Xe buýt hai tầng thoáng nóc được sơn màu vàng, xanh. Ảnh: Bá Đô

Dự kiến khai trương vào sáng 30/11, tuyến buýt hai tầng thoáng nóc thứ hai ở Hà Nội có tên gọi Thăng Long - Hà Nội City Tour do một công ty du lịch đầu tư, khai thác. Xe buýt đi qua 10 điểm di tích nổi tiếng ở Hà Nội, trong đó có 7 điểm trùng với tuyến buýt hai tầng do Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang khai thác.

Lộ trình tuyến xe buýt Thăng Long - Hà Nội City Tour là xuất phát từ Vườn hoa con cóc, đi qua Bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam - Hoàng thành Thăng Long - Đền Quán Thánh - Chùa Trấn Quốc - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn Miếu - Nhà tù Hỏa Lò - Nhà thờ Lớn - Bảo tàng phụ nữ Việt Nam và dừng chân tại Nhà hát Lớn. Cách 30 phút lại có một chuyến, chuyến đầu tiên vào 9h15 và cuối cùng lúc 18h15 hàng ngày.

Xe có sức chứa 80 hành khách, phần lớn ghế ngồi ở tầng hai để du khách vãn cảnh Hà Nội. Ảnh: Bá Đô

Tuyến buýt có ba xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, sức chứa 80 người, mỗi xe giá 6-7 tỷ đồng. Xe được sơn màu vàng, xanh, có hai màn hình led lớn để hướng dẫn và giới thiệu danh lam thắng cảnh. Ghế ngồi có các tai phone và màn hình hiển thị loại ngôn ngữ cho du khách lựa chọn...

Sáng 28/11, ba xe buýt đã chạy thử nghiệm trên đường phố Hà Nội để hiệu chỉnh tín hiệu. Theo các tài xế, xe chạy từ điểm đầu đến điểm cuối và trở về điểm xuất phát mất hơn 90 phút. Đơn vị khai thác chưa đưa ra mức giá vé. 

Trước đó ngày 30/5, Hà Nội khai trương tuyến buýt hai tầng đầu tiên với tên gọi City Tour. Xe đi qua 25 phố với 13 điểm dừng, đưa khách đến 30 điểm tham quan của thủ đô. Có 4 mức vé lần lượt là 650.000 đồng cho 48 tiếng, 450.000 đồng cho 24 tiếng, 300.000 đồng cho 4 tiếng và 196.000 đồng cho hai tiếng.

Sau hơn năm tháng hoạt động, tuyến buýt hai tầng được đánh giá chưa hiệu quả vì lượng khách sử dụng ít. Theo Sở Giao thông Vận tải, trong tháng 7 trung bình chỉ đạt 6,9 hành khách mỗi lượt, nguyên nhân là "số lượng xe ít, giá vé cao và sản phẩm mới".

Dẫn thông tin của Tổng công ty vận tải Hà Nội, Sở Giao thông cho biết: "Lượng hành khách tuyến City Tour này còn thấp, trong tháng 7 vừa qua, trung bình chỉ đạt 6,9 hành khách mỗi lượt".

Tuyến buýt hai tầng thí điểm là loại xe mui trần, sức chứa 80 người và giá thành khoảng 6 tỷ đồng/xe. Ảnh: Giang Huy.

Đây là loại xe mui trần, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, sức chứa khoảng 80 người và giá thành khoảng 6 tỷ đồng/xe.

Nguyên nhân vắng khách được giải thích do tuyến City Tour 01 là một sản phẩm du lịch nên đối tượng phục vụ chính là du khách nên cần thời gian xây dựng, quảng bá sản phẩm.

Sở Giao thông cũng cho rằng số lượng xe ít (3 xe), thời gian chờ giữa các chuyến lớn (30 phút) nên chưa thu hút được người dân và hơn 23 triệu du khách trong ngoài nước.

Một lý do nữa là đơn vị thực hiện thí điểm chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, phải liên kết với doanh nghiệp khác để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điều hành dẫn đến mức phí cao.

“Các nguyên nhân trên làm cho Tuyến City Tour 01 trong thời gian qua còn vắng khách và mức phí khá cao với nhiều người”, báo cáo nêu.

Trước phản ánh tuyến buýt hai tầng vắng khách nhưng Hà Nội vẫn cho đơn vị khác tiếp tục mở tuyến buýt tương tự, Sở Giao thông giải thích việc đồng ý mở tuyến để đảm bảo "nguyên tắc bình đẳng với tất cả các đơn vị xin thí điểm". Hơn thế, đơn vị mở tuyến thứ hai có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch nên có lợi thế trong thu hút khách.

"Việc đưa tuyến City Tour 02 vào vận hành cùng tuyến City Tour 01 sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp thêm dịch vụ cho hành khách lựa chọn", Sở Giao thông cho biết.

Theo VnExpress