Theo báo cáo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 348 vụ, làm chết 142 người và bị thương 421 người. Tăng 49 vụ (+16,4%), tăng 5 người chết (+3,6%) và tăng 69 người bị thương (+19,6%) so với giai đoạn 2011 - 2015. Va chạm giao thông đường bộ xảy ra 463 vụ, bị thương 753 người. Thiệt hại 1.060 xe mô tô, 495 xe ô tô.

Hàng năm tỉnh đã phát động nhiều cuộc vận động về văn hóa giao thông trong từng ngành, lĩnh vực với nhiều cách tiếp cận pháp luật về TTATGT cho cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên  thông qua các hoạt động sinh hoạt tổ, nhóm, hội thi, sự kiện đi bộ kêu gọi “Đã uống rượu, bia – không lái xe”,…Nội dung, hình thức nói chuyện chuyên đề về đề tài TTATGT cũng phát huy được tác dụng tốt, gắn với tổ chức trực quan bằng hình ảnh, tờ rơi, áp phích, pa nô tuyên truyền đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, ý thức văn hóa giao thông của người tham gia giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; Nội dung giáo dục pháp luật về TTATGT trong nhà trường đã được đổi mới, phong phú, hấp dẫn học sinh, sinh viên. Ngoài ra, nhiều mô hình hay, cách làm mới trong công tác tuyên truyền như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sân khấu hóa cải lương tuyên truyền về ATGT; các tổ chức đoàn thể như Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh đã đưa công tác tuyên truyền về ATGT đến các cuộc sinh hoạt chi, tổ hội ở nông thôn, góp phần tích cực nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt công tác TTKS và xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, đặc biệt là các tuyến trọng điểm, địa bàn xảy ra nhiều TNGT. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 289.534 trường hợp vi phạm TTATGT (so giai đoạn trước giảm 39.546 trường hợp), với số tiền xử phạt 218,521 tỷ đồng (tăng 75,601 tỷ đồng); Tước có thời hạn 23.201 giấy phép lái xe; Tạm giữ 70.110 phương tiện. Lực lượng Thanh tra GTVT đã thực hiện 115 cuộc thanh tra, kiểm tra về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa; thanh tra đối với công tác quản lý, bảo vệ bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng xe; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn v.v.; xử phạt vi phạm 3.240 trường hợp, với số tiền gần 7,5 tỷ đồng; Tước có thời hạn 36 giấy phép lái xe; giám sát gần 100 kỳ sát hạch lái xe ô tô và trên 200 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Trong giai đoạn 2016-2020, hoàn thành đưa vào khai thác 12 công trình, dự án, như  đường Hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đến Đất Mũi, đường bờ Nam sông Ông Đốc, đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, cầu Rạch Sao 2; cầu Nhị Nguyệt, cầu Hòa Trung,.. Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được ứng dụng công nghệ quản lý trên phần mềm Govone và tổ chức đấu thầu khoán công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sử dụng các loại vật liệu mới, giải pháp thi công bằng công nghệ mới nhằm quản lý tốt hơn, tiết kiệm kinh phí. Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn tiếp tục được Sở GTVT và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2015 đến nay đã thực hiện xây dựng được 2.072km mặt đường bê tông, 876,38 km đường đất đen, tổng giá trị thực hiện 1.287 tỷ đồng. Đến nay có 82/82 xã ô tô đến được trung tâm, toàn tỉnh có 5.666 km đường bê tông, có 35/82 xã đạt tiêu chí giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hệ thống bến bãi từng bước được quy hoạch, đầu tư xây dựng; phương tiện vận tải hành khách đường bộ tăng nhanh về số lượng và đảm bảo về chất lượng; vận chuyển hành khách công cộng phát triển mạnh mẽ, vận tải hàng hóa bằng đường thủy với phương tiện có tải trọng lớn tăng đáng kể; vận tải bằng đường hàng không được duy trì hoạt động thường xuyên tuyến bay Cà Mau – thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

Qua 05 năm thực hiện động “Phong trào thi đua bảo đảm TT ATGT giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh Cà Mau, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông từng bước có nhiều chuyển biến tốt. Trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT, tai nạn giao thông được kiềm chế 04 năm liên tiếp (2017 – 2020), giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với cùng kỳ. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư phát triển với những dự án, công trình giao thông mang tính chiến lược, trọng điểm đảm bảo theo quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông của tỉnh, góp phần phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đi lại của người dân, hạn chế tai nạn giao thông. Ngoài các giải pháp được thực hiện thường xuyên, liên tục như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT; công tác bảo đảm giao thông,…các sở, ban, ngành của tỉnh bám sát các nội dung thực hiện thi đua, đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu và xây dựng kế hoạch triển khai tập trung thực hiện giải pháp lớn mang tính đột phá như: nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ hành chính và buổi trưa, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế:

Một là, một số cơ quan, đơn vị và địa phương còn chủ quan trong công tác bảo đảm TTATGT và chưa nhận thấy về sự cần thiết, cấp bách thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn.

Hai là, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và xây dựng văn hóa giao thông còn chưa đạt được như mong muốn, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền thường tập trung chủ yếu vào các đợt cao điểm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, lựa chọn phương pháp chưa phù hợp để tuyên truyền.

Ba là, sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ. Mặc dù, lực lượng tuần tra, thanh tra đã có nhiều cố gắng trong công tác xử lý vi phạm về TTATGT, nhưng do lực lượng mỏng nên còn nhiều hành vi vi phạm quy định về TT ATGT chưa được phát hiện và xử lý triệt để. Điển hình chưa kiểm soát được nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, nhất là địa bàn nông thôn. Một số nơi có hiện tượng buông lỏng công tác quản lý địa bàn, để tồn tại xe quá tải, xe hợp đồng trá hình, bến dù, bến cóc hoạt động.

Bốn là, Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ tuy đã được quan tâm thường xuyên nhưng vẫn còn tình trạng các phương tiện vận tải khách bằng ô tô lưu hành không tuân thủ pháp luật, đặc biệt là xe hợp đồng trá hình, bến dù, bến cóc; xe khách vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, thiết bị giám sát hành trình không có dữ liệu.

Năm, Công tác bảo đảm TT ATGT đường thủy nội địa chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn tuyến, luồng đường thủy bị ảnh hưởng về tĩnh không, khổ thông thuyền; luồng bị khan cạn chưa được đầu tư, nạo vét kịp thời; hệ thống báo hiệu trên tuyến đường tỉnh quản lý chưa được đầu tư theo quy định; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, liên tục, chưa bao quát hết địa bàn.

Từ những kết quả đạt được, cũng như nhhững mặt hạn chế, tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, Phải xem công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền rất quan trọng. Nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền thì nơi đó hiệu quả mang lại cao và ngược lại.

Thứ hai, Việc đưa các tiêu chí không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa vào bình xét thi đua khen thưởng của cán bộ, công chức và đưa vào phân loại cuối năm của đảng viên đã có tác dụng tốt hạn chế đáng kể các vi phạm quy định.

Thứ ba,Trong triển khai thực hiện từng giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT phải kiên trì, thường xuyên, cương quyết, minh bạch và bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Thứ tư, Lập kế hoạch và tổ chức điều hành đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ đồng thời phân định rõ và phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng ngành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về TTATGT của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức và người thực thi công vụ.

 Thứ năm, Việc đưa nội dung bảo đảm TT ATGT vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội của các tổ chức đoàn thể ở nông thôn bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Thứ sáu, Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, giám sát giao thông bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, điển hình là công tác vận tải đường bộ, công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, hệ thống Camera giám sát giao thông,...

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm thiểu TNGT, giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu hàng năm giảm từ 5% đến 10% số vụ, số người chết, số người bị thương tai nạn giao thông hàng năm. Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh tập trung một số giải pháp:

1.Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong  công tác bảo đảm TT ATGT.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TT ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TT ATGT.

4. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

5. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường thủy nội địa, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, nội tỉnh và liên tỉnh.

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TT ATGT.

7. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.

8. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

9.Nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ cấp cứu, chữa trị, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân tai nạn giao thông; đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho các lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện và toàn dân.

Ngoài ra, tỉnh sẽ qua tâm tổ chức bộ máy quản lý an toàn giao thông từ tỉnh đến cơ sở được hoàn thiện, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện. Ứng dụng các công nghệ về an toàn trong quy trình đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, đào tạo kỹ năng tham gia giao thông, xây dựng văn hoá giao thông. Tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT ngày càng hiệu quả, hiện đại./.

Khánh Ngọc