“Chuyến tàu SE4 đi từ Sài Gòn sẽ về đến ga Đà Nẵng trên đường ray số 2 trong ít phút nữa. Đề nghị quý khách đứng cách xa đường ray tối thiểu 2 m”, giọng đọc thông báo quen thuộc được phát ra trên loa bên trong sân ga, đi liền sau đó là tiếng “tu tu” của còi tàu, tiếng "xình xịch" dồn dập của những bánh xe lăn trên đường ray.
Tàu SE4 đã về đến sân ga, hành khách bắt đầu người lên kẻ xuống rất vội vã. Tại đây, chiếc đầu máy của Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn sẽ được dỡ ra, thay bằng đầu máy khác của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội để tiếp tục kéo đoàn tàu tới thủ đô.
Phóng viên Zing.vn có một ngày lên khoang lái cùng anh Vũ Ngọc Tuấn (33 tuổi, lái tàu chính) và anh Mai Văn Hùng (32 tuổi, lái tàu phụ), thuộc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội trên chuyến tàu SE4 này.
Có những buổi chiều lúc hoàng hôn, mặt trời đỏ rực như hòn lửa, lăn xuống trước đường sắt của mình đẹp lắm, không thể diễn tả hết bằng lời được - anh Hùng vừa nói, vừa hướng ánh nhìn về phía đường ray trước mặt để mô tả những khoảnh khắc tuyệt diệu mà thiên nhiên đã tạo nên.
Người ta bảo phi công lái máy bay được ngắm cảnh từ trên cao, còn lái tàu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đất nước phía trước mặt và hai bên đường ray. Hai nghề này được vừa làm vừa vi vu và thưởng ngoạn những gì tươi đẹp nhất. Với nghề lái tàu hỏa, đặc thù đường sắt thường đi qua những khu vực hoang vắng, ít nhà cửa và cư dân sinh sống khiến cho mỗi chuyến hành xa thực sự trở thành một lần du ngoạn.
Và người lái tàu có cơ hội được thưởng lãm tất cả những nét đẹp tinh tế, đặc sắc nhất của thiên nhiên, tạo hóa. Điều mà người bình thường khá thèm khát.
Lái tàu tập trung cao độ nhưng vẫn được ngắm cảnh đẹp
Người lái tàu luôn phải tập trung cao độ không khác gì lái ôtô, mắt dán chặt vào đường ray trước mặt quan sát đề phòng sự cố nhưng cũng không quên ngắm cảnh đẹp hai bên toa.
Hành trình hôm nay của hai anh Tuấn và Hùng bắt đầu từ ga Đà Nẵng. Tàu sẽ đi qua đèo Hải Vân uốn lượn hùng vĩ. Từ trên đầu máy, nhìn ra có thể thấy được toàn cảnh vịnh Đà Nẵng với nước biển xanh biêng biếc dưới ánh nắng vàng óng của buổi chiều. Bên sườn đèo là những khóm hoa nở trắng xóa một vùng trời và xa xa bên kia bờ là thành phố Đà Nẵng với những tòa tháp cao cao thẳng tắp, cùng bán đảo Sơn Trà xanh ươm cây cối.
Thiên nhiên tuyệt mỹ cứ thế trải rộng ra tầm mắt của những người lái tàu đi qua hết con đèo Hải Vân, đến Lăng Cô, qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, rồi ngang phá Tam Giang, đến Quảng Trị. Chiều dần buông, ánh nắng càng dịu nhẹ khiến những cảnh sắc thiên nhiên và lác đác những người nông dân làm đồng áng hai bên đường ray càng trở nên thơ mộng, đẹp tuyệt diệu.
Đỉnh điểm nhất phải là khi tàu gần đến ga Đồng Hới (Quảng Bình), hoàng hôn dần buông xuống tạo ra thứ ánh sáng huyền ảo đủ màu sắc trên bầu trời và phản chiếu xuống hai thanh đường ray bằng kim loại khiến nó bóng loáng lên như hai con bạch xà, kéo dài thiên thu đến tận chân trời xa ngút mắt.
"Cuộc đời của những người làm nghề như chúng tôi, được vừa làm việc, vừa được đắm mình trong những cảnh sắc thiên nhiên như vậy, có lẽ là điều hạnh phúc và vui sướng nhất", lái tàu Vũ Ngọc Tuấn chia sẻ.
Nỗi nhớ nhà mỗi khi rời xa
Nếu được chọn lựa lại, tôi muốn làm công việc gì đó ở gần vợ con hơn, dù biết nói như vậy là không yêu nghề - anh Hùng trầm ngâm trong khi tay liên tục lướt những tấm ảnh chụp hai con nhỏ của mình trên màn hình điện thoại, điều mà anh vẫn thường làm trên những chuyến hành xa. Hai cháu bé kháu khỉnh giờ này chắc cũng đang nhớ bố của chúng, khi hành trình đi làm của anh Hùng cứ nối tiếp nhau liên tục, nay tỉnh này, mai tỉnh khác, bất tận theo từng nhịp ray.
“Có hôm về Hà Nội được có mấy tiếng, lại phải quầy quả xách va li trở ra ga, chưa kịp chở con đi chơi”, giọng anh pha chút buồn buồn, luyến tiếc.
Nói là như vậy nhưng anh không thể không yêu công việc của mình. Nghề lái tàu yêu cầu sức khỏe gắt gao, có lẽ chỉ sau phi công. Để đạt được vị trí lái chính đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, quyết tâm và kiên nhẫn qua một thời gian dài thử thách.
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề đường sắt năm 23 tuổi, anh Hùng phải làm ở vị trí phụ lái 1. Sau ba năm, anh trải qua kỳ thi sát hạch để đạt được vị trí phụ lái 2 rồi tiếp tục làm công việc này ba năm nữa rồi mới được thi lên lái chính. Xen lẫn trong đó là những kỳ khám sức khỏe tổng quát mỗi 6 tháng một lần. Giờ đây, khi sắp được lên vị trí lái chính, có lẽ anh Hùng sẽ khó từ bỏ được công việc này.
Không chỉ làm công việc lái tàu, họ còn phải kiêm luôn một phần việc máy móc, kỹ thuật. Mỗi lần tàu dừng lại ga trong thời gian dài, anh Hùng đều xuống tàu kiểm tra bánh xe đầu máy, các chi tiết liên quan đến dầu mỡ. Thậm chí, anh còn phải trực tiếp sửa chữa ngay khi tàu có những trục trặc nhỏ, đảm bảo một hành trình an toàn, đưa hành khách đi về đúng giờ.
Trái với tính chất cực nhọc của công việc, anh Hùng tâm sự: “Trong một cabin nhỏ như vậy thôi nhưng anh em sống và làm việc cùng nhau, vui sướng lắm!”
Khi được hỏi về những nguy hiểm nào thường xảy ra trên đường lái tàu, cả anh Tuấn và Hùng đều khẳng định là những chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện trên đường ray.
“Ở nước ngoài, đường ray được làm tách biệt và có rào chắn hai bên, không có bất kỳ phương tiện nào có thể đi ngang qua đường ray. Còn ở Việt Nam, đường sắt thường xuyên phải đi qua khu vực đông dân cư và đường cắt ngang không rào chắn, đặc biệt là ở vùng ngoại thành rất nguy hiểm”, anh Hùng khẳng định.
Hai anh tâm sự, không hiếm những lần phải hãm phanh tàu thật gấp vì phát hiện từ xa thấy đàn bò đi ngang qua đường ray. Hoặc những khi xe khách, xe tải hay người cố gắng vượt qua ngay trước mũi đoàn tàu.
“Mình không hiểu họ cố nhanh thêm một chút để làm gì, để rồi ảnh hưởng đến tính mạng của bao nhiêu con người”, anh Hùng chua chát.
Cũng vì thế, trong mỗi lần hành xa, người lái tàu luôn phải tập trung cao độ không khác gì lái ôtô, mắt dán chặt vào đường ray trước mặt và đôi khi mồ hôi còn vã ra như tắm vì căng thẳng.
Trải nghiệm kinh hoàng nhất trong đời làm nghề của anh Tuấn có lẽ là lần lái tàu SE5 qua địa phận tỉnh Nghệ An. Khi ấy, tàu đi qua ga Vinh được một đoạn và vào khúc cua nên anh bị khuất tầm nhìn. Vừa qua khỏi cua, anh mới giật mình khi thấy một ôtô chở gỗ bị chết máy nằm ngay giữa đường sắt.
Lúc ấy, tàu chỉ còn cách chiếc ôtô khoảng 200 m. Không còn kịp suy nghĩ, anh Tuấn hãm phanh khẩn cấp để dừng tàu và hô hoán với anh em cùng nằm mọp xuống sàn tàu. Tàu không thể dừng kịp, va vào ôtô. Những thanh gỗ đâm xuyên qua cửa kính tàu hỏa, nêm chật cabin đầu máy.
May mắn, hai phương tiện lao vào nhau khi ở tốc độ thấp nên tàu không bị lật khỏi đường ray, còn anh em lái tàu đã kịp nằm xuống sàn, chỉ bị xây xát nhẹ do những mảnh vỡ thủy tinh cứa vào.
“Sau đó được cứu hộ, tôi chỉ nhớ mình đã bò ra khỏi tàu từ từ vì cả cabin bị gỗ choán hết!”, anh Tuấn nhớ lại.
Ánh hoàng hôn trên bầu trời vừa tắt, trả lại màn đêm tĩnh mịch phía trước mũi tàu. Giờ đây, thứ ánh sáng duy nhất còn lại chỉ là ánh đèn pha từ đầu máy, và đâu đó vài ngọn đèn leo lét từ những ngôi nhà thưa thớt ở vùng ngoại ô.
Tàu cũng vừa kịp về ga Đồng Hới, anh Hùng lau dọn lại bàn điều khiển thật ngăn nắp để bàn giao cho người lái kế tiếp, trong khi anh Tuấn ghi lại vài chi tiết cuối trong nhật ký hành trình.
Hai người đàn ông rời tàu, kết thúc ca làm việc ẩn chứa nhiều vất vả và hiểm nguy. Tạm bỏ lại cỗ máy hàng trăm tấn phía sau, họ lại chuẩn bị cho lần hành xa gian truân kế tiếp vào ngày mai.
Theo news.zing.vn