Giáo trình lý thuyết lái ôtô năm 2018 được giới thiệu là "giáo trình khung"
Giáo trình là tài liệu học tập, giảng dạy chính thức không thể thiếu ở mọi trình độ đào tạo. Theo Luật giáo dục nghề nghiệp, giáo trình “cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng môđun, tín chỉ, môn học trong chương trình đào tạo”.
Từ giáo trình thành "giáo trình khung"
Cụm từ "giáo trình khung" lần đầu tiên xuất hiện tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Theo đó, các cơ sở đào tạo lái xe phải có giáo trình "phù hợp với giáo trình khung đào tạo lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành".
Đến năm 2018, bộ 5 cuốn giáo trình các môn học lý thuyết lái xe được xuất bản và đưa vào dạy và học trên toàn quốc. Dù trên bìa in là giáo trình, nhưng trong lời nói đầu mỗi cuốn đều được giới thiệu là "giáo trình khung". Do đó, có thể hiểu đây chính là "giáo trình khung đào tạo lái xe" như quy định.
Trước thời điểm nêu trên vài năm, quy định tương tự là "giáo trình giảng dạy lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành" (Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT). Bộ giáo trình được sử dụng lúc đó xuất bản từ năm 2011.
Qua so sánh, bộ giáo trình này có cấu trúc và nội dung không khác lắm so với bộ "giáo trình khung" 2018, chương trình chi tiết các môn học để biên soạn chúng cũng vậy.
Thực ra, các bộ giáo trình lý thuyết lái ôtô sau đều là bổ sung, phát triển từ bộ trước, bộ 2018 từ bộ 2011, bộ 2011 từ bộ 2004, còn bộ 2004 từ bộ 1998.
Giáo trình lý thuyết lái ôtô năm 2011 được giới thiệu là giáo trình
Như vậy, giáo trình đã được chuyển thành "giáo trình khung" dù bản chất không hề thay đổi. Sự khác biệt là giáo trình thì quy định bắt buộc sử dụng, còn "giáo trình khung" thì cơ sở đào tạo lái xe có thể tự biên soạn nhưng giáo trình đó phải "phù hợp với giáo trình khung".
Tuy nhiên, như thế nào là phù hợp thì chưa có hướng dẫn và thực tế cũng chưa thấy cơ sở đào tạo lái xe nào có giáo trình lý thuyết khác với "giáo trình khung".
Không có "giáo trình khung", chỉ có giáo trình
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, có "chương trình khung" hoặc "khung chương trình" chứ không có "giáo trình khung".
Đây là một thuật ngữ lạ, dùng không chuẩn có thể gây khó hiểu cho người thực thi, bởi một giáo trình thì đã được biên soạn đầy đủ, chi tiết từng chương, bài, mục, tiểu mục... rồi.
Trong tiếng Việt, "khung" có nghĩa đen là vật dùng để lồng tranh ảnh, giấy khen hay bộ phận chính để lắp đặt các bộ phận khác. Do vậy, chương trình khung quy định về cơ cấu nội dung, số lượng, thời lượng các môđun, môn học, tỉ lệ thời gian giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm mục tiêu cho từng ngành nghề đào tạo.
Sau khi có chương trình khung, người ta sẽ căn cứ vào đó để xây dựng chương trình chi tiết của từng môđun, môn học. Chương trình chi tiết sẽ là cơ sở để biên soạn giáo trình nhằm "cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng môđun, tín chỉ, môn học" như quy định tại Luật giáo dục nghề nghiệp.
Dò tìm trong Luật giao thông đường bộ 2008, Luật giáo dục nghề nghiệp và các nghị định, thông tư liên quan đến đào tạo lái xe đều không có "giáo trình khung", trừ thông tư đã nêu.
Giả sử khái niệm "giáo trình khung" là hợp lý và cơ sở đào tạo lái xe dùng đó để biên soạn giáo trình của mình thì sẽ xảy ra các trường hợp sau:
(i) Giữ nguyên: "giáo trình khung" = giáo trình
(ii) Thêm vào: "giáo trình khung" + (…) = giáo trình
(iii) Bớt đi: "giáo trình khung" – (…) = giáo trình
(iv) Đổi khác: "giáo trình khung" >< giáo trình
Vì còn phải căn cứ vào chương trình chi tiết môn học nên trường hợp (iv) rất dễ bị xác định là không "phù hợp". Trường hợp (ii) và (iii) thì khối lượng thêm hay bớt phải đủ nhỏ để không làm ảnh hưởng đến thời lượng của môn học, đến chất lượng dạy học, nghĩa là thêm bớt không đáng kể.
Cuối cùng, chỉ có (i) là an toàn, đúng quy định với các cơ sở đào tạo lái xe. Mặt khác, trong cả 4 trường hợp thực chất "giáo trình khung" đều là giáo trình.
Một chương trình, nhiều bộ sách lý thuyết lái xe?
Câu chuyện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thời gian qua là gợi ý tốt cho đào tạo lái xe. Thậm chí, chỉ cần một chương trình khung với chuẩn đầu ra rõ ràng, mục tiêu môn học cụ thể là đủ. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm giữ vai trò thẩm định, công nhận thay vì biên soạn giáo trình hay "giáo trình khung".
Mặt khác, học cái gì và học ở đâu thì cuối cùng cũng sẽ phải sát hạch cùng các bài lý thuyết, mô phỏng và thực hành như nhau, nên cơ sở đào tạo lái xe sẽ là nơi tổ chức biên soạn hay lựa chọn giáo trình theo cách phù hợp nhất với thực tế đào tạo. Quy định về đào tạo trình độ sơ cấp hiện nay cũng cho phép tự xây dựng chương trình và tự biên soạn, lựa chọn giáo trình.
Đáng tiếc, hiện các chương trình đào tạo lái ôtô vẫn đang thiếu vắng chuẩn đầu ra, mục tiêu môn học, bài học và cách thức kiểm tra, đánh giá.
Tại Singapore, không có quy định về chương trình và giáo trình đào tạo lái ôtô. Người học có thể lựa chọn tự học lý thuyết ở nhà hoặc đến học tại một trong 3 trường lái xe.
Tuy nhiên, vẫn có tài liệu học lý thuyết do Cảnh sát Singapore biên soạn và cung cấp miễn phí trên website, gồm Sổ tay chính thức Lý thuyết cơ bản về lái xe (Basic Theory of Driving - The Official Handbook) và Sổ tay chính thức Lý thuyết kết thúc lái xe (Final Theory of Driving - The Official Handbook).
Về thực hành, mỗi cơ sở đào tạo có nội dung và chi phí khác nhau.
Riêng hạng 3 (tương đương B Việt Nam), người học còn được lựa chọn giữa trường lái xe hoặc giáo viên cá nhân (có chi phí thấp hơn). Đây là những người được cấp phép dạy lái xe, không thuộc các trường. Dĩ nhiên, nội dung đào tạo của họ cũng khác nhau và còn thay đổi tùy theo khả năng của từng người học.
https://tuoitre.vn/giao-trinh-lai-oto-sao-lai-la-giao-trinh-khung-20200702220615605.htm
Theo Báo Tuổi Trẻ