng tôi đều lái xe buýt chạy bằng diesel. Vào năm 2016, khi quá trình điện khí hóa bắt đầu diễn ra, chúng tôi bắt đầu đi vào vận hành những chiếc xe buýt điện thông minh. Có một sự khác biệt rất lớn. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi điều khiển xe buýt điện. Hệ thống thông minh cũng khiến mọi thứ tốt lên trong mọi phương diện. Nó dễ lái hơn, thân thiện với môi trường hơn và ít tiếng ồn”.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện khí hóa là một trong những chiến lược quan trọng nhất để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. Tuy xe buýt ít gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu hơn so với xe tải, nhưng việc sử dụng xe buýt điện thay thế xe buýt chạy bằng diesel cũng sẽ góp phần giảm khoảng 5% trong tổng lượng khí thải của ngành giao thông. Chưa kể, xe buýt điện sẽ cải thiện ngay chất lượng không khí tại khu vực cư dân.
Tính đến năm 2021, sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường xe điện là đáng kinh ngạc. Theo Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch, hơn 90% tổng số xe buýt và xe tải điện trên toàn thế giới đang chạy trên đường phố Trung Quốc. Sự thay đổi này là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Chuyên gia xe điện Elliot Richards nhận định việc chuyển đổi từ xe chạy bằng diesel sang xe điện không chỉ diễn ra trong một đêm. Đó là thành quả nhiều năm hoạch định và khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến cơ sở hạ tầng. Dù vậy, "cuộc cách mạng xanh" này đã tạo ra sự khác biệt lớn về mặt nhận thức toàn cầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia xe điện Richards, cho đến nay, những áp lực về ngân sách và hoạch định, thiếu trình độ và khó khăn trong sắp xếp lại cơ sở hạ tầng ở các thành phố lâu đời là những lý do cản trở thế giới nhân rộng kinh nghiệm của Trung Quốc.
Ông Ethan Ma, Phó Tổng giám đốc Công ty xe buýt Thâm Quyến (SZBG), cho biết về những lợi ích của xe điện: "Khi bắt đầu dịch vụ, vấn đề quan trọng nhất tác động đến chúng tôi đó là chúng tôi không thể đảm bảo khả năng di chuyển quãng đường dài của xe buýt điện vào ban ngày. Chúng tôi phải đưa các xe buýt quay trở lại trạm sạc để sạc pin lần thứ 2 sau đó tiếp tục dịch vụ với chiếc xe buýt khác. Dần dần, chúng tôi giải quyết được vấn đề này. Giờ đây, xe buýt điện của chúng tôi gần như đã đạt hiệu suất kỹ thuật tương đương xe buýt chạy bằng diesel trước đây”.
Ngoài ra, xe buýt điện còn mang lại nhiều lợi ích rõ ràng. Đối với siêu đô thị chằng chịt những tuyến đường 4 - 5 làn, tiếng ồn giao thông giảm đáng kể.
Lợi ích của việc điện khí hóa này còn vượt ra ngoài việc giảm lượng khí thải carbon. Xe buýt điện chạy êm hơn, vận hành rẻ hơn và ít cần bảo trì hơn so với xe buýt chạy bằng động cơ diesel. Chúng cũng cải thiện chất lượng không khí - một lợi thế quan trọng ở các khu vực đô thị đông dân, nơi ô nhiễm không khí gây nguy cơ đáng kể cho sức khỏe. Hơn nữa, việc áp dụng xe buýt điện sẽ kích thích đổi mới và tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ.
Người dân rất hào hứng và vui mừng trước sự thay đổi này. Một nam hành khách trẻ tuổi chia sẻ: "Xe buýt diesel phát ra nhiều khói bụi. Đặc biệt khi tôi đi bộ trên đường, tôi có thể ngửi thấy mùi dầu thải ra từ động cơ, nó khiến tôi rất khó chịu, nhưng giờ đây mùi đó không còn nữa”.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về SZBG (nhà điều hành giao thông công cộng lớn nhất thành phố Thâm Quyết) cho biết, lượng khí thải từ xe buýt điện trong thời gian hoạt động chỉ bằng 52% so với xe buýt diesel. Phân tích này tính đến cả lưới điện địa phương sản xuất khoảng một nửa lượng điện từ than đá. Các nhà nghiên cứu kết luận việc chuyển sang xe buýt điện giúp loại bỏ được 194.000 tấn carbon dioxide mỗi năm.
Theo Tu Le, Giám đốc điều hành Công ty Sino Auto Insights có trụ sở tại Bắc Kinh, tình trạng ô nhiễm ở các thành phố Trung Quốc và nhận thức của người dân về rủi ro sức khỏe đã thúc đẩy chính quyền ưu tiên chuyển đổi trong giao thông công cộng theo hướng thân thiện với môi trường. Sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ chính phủ và cộng tác chặt chẽ với nhà sản xuất xe BYD từ khi còn non trẻ và hiện nay là "gã khổng lồ" trong lĩnh vực xe điện, đã góp phần lớn vào thành công ở Thâm Quyến.
Hệ thống xe buýt ở 10 thành phố khác tại tỉnh Quảng Đông cũng như thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, hiện cũng chạy hoàn toàn bằng điện. Trong khi đó, hơn 90% hệ thống xe buýt ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng chuyển sang dùng điện. Nhiều thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang xe buýt điện trước năm 2025.
Theo ông Le, mạng lưới điện và hạ tầng trạm sạc kém phát triển cũng như các vấn đề về bảo trì đã làm chậm tiến độ ở các thành phố nhỏ. Tuy vậy, ông Le dự đoán hơn 70% mạng lưới xe buýt trên cả nước sẽ điện khí hóa vào năm 2030.
Còn tại Việt Nam, mới đây, ông Đỗ Phan Anh - Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện vẫn có 1.757 xe buýt chạy bằng diesel, cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch. Số lượng phương tiện cũ, đạt tiêu chuẩn khí thải thấp đang còn tương đối lớn khi số xe buýt trên 5 năm chiếm tỉ lệ 39% và đạt dưới chuẩn Euro IV chiếm 44,5%.
Theo lộ trình, đến năm 2035, Hà Nội sẽ thay 50% xe buýt diesel bằng xe buýt điện.
Tuy nhiên, thực tế hiện thành phố còn nhiều tồn tại như nguồn cung cấp xe buýt điện ở nước ta vẫn chủ yếu đến từ các công ty sản xuất lớn của Trung Quốc cùng với đó việc chuyển sang xe buýt điện cần mức tiêu hao năng lượng điện lớn, tập trung theo các khu vực có điểm đầu cuối, depot xe buýt. Do vậy, cần có sự vào cuộc của ngành điện lực trong việc quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc.
Theo VOV giao thông