Em Hồ Hoàng Phi, Trường THPT Thái Thanh Hòa đang gửi giấy khảo sát cho học sinh cùng trường.
Những thực tế về tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, học sinh chạy dàn hàng hai hàng ba, đi sai lề, học sinh đi xe máy đội mũ kém chất lượng xuất hiện liên tục trước cổng trường. Những tồn tại đó tiềm ẩn nguy cơ tai nạn ảnh hưởng đến học sinh.
Em Trần Thoại Em, Trường THPT Thái Thanh Hòa nói: “Hiện nay còn nhiều học sinh tham gia giao thông đậu xe chưa hợp lệ, ý thức các bạn còn quá kém thường phóng nhanh, vượt ẩu và chưa tuân thủ đúng các quy tắc an toàn giao thông nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông”.
Góp thêm thông điệp để cảnh báo về những nguy hiểm của hành vi mất an toàn giao thông là mục tiêu của em Hồ Hoàng Phi, học sinh lớp 12C6 trường THPT Thái Thanh Hòa. Em thực hiện dự án khảo sát về thói quen tham gia giao thông của học sinh và tham dự hội thi Khoa học ký thuật cấp tỉnh.
Kết quả khảo sát tại trường có đến 72% học sinh trực tiếp, gián tiếp tham gia giao thông, gần 90% học sinh đã biết chạy xe máy. Đáng quan tâm là có hơn 41% học sinh được khảo sát tham gia điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, hơn 18% không bật tín hiện rẽ, lạng lách đánh võng chiếm hơn 16%. Những số liệu có tính chất tương đối phản ánh ý thức tham gia giao thông của học sinh tại trường, đồng thời giúp thầy cô có thêm số liệu thực tế tiếp hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông đối với học sinh trung học.
Em Hồ Hoàng Phi, Trường THPT Thái Thanh Hòa bày tỏ: “Bản thân đã có tiếp xúc với rất nhiều bạn bị tai nạn giao thông, các bạn đã hối hận vì đã chưa hiểu luật nên chạy nhanh, vượt ẩu nên gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cô giáo Tống Thảo Tiên, Trường THPT Thái Thanh Hòa cho biết: “Tâm lý của các thanh thiếu niên khi tham gia giao thông tâm lý thường hay háo thắng, không hiểu biết luật giao thông nên nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra rất cao. Thông qua việc khảo sát nhằm giúp cho các em có hiểu biết về luật, nâng cao ý thức khi tham giao thông nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.
Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông trong năm chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm phần đường, làn đường, kỹ năng lái xe kém, vi phạm quy tắc tránh vượt, độ tuổi của người gây tai nạn giao thông trung bình từ 18 đến 55 tuổi, dưới 18 tuổi chiếm gần 15%, đa số sinh sống ở các vùng nông thôn. Từ những hoạt động, nghiên cứu cụ thể trên lại đưa thêm những dẫn chứng để các trường tiếp tục tăng cường giáo dục về giao thông phù hợp với tình hình thực tế nhằm điều chỉnh thói quen chưa tốt của học sinh, hạn chế nguy cơ tai nạn./.
Bài và ảnh: Thành Quốc